Tính chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu
Ông Lương Trường Sơn (Đồng Tháp) hỏi, đối với chi phí lập bản yêu cầu báo giá, chi phí đánh giá hồ sơ chào giá, chi phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, thì phải áp dụng như thế nào để thanh toán cho đơn vị tư vấn?
Theo phản ánh của ông Sơn, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định các dự án do xã, phường quyết định đầu tư phải ký hợp đồng với Ban quản lý dự án để quản lý dự án.
Đơn vị ông Sơn đang thực hiện tư vấn gói thầu áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn, theo quy định tại Khoản 12, Điều 2 (áp dụng Mẫu báo cáo thẩm định) Thông tư số 19/2015/TT-BKHĐT ngày 27/11/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “… Đối với chào hàng cạnh tranh rút gọn không bắt buộc phải tiến hành thẩm định bản yêu cầu báo giá”.
Căn cứ quy định tại Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5, Điều 9 (chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu) Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 và theo quy định tại Khoản 2, Khoản 4, Khoản 6 và Khoản 7, Điều 4 (chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu) Thông tư số 190/2015/TT-BTC ngày 17/11/2015 của Bộ Tài chính thì chỉ tính chi phí lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu; không tính chi phí lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu rút gọn và chào hàng cạnh tranh rút gọn.
Ông Sơn hỏi, đối với chi phí lập bản yêu cầu báo giá, chi phí đánh giá hồ sơ chào giá, chi phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, thì phải áp dụng như thế nào để thanh toán cho đơn vị tư vấn?
Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 23 Luật Đấu thầu:
“Điều 23. Chào hàng cạnh tranh
1. Chào hàng cạnh tranh được áp dụng đối với gói thầu có giá trị trong hạn mức theo quy định của Chính phủ và thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản;
b) Gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng;
c) Gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt”.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 57 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ thì:
“…2. Chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn áp dụng đối với gói thầu quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 23 của Luật Đấu thầu có giá trị không quá 500 triệu đồng, gói thầu quy định tại Điểm b và Điểm c, Khoản 1, Điều 23 của Luật Đấu thầu có giá trị không quá 01 tỷ đồng, gói thầu đối với mua sắm thường xuyên có giá trị không quá 200 triệu đồng”.
Chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu được quy định tại Điều 9 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Điểm d, Khoản 6, Điều 126 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 190/2015/TT-BTC ngày 17/11/2015 quy định về quản lý, sử dụng chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ; trong đó, đã quy định việc quản lý sử dụng các khoản mục chi phí theo đúng quy định tại Điều 9 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP nêu trên.
Trong quá trình thực hiện, trường hợp phát sinh các nội dung chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu chưa được quy định tại Điều 9 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ, đề nghị ông có ý kiến gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định trong quá trình sửa đổi Nghị định này.