Tình cảm sâu nặng của Bác Hồ với đồng bào miền Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào miền Nam. Bác nói: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”.

Năm 1911, từ bến cảng Nhà Rồng, Sài Gòn, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước với một quyết tâm cháy bỏng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. (1)

 Bác Hồ với các cháu dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc (13-2-1969). Ảnh tư liệu.

Bác Hồ với các cháu dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc (13-2-1969). Ảnh tư liệu.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đầy hy sinh gian khổ, Bác luôn theo sát từng bước đi của cách mạng miền Nam. Đặc biệt là sau Hiệp định Geneve được ký kết đất nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền. Miền Bắc được giải phóng, từng bước khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa xã hội, tiến lên chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng giải phóng để thống nhất đất nước. Bác viết thư gửi bộ đội và gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc (tháng 9/1954):

Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta”.(2)

Năm 1969, khi tiếp nhà báo Marta Rojas (Báo Granma - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba) Bác từng nói những câu xúc động: “Ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng. Gộp nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”.(3)

Bác luôn trăn trở:“Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.(4)

Tại Hội nghị Việt - Pháp ở Fontainebleau, Bác tuyên bố: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.(5)

Trong lời tuyên bố với quốc dân khi từ Pháp về, Bác khẳng định: “Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam Bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc”.(6)

Năm 1963, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa II, đúng vào dịp chuẩn bị sinh nhật lần thứ 73 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đại biểu đã nhất trí đề nghị trao tặng Người Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam. Bác đã cảm ơn Quốc hội và nói: “Trong khi miền Bắc ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội để ủng hộ đồng bào miền Nam, thì đồng bào miền Nam đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ công cuộc xây dựng hòa bình ở miền Bắc. Cho nên nhân dân miền Bắc từng giờ từng phút nhớ đến đồng bào miền Nam. Gần 20 năm trường, hết đấu tranh chống thực dân Pháp, lại đấu tranh chống Mỹ - Diệm, đồng bào miền Nam thật là xứng đáng với danh hiệu Thành đồng Tổ quốc và xứng được tặng thưởng Huân chương cao quý này. Vì những lẽ đó tôi xin Quốc hội đồng ý thế này, chờ đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội cho phép đồng bào miền Nam trao tặng cho tôi Huân chương cao quý này. Như vậy toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng”.(7)

Năm 1967, Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô quyết định tặng Bác Huân chương Lênin - Huân chương cao quý của nhà nước Xô - Viết, nhưng Bác cũng hẹn ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà. Nhưng tới ngày đi xa, trên ngực Người vẫn không một tấm huân chương!

Bác nhớ thương đồng bào miền Nam bao nhiêu Người lại càng cảm thấy vui bấy nhiêu khi được đón tiếp các đồng bào miền Nam ra thăm. Năm 1965, gặp đoàn anh hùng dũng sỹ miền Nam ra thăm miền Bắc. Khi cả đoàn khóc vì sung sướng, cảm động và vây quanh Bác, Người xúc động nói: “Bác mong các cháu lắm, Bác nhớ đồng bào miền Nam lắm”.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Bác càng nung nấu ý muốn là phải vào bằng được Nam Bộ với đồng bào, đồng chí miền Nam đang chiến đấu. Như biết trước được sức khỏe của Bác có phần giảm sút đi nhiều, lo lắng ý định không thể thực hiện được, một lần nữa Bác lại đề nghị được vào miền Nam để gặp gỡ đồng bào, động viên chiến sĩ.

Ngày 10/3/1968, trong bức thư gửi đồng chí Lê Duẩn, Bác đã đề nghị ý định của mình, để thuyết phục các đồng chí trong Bộ Chính trị, Bác đã chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng từ hình thức đi cho tới thời gian, lịch trình cụ thể.

Bác mong chờ được vào miền Nam. Cho đến tháng 8/1969, Bác nằm trên giường bệnh nhưng vẫn nghe báo cáo tình hình chiến trường, vẫn theo dõi bản đồ chiến sự miền Nam. Mỗi khi tỉnh dậy sau cơn mệt nặng, bao giờ Bác cũng hỏi tin tức về miền Nam. Chưa vào được miền Nam, Bác yêu cầu hễ có đồng chí, đồng bào nào từ miền Nam ra thì phải cho Bác biết và đưa vào gặp Bác. Mỗi lần được gặp gỡ đại biểu từ miền Nam ra, Bác vui khỏe hẳn lên.

Trước lúc đi xa, trong Bản Di chúc, Bác đã dành tình cảm, niềm tin mãnh liệt cho đồng bào miền Nam, cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc. Người viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”.(8)

Đáp lại tình cảm của Bác, nhân dân miền Nam, cùng với quân dân cả nước chiến đấu anh dũng, kiên cường, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong vườn hoa Phủ Chủ tịch, từ Nhà sàn của Bác đến đình Hội Đồng có con đường nhỏ đã trở thành con đường mòn Bác đi bộ hằng ngày sau khi đi chữa bệnh về, và Người đặt tên là đường Trường Sơn. Khi Người qua đời mọi người mới hiểu Bác dùng con đường này tập luyện hằng ngày để có thể vượt Trường Sơn vào Nam thăm đồng bào, đồng chí. Cho tới những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, Bác vẫn luôn âm thầm, bền bỉ rèn luyện sức khỏe, để chuẩn bị cho chuyến đi đặc biệt này.

Mỗi lần nhớ về Bác, nhớ những tình cảm thiêng liêng, bao la rộng lớn Bác dành cho dân tộc Việt Nam, cho miền Nam làm xúc động triệu triệu trái tim.

Chiến tranh đã lùi xa 45 năm, đất nước đang trên đà đổi mới, hội nhập và phát triển, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác hằng mong muốn.

-----------------------------------------------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.5,6

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, sđd, t.7, tr. 356

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.10, tr. 373

(4), (6) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.4, tr. 419

(5) Sách “Giữ yên giấc ngủ của Người”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.18.

(7) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.11, tr. 62

(8) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.12, tr. 509

Nam Phong

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thoi-su/tinh-cam-sau-nang-cua-bac-ho-voi-dong-bao-mien-nam-593642/