Tình cảm từ những miền quê tiễn biệt đồng chí Lê Khả Phiêu
Trong hai ngày 14 và 15-8, hàng ngàn người đã đến Hội trường Thống Nhất (TPHCM) viếng đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong số này có những đoàn đến từ những nơi xa xôi địa đầu Tổ quốc, đến những người con quê Thanh đến thắp nén nhang tiễn biệt người đồng hương mà họ kính yêu.
Từ sáng sớm 15-8, đoàn đại biểu các tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk, Kon Tum cũng đã xếp hàng vào viếng.
Thay mặt Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Trung tướng Huỳnh Chiến Thắng – Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu bày tỏ lòng tiếc thương đồng chí Lê Khả Phiêu – người trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đã gắn bó và dành nhiều tình cảm cho quân dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Trung tướng Huỳnh Chiến Thắng, đồng chí Lê Khả Phiêu đã sống trọn cuộc đời kiên trung, vì Đảng, vì dân, là tấm gương và niềm tự hào của các thế hệ cán bộ chiến sĩ.
Từ Long An, đoàn đại biểu thay mặt cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đến thắp nén nhang tiễn biệt đồng chí nguyên Tổng Bí thư. Đồng chí Phạm Văn Rạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An vẫn nhớ rõ, khi đã nghỉ hưu, dù tuổi cao sức yếu nhưng đồng chí Lê Khả Phiêu vẫn luôn quan tâm sâu sắc, dành thời gian về huyện Đức Huệ (2017) tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Mộc Hóa. Đồng chí đã có những góp ý đầy tình cảm, trách nhiệm, tâm huyết với cấp ủy, chính quyền tỉnh Long An và định hướng phát triển địa phương.
Với Thiếu tướng Trương Giang Long, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, từng 5 lần được gặp và làm việc với đồng chí Lê Khả Phiêu, luôn kính trọng, tự hào về người thủ trưởng mà ông coi như người thầy, người cha.
Còn với ông Trịnh Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Pacific Airlines, được gặp và nói chuyện với “bác Lê Khả Phiêu” là kỷ niệm không quên. Ấn tượng nhất trong ông là hình ảnh nhà lãnh đạo có nhân cách lớn, trí tuệ, thông minh, bình dị và luôn gần gũi với mọi người.
Thay mặt Câu lạc bộ Doanh nhân Thanh Hóa tại TPHCM, Chủ tịch CLB Trịnh Tiến Dũng hứa trước đồng chí Lê Khả Phiêu, sẽ phấn đấu học tập và xây dựng doanh nghiệp, xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.
Đến tiễn biệt người đồng chí, đồng hương của mình, ông Đoàn Thanh Vũ (78 tuổi, ngụ quận 1) mang theo cả nỗi niềm nhớ thương đồng đội.
Lau vội giọt nước mắt, ông Đoàn Thanh Vũ nói: Trong chiến tranh, ở rừng sâu tôi đã khóc khi nghe tin Bác Hồ mãi đi xa. Đó là nỗi mất mát to lớn của cả toàn dân tộc. Giờ tôi mất đi người đồng đội một thời gắn bó với nhau trong gian khổ ở chiến trường Campuchia khốc liệt, hỏi lòng sao chẳng buồn.
Nhưng người lính già ấy tin, dù đã mãi đi xa, nhưng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã an lòng, bởi người đồng đội năm xưa đã sống một đời cống hiến hết lòng vì nước, vì dân.
Cúi đầu bên di ảnh người đồng đội, ông Đoàn Thanh Vũ bùi ngùi, xót xa: Hình ảnh người đồng chí, đồng đội, đồng hương luôn mãi mãi trong trái tim tôi.