Tình cảm của Bác Hồ với bộ đội trong ngày Tết
Gần 20 lần trực tiếp đến thăm, nói chuyện với cán bộ chiến sĩ, dù có lúc chỉ 15 phút, nhưng Bác đã để lại cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị những bài học sâu sắc và những kỷ niệm không bao giờ quên.
Trong không khí đón mùa xuân mới, tiết trời se lạnh, vừa rót chén nước chè xanh, Đại tá Nguyễn Xuân Mai (87 tuổi) hào hứng mang ra một tập tài liệu về nghiệp cầm bút của ông. Từng đảm nhiệm vị trí Tổng biên tập báo Phòng không – Không quân, ông có một kho tư liệu khổng lồ về các sự kiện lịch sử, các cuộc chiến mà ông từng tham gia.
Với tư duy của một phóng viên chiến trường, một nhà báo, những lần tác nghiệp trong đời đều được ông lưu trữ gần như trọn vẹn. Ông kể, thời xưa máy ghi âm còn hiếm, phải tranh thủ vừa chụp ảnh, vừa ghi chép, rồi mượn ghi âm của cơ quan, của đồng nghiệp để nghe lại. Khi có thiết bị rồi thì ông cẩn thận sau mỗi ngày làm việc, đến tối đều nghe lại rồi ghi chép và lưu trữ. Chính vì thế những hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ, quân và dân ta chiến đấu mà ông thu thập được cách đây hàng chục năm như một “khó báu” cho những ai muốn tìm hiểu.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Tây (cũ) tức Thường Tín (Hà Nội) nay, bố mẹ qua đời khi ông còn rất nhỏ nên ông Mai sớm cùng anh chị trong nhà bươn chải. Năm 1951 ông nhập ngũ khi mới 16 tuổi, vào đơn vị phòng không trợ chiến của Đại đoàn Bộ binh 316. Ông từng trải qua nhiều chiến dịch lớn như chiến dịch Tây Bắc-Thu Đông 1952, chiến dịch Thượng Lào 1953, chiến dịch Điện Biên Phủ 1954…
“Trong thời gian quân ngũ, tôi là người hoạt động tích cực viết báo, đều tiên báo tường, sau đó làm tờ tin của sư đoàn. Năm 1961, tôi chính thức được điều về làm báo chuyên nghiệp của tờ tin Phòng không”, ông Mai kể.
Ngay từ khi bộ đội Phòng không – Không quân chỉ có một đại đội Pháo cao xạ 37mm bảo vệ cầu Thủy Khẩu trên biên giới Việt - Trung, Bác Hồ đã đến thăm hỏi động viên. Kể từ buổi đầu tiên đó cho đến lúc Bác đi xa, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác đã dành thời gian gặp mặt hoặc trực tiếp đến thăm bộ đội Phòng không - Không quân trên trận địa, mâm pháo, sân bay, xưởng máy và các đơn vị để chúc mừng, động viên bộ đội, chỉ đạo quân chủng.
Đại tá Nguyễn Xuân Mai nhẩm tính từ năm 1959 đến năm 1969 Bác Hồ đã gần 20 lần đến thăm và nói chuyện với các đơn vị pháo cao xạ, không quân… Kể về Bác trong nỗi niềm xúc động trào dâng, ông Mai cho biết, trong những lần đó, Bác đều quân tâm chăm sóc, giáo dục bộ đội rất kỹ về tinh thần và quyết tâm đánh giặc. Nhờ cái duyên của nghề mà ông vinh dự được gặp Bác Hồ 7 lần, ông may mắn chụp lại, ghi lại những khoảnh khắc “để đời” mà sau này đã đi vào lịch sử của bộ đội Phòng không – Không quân nói riêng và quân đội nói chung.
Những câu chuyện ấy cách đây hơn 60 năm về trước cho đến hôm nay cả người kể và người nghe vẫn rưng rưng xúc động.
Lần đầu tiên ông Mai được gặp Bác vào ngày 25/7/1961, lúc đó ta phát động phong trào giành thống nhất nước nhà. Công tác tuyên truyền của ta trong các lực lượng vũ trang bảo vệ miền Bắc, đều tập trung động viên thi đua nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện giỏi, học tập tốt, làm tốt công việc tham gia giúp nhân dân địa phương trong lao động sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Bác đến thăm Trung đoàn 230 lúc đó lấy bí danh là Đoàn Thống Nhất - đơn vị huấn luyện tốt, có nhiều thành tích. Trận địa của đơn vị ngay bên bờ hồ Tây ở Quảng Bá.
