Tình cảnh khốn cùng của người tị nạn Gaza trong mùa đông khắc nghiệt
Gần 3 tháng sau khi xung đột Israel - Hamas bùng phát, người dân ở Dải Gaza vẫn trên đường di tản, nhưng giờ đây họ đang phải đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt, không có nơi trú ẩn thích hợp và thiếu những điều cơ bản để sinh tồn.
Trong các trại tị nạn ở Rafah, những chiếc lều được căng lên vội vàng trên nền đất pha cát nằm san sát nhau. Bên trong là những người dân Gaza.
Cũng giống với gần như toàn bộ 2,3 triệu người Palestine ở Dải Gaza đã mất nhà cửa do các cuộc ném bom và tấn công trên bộ dữ dội mà Israel tiến hành, họ đang lang thang vô định ngay trên chính quê hương của mình.
Cô Safeya Maarouf, một người Palestine như vậy cho biết ban đầu gia đình cô ở Beit Lahiya, gần biên giới với Israel. Khi xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát vào hôm 7/10, gia đình cô lập tức di rời đến al-Fakhoura ở phía Bắc Dải Gaza.
Tuy nhiên, ở al-Fakhoura không được bao lâu, gia đình cô Maarouf cùng những người tị nạn khác được cảnh báo rằng nơi trú ẩn của họ không an toàn và phải đến một nơi an toàn hơn ở phía Nam.
Sau đó, các lực lượng Israel tấn công trường học, buộc họ phải rời đến Nuseirat trong một tháng.
Các lực lượng Israel tiếp tục không kích vào trường học, nơi trú ẩn của họ, một lần nữa buộc những người tị nạn, bao gồm gia đình cô Maarouf tiếp tục hành trình sơ tán và lần này là dừng chân ở Rafah.
Nhưng tại lều trại ở Rafah, Maarouf cho biết gia đình cô không có máy sưởi ấm, không có điện, không có đèn hay bất cứ thứ gì.
“Tất cả mọi người đang đau khổ, họ đều đau đớn. Không có phòng tắm, không nước, không hơi ấm, không an toàn. Chúng tôi ngủ trong sợ hãi”, cô Maarouf nói.
Ở một lều trại khác, bà Zayda al-Breem đến từ Khan Younis, thành phố lớn nhất ở nam Gaza cho biết thêm: “Mười lăm ngày đầu tiên khi đến đây, chúng tôi không tìm thấy rau, không nước, cũng không có phòng tắm. Tất cả đều khó khăn, rất khó khăn”.
Giờ đây, mùa đông đã đến, khó khăn đã tăng lên bội phần. Theo bà al-Breem, di chuyển là cái gì đó có thể chịu đựng được, nhưng di chuyển trong mùa đông thì không thể chịu đựng được.
Suốt cả đêm, những bậc làm cha làm mẹ phải che cho đứa trẻ này và kéo đứa trẻ kia lại gần để chúng ấm hơn.
Một phụ nữ khác, bà Alia Ghaban, cũng đến từ Beit Lahiya như cô Maarouf cho biết thêm với những người đi sơ tán, "ngày nào cũng vậy, không có nước sạch, không tắm rửa, không cầu nguyện như người bình thường".
Ở trại tị nạn, họ không có gì cả và tất cả những gì thuộc về nhu cầu thiết yếu đều trong tình trạng thiếu thốn.
Ngay cả một cái bánh mì dù không có chất lượng tốt nhưng trong hoàn cảnh đó, theo bà Ghaban, "đó là một điều may mắn, chúng tôi sẽ chấp nhận nó”.
Đối với trẻ em, tình cảnh còn thương tâm hơn.
Bà Ghaban cho biết do không có chăn đắp, thiếu quần áo, trẻ em run rẩy, ho khùng khục vì lạnh. Không có nước sạch, sinh hoạt mất vệ sinh, trẻ em đều bị ốm, tiêu chảy và nôn mửa.
Những người như bà Ghaban hằng ngày đều tự hỏi khi nào “khi nào sẽ có đình chiến” và “khi nào chúng tôi có thể trở về nhà”.
Trong khi đó ở phía bên kia biên giới với Gaza, theo tờ The Jerusalem Post ngày 1/1, cư dân của sáu thị trấn Israel, những người sống cách biên giới từ 4 - 7 km, sẽ sớm được trở về nhà, đầu tiên là ba ngôi làng thuộc Hành lang Ashkelon, tiếp theo là ba ngôi làng ở vùng Sha'ar Hanegev.
Về mặt kỹ thuật, người dân của những ngôi làng này có thể bắt đầu trở về nhà ngay lập tức, nhưng dự kiến sẽ có một số chậm trễ để lực lượng chức năng xử lý nốt một số vấn đề thực tế.
Sau sáu ngôi làng trên, nếu tình hình an ninh vẫn ổn định và các vấn đề thực tế khác tiến triển như mong đợi, nhiều ngôi làng trong phạm vi 4 - 7 km tính từ biên giới với Gaza sẽ có thể trở lại khu vực Sdot Hanegev….
Xem video ghi lại cảnh sống trong trại tị nạn của những người Gaza đang lang thang vô định trên chính quê hương mình. Nguồn: Reuters
Sau khi các tay súng Hamas tràn qua biên giới vào ngày 7/10, tấn công vào các thị trấn ở miền Nam israel khiến 1.200 người thiệt mạng, trong đó đa số là dân thường, Israel đã phát động chiến dịch Những thanh kiếm sắt để trả đũa.
Hoạt động bắn phá của Israel tới nay đã khiến gần như toàn bộ 2,3 triệu người dân ở Gaza mất nhà cửa, phải đi di tản triền miên từ khu vực này tới khu vực khác.
Theo Cơ quan y tế ở Gaza do Hamas điều hành, tới ngày 3/1 đã có hơn 22.000 người Palestine đã thiệt mạng do các cuộc ném bom, bắn phá của Israel.
Trong khi đó, ngày 2/1, Cơ quan cứu trợ Liên hợp quốc dành cho người Palestine (UNRWA) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc (LHQ) một lần nữa cảnh báo mọi người dân tại Gaza đang đối mặt với nạn đói và bệnh tật trong bối cảnh giao tranh giữa Israel và Hamas leo thang.