Tình chợ tình và phiêu tình

Khởi đi từ trong tưởng tượng, khởi đầu từ địa danh Khau Vai, nhà thơ Anh Vũ viết những câu thơ mở đầu trường ca 'Tình chợ tình': 'Tôi lăn tưởng tượng tôi xuống Khau Vai/ Hòn đá rơi mất tăm khoảng không không đáy/ Tự thời lắc lơ hồng hoang nào/ Tình sử chợ tình tuần hoàn máu chảy'.

Lời thơ đưa ta vào cõi tình nơi chợ tình và cõi tình nơi nhân gian vừa rộng mở vừa mông lung, như thực mà như mơ. Nó trở đi trở lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ người này sang người khác và trong chính mỗi chúng ta khi này khi khác. Nhà thơ minh định rằng trường ca sẽ không kể lại câu chuyện tình trắc trở giữa chàng Ba và cô Út hay bất cứ nhân vật tưởng tượng nào mà kể chuyện mình - “Chẳng mình còn ai” - đại từ mình khiến người viết và người đọc có được sự đồng điệu về nhân xưng, trường ca từ đó làm rung cảm, vấn vít cảm xúc giữa người sáng tạo và người tiếp nhận.

Trường ca có mười tám trường đoạn kết hợp tài tình những vần thơ lục bát với lục bát biến thể, thơ bảy chữ, thơ tự do tạo nên sự luân chuyển giọng điệu, âm điệu khi uyển chuyển vần điệu, khi rắn chắc mạch lạc, khi bất ngờ đứt đoạn phù hợp và đặc tả tâm trạng nhân vật trữ tình. Có đoạn lục bát tác giả viết: “Thương nhau lấy lạ làm quen/ Lấy quen hoa trắng làm then nhị vàng…”. Những vần thơ lục bát rất chỉnh lại sử dụng lối nói bóng gió, phiếm chỉ của ca dao như đưa ta về với một không gian truyền thống, một thời gian không phân định giữa xưa và nay. Có khi là những vần thơ bảy chữ: “Thèm như vách nứa cùng in bóng/ Thon thả hình em đến nghẹn ngào/ Mồ hôi nước mắt sao mà mặn/ Ai chả yêu nhau rồi thương nhau…”. Nhưng trong cả tập trường ca chiếm ưu thế về số lượng câu là thể thơ tự do. Có thể vì với thể thơ này những tâm tư của cái tình được bộc lộ nhiều nhất, vượt ra khỏi những khuôn thước của vần điệu. Nhiều trường đoạn là nơi tập trung những câu thơ tự do và đan cài một vài đoạn nhỏ trong những trường đoạn khác. Những đoạn thơ này thường thể hiện cái tình trong những trắc trở, truân chuyên của phận kiếp, để người đọc vẫn còn đau đáu những câu thơ: “Khúc buồn chợ Khau Vai/ Cũng là khúc vui chợ Khau Vai/ Nước còn lọt kẽ tay/ Con đường yêu thương cua tay áo/ Xuống vực lên non sườn dốc đá tai mèo/ Bơi trong mây trắng/ Thở thành mây…”.

Sự luân chuyển nhuần nhị giữa các thể thơ được bổ trợ bởi liên kết điệp từ, điệp ngữ khiến những đoạn thơ gắn bó khăng khít tạo sự liền mạch. Trường đoạn thứ hai kết thúc bằng câu thơ “Tôi bảo Khau Vai chợ mở lồng” thì trường đoạn thứ ba bắt đầu bằng câu “Mở ra lạ cả mênh mông”. Hai từ “mở” trong hai câu thơ này tạo ra lối điệp từ nhắc lại về chữ mà bổ sung về nghĩa khiến cho sự chuyển mạch giữa hai trường đoạn là một sự kế tiếp. Ta còn thấy sự lặp lại gần như nguyên vẹn hai câu mở đầu của trường đoạn thứ mười một: “Mỗi ngày/ Chúng ta một con người khác” và trường đoạn thứ mười hai: “Mỗi ngày/ Chúng ta đã một con người khác”. Sự lặp lại ấy không phải vì bí từ mà vì tác giả Anh Vũ nhấn mạnh, muốn nhắc nhớ sự khác đi ở mỗi chúng ta. Nhưng ấn tượng nhất phải là lối sử dụng điêu luyện điệp từ, từ hiệp vần trong một câu thơ, một đoạn thơ. Cùng ngâm nga những câu thơ: “Hòn đá rơi mất tăm khoảng không không đáy” điệp từ “không không” khiến không gian càng rộng hơn, sâu hơn. Hay “Thời gian nước sông Nho Quế chảy còn chảy” điệp từ “chảy còn chảy” truyền cho người đọc cảm giác về thời gian chảy trôi liên tiếp, vô thủy vô chung.