“Lúc ấy thực ra tôi mới vào nghề làm báo được mấy tháng nên cũng ngờ nghệch, trang bị thì nghèo nàn chưa có gì cả. Hôm đó chưa có máy ảnh, nên không chụp được ảnh”, ông Mai nhớ lại.
Đến nơi, Bác vào trận địa, đầu tiên Bác xem nơi ăn ở của bộ đội như thế nào, xuống bếp xem có vệ sinh không, mức ăn của bộ đội ra làm sao. Sau đó Bác ra đứng giữa sân nói chuyện với bộ đội. Cán bộ, chiến sĩ đều đứng quây quần quanh ở sân để nghe Bác nói chuyện. Bác chủ yếu nói về tình hình chiến đấu của quân và dân miền Nam, đại ý “đồng bào miền Nam rất anh dũng, các chú phải học tập quân và dân miền Nam anh hùng. Các chú phải hoàn thành nhiệm vụ, trước hết nội bộ phải đoàn kết, cán bộ chiến sĩ phải thương yêu nhau như con em một nhà. Phải ra sức rèn luyện kỹ thuật và chiến thuật cho giỏi, phải nêu cao tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu…”.
Lần thứ hai được gặp Bác Hồ là ngày 13/2/1964, đúng vào ngày mùng 1 Tết năm Giáp Thìn, đây là dịp ông Mai nhớ mãi. Bác đến với Đại đội 130, Trung đoàn 260, có bí danh là Đoàn Sông Thương ở bên Dốc Vân (Đông Anh), có nhiệm vụ bảo vệ thủ đô.
Ngày 11/8/1963, lần đầu tiên Mỹ cho máy bay phản lực xâm phạm bầu trời Hà Nội. Vì 2 máy bay RF101 bay rất cao trên 5000-6000m, nếu không tinh, không thể nào phát hiện được. Tuy nhiên từ chòi cao, quân ta phát hiện có máy bay lạ, đã kịp thời báo động.
“Hà Nội rung động hết, tự nhiên có những loạt đạn pháo trung cao cỡ 100 ly bắn lên bầu trời. Dù bắn không trúng máy bay, nhưng đã thể hiện tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, khi địch đến là biết. Vì thế các chiến sĩ này đều được khen thưởng và cả đại đội ấy được biểu dương”, ông Mai cho biết Bác Hồ đến đại đội vừa để khen vừa để dặn dò.
Hôm ấy, đơn vị vừa chào cờ xong thì Bác Hồ đến. Lúc bấy giờ không khí ngày Tết Hà Nội rất là tưng bừng, vui vẻ, phấn khởi, đặc biệt trong doanh trại của một đại đội lại có niềm vui rất lớn được đón Bác Hồ. Bác vào câu lạc bộ của đại đội, xem những tờ báo tường của chiến sĩ viết. Bác khen đơn vị tổ chức câu lạc bộ này tốt, phải duy trì nhưng phải nâng cao chất lượng hơn nữa để động viên giáo dục con người. Được ngắm nhìn Bác bước khỏe khoắn trước hàng quân, lòng ai nấy đều tràn đầy xúc động.
Lời Bác dặn như kim chỉ nam, động lực mà mỗi chiến sĩ đại đội khi đó khắc ghi: “Các chú nhớ rằng, nếu máy bay địch lần sau vào miền Bắc nước ta, các chú phải bắn rơi. Nếu các chú bắn rơi máy bay địch, Tết sang năm Bác lại đến thăm….”. Bác vừa dứt lời, cả đại đội không ngớt vang lên quyết tâm làm theo lời Bác dạy.
Trước khi ra về, Bác còn quay lại vẫy chào các chiến sĩ và nói rất vui: “Ngày tết, các chú quên không mời Bác ăn bánh chưng mà chỉ hô khẩu hiệu”.
