Tình cảm đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Lạng Sơn

Trong các năm: 2009, 2015, 2023, trên các cương vị là Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lạng Sơn. Trong mỗi chuyến thăm, đồng chí đều thể hiện sự quan tâm và tình cảm đặc biệt đối với quân, dân nơi mảnh đất địa đầu của Tổ quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam trồng Cây đa Hữu Nghị tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (25/8/2023) - Ảnh: Đình Quang

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam trồng Cây đa Hữu Nghị tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (25/8/2023) - Ảnh: Đình Quang

Tại các buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, đồng chí luôn lắng nghe báo cáo và các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, từ đó gợi mở những vấn đề quan trọng để tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu, triển khai thực hiện với mục đích xây dựng một tỉnh biên giới giàu mạnh, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao.

Ba lần đến thăm mảnh đất địa đầu

Lần thứ nhất là vào ngày 20 và 21/1/2009 (tức ngày 25 và 26 tháng Chạp năm Mậu Tý), trên cương vị là Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đến thăm và làm việc tại Lạng Sơn. Thời điểm này, Nhân dân Lạng Sơn đang phấn khởi chuẩn bị đón chào Xuân Kỷ Sửu 2009. Niềm vui như được nhân đôi với người dân nơi địa đầu Tổ quốc khi được đón lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tới thăm.

Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dành nhiều thời gian thăm, chúc tết cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu nghị (huyện Cao Lộc) và bà con xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng. Đồng chí đã ân cần hỏi thăm tình hình đời sống, lao động của cán bộ, chiến sĩ và bà con; tặng quà các gia đình chính sách.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng gợi mở cho Lạng Sơn một số vấn đề như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải hợp lý giữa các ngành, các vùng gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, đảm bảo cho phát triển bền vững. Tận dụng tối đa thế mạnh kinh tế cửa khẩu, đẩy mạnh phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ.

Cùng đó, quan tâm phát triển văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển giáo dục và đào tạo; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, chăm lo tốt hơn đời sống của Nhân dân. Quan tâm công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ liêm khiết, phòng chống có hiệu quả tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí; chú trọng công tác quốc phòng - an ninh, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác và phát triển.

Chuyến thăm thứ hai của đồng chí Nguyễn Phú Trọng tới Lạng Sơn vào ngày 22/4/2015, lúc này đồng chí là Tổng Bí Thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đến thăm mảnh đất Chi Lăng anh hùng, gặp gỡ các cháu học sinh, hỏi thăm tình hình đời sống người dân và làm việc với lãnh đạo xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng), Tổng Bí thư vui mừng khi biết đây là xã tiêu biểu của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Đồng chí biểu dương những thành tích ấy và căn dặn cấp ủy đảng, chính quyền và người dân nơi đây cần phát huy truyền thống hào hùng, tiếp tục khơi dậy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, xây dựng quê hương Chi Lăng ngày càng giàu đẹp, văn minh

Làm việc với lãnh đạo tỉnh, trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015-2020, sau khi nghe báo cáo, Tổng Bí thư yêu cầu tỉnh cần làm tốt công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ đại hội tới; trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, rà soát quy hoạch, kế hoạch phát triển cho nhiệm kỳ sau và lâu dài; phát triển toàn diện, đồng bộ, bứt phá để đi lên, nhất là phát triển kinh tế cửa khẩu và tập trung xây dựng nông thôn mới; củng cố quốc phòng, an ninh, hợp tác phát triển quan hệ hữu nghị với các địa phương của Trung Quốc. Đặc biệt chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển; xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…

Ngày 25/8/2023, lần thứ ba đồng chí Nguyễn Phú Trọng tới thăm và làm việc tại Lạng Sơn. Chứng kiến những đổi thay mạnh mẽ trên mảnh đất địa đầu, Tổng Bí thư rất vui mừng, đồng chí nhắc lại chuyến thăm lần trước: “Tôi còn nhớ, cách đây gần 10 năm, ngày 22/4/2015, tôi đã có dịp lên thăm và làm việc với tỉnh Lạng Sơn. Hôm nay, về lại nơi đây, vừa được nghe báo cáo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, và qua ý kiến phát biểu của một số đồng chí lãnh đạo tỉnh, nhất là những gì được tận mắt chứng kiến trên đường đi và ở một số cơ sở, tôi rất vui mừng trước những đổi thay của quê hương Lạng Sơn...”.

Làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đạt được trong thời gian qua. Đồng thời Tổng Bí thư đã phân tích, chỉ ra những điểm còn hạn chế và gợi mở, định hướng cho Lạng Sơn những vấn đề lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, quốc phòng – an ninh…

Trong chuyến thăm này, Tổng Bí thư đã đến thăm, tặng quà cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa và thăm hỏi, tình hình đời sống của người dân trên địa bàn thành phố Lạng Sơn; thăm động viên các lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và tại đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trồng Cây đa Hữu Nghị với lời nhắc nhở: Tình hữu nghị truyền thống Việt Nam – Trung Quốc đã được các thế hệ lãnh đạo và Nhân dân hai nước dày công xây dựng và vun đắp; đây là tài sản vô cùng quý báu mà hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai bên phải kế thừa và phát huy.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, động viên người dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng trong chuyến thăm và làm việc tại Lạng Sơn (ngày 22/4/2015) - Ảnh: Mai Hoa

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, động viên người dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng trong chuyến thăm và làm việc tại Lạng Sơn (ngày 22/4/2015) - Ảnh: Mai Hoa

Khắc ghi lời dạy

Đáp lại tình cảm, sự quan tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Lạng Sơn luôn tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hăng hái thi đua, ra sức xây dựng quê hương, góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương, khắc ghi những chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, chương trình, kế hoạch... để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ toàn diện trên các lĩnh vực: xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh, đối ngoại.

Triển khai những định hướng lớn đó, với sự đoàn kết của toàn Đảng bộ, sự chung sức đồng lòng của Nhân dân, Lạng Sơn từ một tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn đã và đang từng bước vươn mình mạnh mẽ.

Nếu như năm 2010, toàn tỉnh hoàn thành mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2006 – 2010 đề ra là: “… từng bước vượt qua tình trạng tỉnh nghèo, rút ngắn dần khoảng cách so với trình độ phát triển chung của cả nước…”, thì đến năm 2015, Lạng Sơn đã hoàn thành mục tiêu ở mức cao hơn mà Đại hội lần thứ XV đề ra là: “…cơ bản đạt được trình độ phát triển trung bình của cả nước…” và đến năm 2020, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện tốt mục tiêu tổng quát của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 là: “…Đẩy mạnh công cuộc đổi mới; xây dựng Lạng Sơn phát triển toàn diện, bền vững”. Những kết quả đó tạo thế và lực mới để Đảng bộ tỉnh bước vào Đại hội XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 với mục tiêu nâng thêm một bước nữa là: “…Phát triển nhanh và bền vững”. Qua hơn nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, mục tiêu, nhiệm vụ ấy đã và đang hiện thực hóa.

Để cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm và làm việc tại Lạng Sơn ngày 25/8/2023, ngày 26/3/2024, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình làm việc số 111-Ctr/TU với 7 chương trình công tác trọng tâm gồm: tiếp tục tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh; đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển ngành du lịch, phấn đấu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa – xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, dân tộc, tôn giáo; củng cố quốc phòng – an ninh, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại; đẩy mạnh công tác xây dựng và chính đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn đảng bộ, phát huy hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Mỗi chương trình, Đảng bộ tỉnh đều đề ra các nhiệm vụ giải pháp rất cụ thể và phân công tổ chức thực hiện.

Với sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân chung sức thực hiện các định hướng cụ thể đó, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định, cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch đúng hướng. Trong đó, với việc tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức thực hiện tốt các chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp tiếp tục thể hiện là trụ đỡ trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Khu vực cửa khẩu tiếp tục được đầu tư đồng bộ, qua đó thúc đẩy kinh tế của khẩu phát triển, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Tính đến cuối tháng 6/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua địa bàn tỉnh đạt trên 27,4 tỷ USD, tăng 50,61% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,14%; tỉnh đã thành lập cụm công nghiệp Na Dương 1 và Na Dương 3 (huyện Lộc Bình), nâng tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 9 cụm. Du lịch tiếp tục đà phục hồi, toàn tỉnh thu hút 2,97 triệu lượt khách, tăng 5,3%; doanh thu đạt trên 2,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước; các hoạt động liên kết vùng, hợp tác quốc tế, đặc biệt là việc chuẩn bị các nội dung, điều kiện phục vụ công tác thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu được các cấp, ngành liên quan tích cực triển khai.

Đặc biệt là tỉnh đã tổ chức công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050; khởi công xây dựng 262 công trình; hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp được đẩy mạnh thực hiện, đã khởi công Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT; khởi công Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn và Cụm công nghiệp Hồ Sơn 1. Các dự án trọng điểm, dự án giao thông liên kết vùng được tập trung thực hiện ngay từ đầu năm.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được thực hiện có hiệu quả; lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân tiếp tục được nâng lên; quốc phòng - an ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng...

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Lạng Sơn đã và đang ra sức thi đua, phấn đấu xây dựng Lạng Sơn ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hằng mong muốn, đáp ứng tình cảm, sự tin tưởng, kỳ vọng mà đồng chí đã dành cho mảnh đất địa đầu.

VŨ NHƯ PHONG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tinh-cam-dac-biet-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-voi-dang-bo-chinh-quyen-va-nhan-dan-lang-son-5016115.html