Song hơi thở và nhựa sống của trường ca “Tình chợ tình” là cái tình ở phận kiếp con người chảy tràn trong tất cả những câu thơ tạo ra một mạch thơ xuyên suốt, thấm đậm và vang vọng. Mạch chảy ấy khi sâu lắng lúc trào dâng, khi tha thiết lúc cồn cào. Tác giả khi thì đặc tả: “Dành mãi mãi những 364 ngày đêm lẻ thiếu”; khi bóng gió xa xôi: “Đâu chỉ mình núi núi/ Đâu chỉ mỗi mây mây/ Bức tranh Khau Vai núi mây bổi hổi”.

Tài tình của nhà thơ Anh Vũ là diễn tả được những nỗi niềm có mà như không có, nhà thơ gọi đó là “nỗi niềm mây khói”. Có khi là nỗi đợi đã bắt đầu từ khi nảo khi nao: “Tôi đợi em từ chớm giấc mơ/ Khau Vai mà sóng phía lơ thơ/ Váy thêu rờn nếp bao tình ý/ Khúc khuỷu hoa văn khăn tỏ mờ”. Có khi là nỗi buồn: “Buồn nhất là không biết buồn/ Tình không yêu ghét lòng luôn hững hờ/ Mệt mề không cả cơn mơ/ Đã quên quá khứ còn ngờ tương lai”. Những nỗi niềm như thế đã làm nên những nét phiêu tình ít thấy.

Một bài thơ khác viết về chợ tình Khau Vai của nhà thơ Trần Hòa Bình đã viết những câu thơ đầy thân phận: “Quỳ trước núi mà tin thôi em ạ/ Ai trong đời chẳng có một Khau Vai”.

Hai nhà thơ hai lối tài tình trong diễn tả cái tình nơi phận kiếp, nơi mỗi chúng ta trước cùng một cơn cớ là phiên chợ tình Khau Vai. Trong cả trường ca “Tình chợ tình”, tác giả Anh Vũ mở ra một khung cảnh Khau Vai và một tâm thức quan họ. Những câu thơ sánh đôi đã phát huy tác dụng triệt để: “Cứ gọi Khau Vai dài nước mắt/ Nương tình quan họ giọt tròn lăn/ Biết ai ướt với đời thua thiệt/ Thì quảy sông Cầu lên Đồng Văn”.

Những cảnh tượng bên ngoài gợi mở những tâm cảnh bên trong. Những hình ảnh cao nguyên đá Đồng Văn, hình ảnh chợ tình Khau Vai càng gợi nhớ gợi thương miền quê quan họ “bóng cầu tre rùng rình” với những duyên tình liền anh liền chị yêu nhau mà chẳng thể đến với nhau. Hình ảnh và câu chuyện của chàng trai cô gái nơi đá núi càng làm bừng thức hình ảnh người em ở “phía chiêm bao” với “những nhạt phai dội lòng”, hình ảnh của “tôi” ở “phía chơi vơi” cùng với “Bao lời ước nguyện bao lời vi vu”. Khung cảnh ấy và tâm thức ấy vừa quấn quện vừa sáng tỏ lẫn nhau.

Cứ vấn vít hư hư thực thực như thế, tác giả Anh Vũ đưa người đọc đến với chất tình nơi chợ tình, vượt lên trên một câu chuyện kể để đến với cái tình bản nguyên làm nên hồn cốt mỗi con người, mỗi cộng đồng. Đó là hạt nhân của chất phiêu tình trong cả tập trường ca “Tình chợ tình” khiến người đọc thêm một lần thanh lọc tâm hồn mình để trở về với cái tình ban sơ trong chính mình và cộng đồng mình.

HẢI SINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tinh-cho-tinh-va-phieu-tinh-609925