Một chi tiết khá thú vị, hóm hỉnh được nhà báo Nguyễn Xuân Mai kể lại, sau khi thăm và chia vui cùng các chiến sĩ, Bác vào nhà bếp thấy trong bếp còn nhiều ruồi. Bác nói đùa: Con ruồi đậu trên cái cân này nặng bao nhiêu chú có biết không? Rồi Bác dặn dò anh nuôi: Các chú phải chú ý giữ sức khỏe cho bộ đội chiến đấu. Muốn có sức chiến đấu phải đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn cho bữa ăn. Sau đó, Bác còn ra tận nhà vệ sinh xem sạch sẽ không.
Sau chuyến thăm đầy cảm xúc của Bác tại Đại đội 130, ngay khi về cơ quan, ông Mai đã viết bài đăng trên báo sự kiện đó.
Tự hào nói về một trong những bức ảnh rất nổi tiếng do mình chụp Bác Hồ cùng với các chiến sĩ vào sáng mùng 1 Tết Đinh Mùi năm 1967 (ngày 9/2) ở sân bay Nội Bài, ông Mai cho biết, câu chuyện phía sau bức ảnh này khiến nhiều người xúc động trước sự quan tâm, yêu thương tình cảm của Bác với bộ đội. Đó cũng là lần thứ 6 ông được tác nghiệp và trực tiếp gặp Bác Hồ.
Kể về hoàn cảnh bức ảnh lịch sử đó, nhà báo kỳ cựu nhớ lại, gần 30 Tết, ông có nhiệm vụ lên máy bay cất cánh từ Gia Lâm cùng với trung đoàn không quân vận tải đi nhiều chuyến đến cánh đồng Chum - Xiêng khoảng thả dù tiếp tế cho bộ đội.
“Nhiệm vụ của tôi những ngày cuối năm chỉ như thế. Đáng lẽ việc của tôi đến đây có thể nghỉ Tết về thăm nhà, được thăm vợ con nơi sơ tán. Nhưng khi phóng xe về đến cơ quan ở sân bay Bạch Mai đã khoảng 1h sáng (tức là sau khi đón giao thừa). Cả cơ quan vắng người, tòa soạn báo không còn ai. Bởi vì anh em lúc đó được bố trí đi các trận địa để “ăn Tết” trên mâm pháo với bộ đội ở khắp các tỉnh, thành.
Thấy trên mặt bàn làm việc của tổ tôi, có một dòng chữ viết bằng phấn to kín mặt bàn có nội dung ‘Bộ phận báo cử ngay một người đúng 4 giờ sáng mùng 1 Tết đi công tác đặc biệt với Phó Chủ nhiệm Chính trị, nhớ mang theo máy ảnh’, dưới ký rõ tên Phó phòng tuyên huấn”, ông Mai kể về hoàn cảnh đặc biệt của chuyến tác nghiệp.
Linh tính mách bảo, nghĩ ngay bây giờ không có ai ở đây cả, chỉ có một mình được biết lệnh này, ông để rõ một dòng chữ trên mặt bàn để sáng hôm sau: “Tổng biên tập về thì sẽ yên tâm “Xuân Mai đã đi việc này bắt đầu từ 4 giờ sáng”.
Lúc 4h sáng, ra đến xe ô tô, nhà báo Mai mới được ông phó phòng bảo vệ nói cho biết “đi công tác đặc biệt” là đi đón Bác Hồ đến đón tết với bộ đi trên sân bay.
“Tôi phấn khởi lắm. Mặc dù trước đó đã đi cả đêm, nhưng nghe được đi đón Bác nên khỏe hẳn ra, quên hết mệt”, ông Mai phấn khởi chia sẻ.
Lên đến nơi trời còn mờ sáng, sân bay còn sáng đèn, trời mưa xuân lất phất khiến khung cảnh hiện ra mờ ảo. Khoảng 6h30 sáng, chiếc xe chở Bác Hồ cùng đoàn công tác đến nơi. Bộ đội đã tập hợp thành hình chữ U ở đường bay, các biên đội trực chiến Mic-21 đều đứng sẵn. Bác vẫy tay đi một lượt chào bộ đội.
Lúc bấy giờ các cậu chiến sĩ đều đầu đội mũ sắt, mặc áo sơ mi dài tay, ngoài có áo trấn thủ cộc tay, Bác Hồ đưa tay vào trong ngực áo một chiến sĩ xem mặc có đủ ấm không. Bác hỏi: “Chú mặc thế này có rét không?”, người chiến sĩ cảm động nói: “Thưa Bác, cháu mặc thế này cũng đủ ấm rồi ạ!”. Chớp lấy khoảnh khắc, ông Mai khi đó đã chụp được giây phút Bác ân cần hỏi thăm bộ đội.
Bác đi vòng hỏi thăm hết lượt rồi đến nơi tập trung bộ đội. Bác tươi cười vẫy chào cán bộ, chiến sĩ. Những lời Bác nói, được nhà báo Mai ghi chép cẩn thận: “Hôm nay là ngày mùng 1 Tết, đây là Tết ta, hôm nọ là Tết dương lịch. Chúng ta đã đón một cái Tết đầu năm dương lịch rồi, đây Tết ta theo phong tục cổ truyền của dân tộc. Bác và đồng chí Văn Tiến Dũng, đồng chí Tố Hữu, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi thành tích bắn rơi máy bay trong năm qua của các đơn vị và chúc tết các cô, các chú, năm mới mạnh khỏe, đoàn kết, học tập tốt, tiến bộ và lập thêm nhiều thành tích mới”.
Bác khen cán bộ, chiến sĩ Phòng không - Không quân năm qua đã lập được nhiều thành tích, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ.
Nhà báo Nguyễn Mai Xuân cho biết, trong lần tác nghiệp này, ông còn học thêm một bài học từ Bác cho riêng mình.
Anh hùng lực lượng vũ trang, Trung tướng Trần Hanh khi đó là phi công đã thay mặt anh em cán bộ, chiến sĩ toàn quân chủng lên chúc Tết Bác. Trong lời phát biểu của ông Trần Hanh có câu: “Chúng cháu sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc”. Bác bắt tay ông Hanh rồi nhắc ngay: “Muốn học thì chỗ nào cũng học được, lúc nào cũng học được và gặp việc gì cũng nên học. Ta là người Việt Nam, ta có tiếng của ta chứ việc gì phải mượn tiếng nước ngoài. Vừa rồi chú nói “xả thân” là chú dùng chữ nhiều quá đấy. Sao không nói “quên mình” vì nước, ví dụ ta có tiếng “máy bay”, sao không nói lại nói là “phi cơ”. Mình là người Việt Nam không nên dùng tiếng nước ngoài. Bác nhắc lại là các cháu phải chăm học, học nữa, vì càng học càng tiến bộ, mà tiến bộ thì đánh địch càng thắng lợi…”
Nghe Bác nói vậy, không chỉ các cán bộ chiến sĩ khi đó mà ngay cả ông Mai đến bây giờ vẫn luôn luôn khắc ghi, vận dụng trong mỗi lần viết bài đều chú ý đến từng câu chữ sao cho ngắn gọn, dễ hiểu và thuần Việt nhất.
Sau đó, Bác quay sang giục ông Tố Hữu ngâm thơ cho bộ đội nghe. Ông Tố Hữu xin ngâm bài thơ mừng năm mới của Bác thì Bác cười bảo: “Không phải bài ấy, chú ngâm thơ của chú chứ! Thơ của Bác đã gửi tặng các cô, các chú ở đây rồi!” Nhưng nhà thơ Tố Hữu vẫn xin phép đọc bài thơ của Bác trước.
“Xuân về xin có một bài ca
Gửi chúc đồng bào cả nước ta
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi
Tin mừng thắng trận nở như hoa”
Sau đó nhà thơ Tố Hữu đọc bài thơ “Chào xuân 67” do ông mới làm.
Sau khi chúc Tết cán bộ, chiến sĩ trong quân chủng trên sân bay, Bác đi thăm các biên đội máy bay trực chiến, thăm các khẩu đội súng máy phòng không trên xe bọc thép bên đường băng. Bác thăm nơi ở các khẩu đội trong những chiếc lều bằng vải bạt bên trận địa và kiểm tra tiêu chuẩn ăn Tết của bộ đội.
(Còn tiếp)
Trần Thường - Thiết kế: Phạm Luyện
Bài viết có tham khảo cuốn Những kỷ niệm về Bác Hồ với bộ đội Phòng không – Không quân của Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, Chính ủy Bí thư Đảng ủy Quân chủng Phòng không.