Tính chuyện đường dài

Trong chuyến du đấu quốc tế đầu năm 2025, đội tuyển bắn súng Việt Nam sớm tạo dựng thành tích tại giải Cúp châu Á (đang diễn ra tại Thái Lan) với 2 HCV, 2 HCB, 5 HCĐ, tính đến ngày 20-2.

Hai gương mặt chủ lực là Trịnh Thu Vinh và Phạm Quang Huy mở màn với tấm HCV nội dung 10m súng ngắn hỗn hợp. Đáng chú ý, đội tuyển Việt Nam còn tạo dấu mốc ấn tượng khi lần đầu tiên giành HCV cấp độ châu Á nội dung 25m súng ngắn bắn nhanh đồng đội nam do công của bộ 3 Hà Minh Thành, Phạm Quang Huy, Vũ Tiến Nam.

Bắn súng là đội tuyển giữ phong độ thành tích ổn định của thể thao Việt Nam ở các giải đấu quốc tế những năm gần đây. Bắn súng cũng là môn thể thao mà Việt Nam có thể tiếp cận gần với huy chương Olympic nhất. Hiện nay đội tuyển bắn súng Việt Nam đang sở hữu các gương mặt tài năng như Phạm Quang Huy (HCV Asiad 19), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (giành suất chính thức dự Olympic 2024), Lại Công Minh, Phan Công Minh, Phí Thanh Thảo...

Tuy nhiên, những VĐV này còn cần nhiều thời gian rèn luyện và quan trọng nhất là nhận được sự đầu tư xứng tầm mới mong chuyện đường dài tranh chấp huy chương tại các kỳ Asiad hay Olympic. Để đầu tư trọng điểm, dĩ nhiên đó là câu chuyện về nguồn lực, có sự góp sức giữa quốc gia lẫn địa phương chủ quản.

So với thời gian trước, đội tuyển bắn súng quốc gia hiện điều kiện tập luyện được cải thiện hơn. Cụ thể, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội đã được đầu tư cơ sở vật chất (hệ thống điện tử), lượng đạn phục vụ cho số lượng VĐV tập luyện từ 50-60 người. Liên đoàn Bắn súng Việt Nam đã mời chuyên gia Altantsetseg Byambajavyn (Mông Cổ) cho nội dung súng ngắn nữ và đang xúc tiến việc tìm kiếm chuyên gia cho nội dung súng trường.

Tuy nhiên, những điều kiện này vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu tập luyện "tập trung mũi nhọn" của VĐV. Cựu tuyển thủ quốc gia Hoàng Xuân Vinh, người duy nhất giành HCV cho thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic từng chia sẻ, để bắn súng phát triển phải có nhiều VĐV giỏi và được đầu tư đầy đủ trang thiết bị tập luyện. Nhưng đây cũng là câu chuyện chung của thể thao Việt Nam khi kinh phí đầu tư cho các môn còn hạn chế khiến VĐV không có đầy đủ thiết bị và súng, đạn tập luyện.

Ở góc độ địa phương, xã hội hóa vẫn là phương án tối ưu được nhiều đơn vị lựa chọn. Chẳng hạn tại TPHCM, nơi được xem là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện mô hình xã hội hóa để phát triển môn bắn súng thể thao. Nhờ vậy, Liên đoàn Bắn súng TPHCM đã đầu tư, phát triển mô hình các câu lạc bộ cấp cơ sở, thu hút nhiều tầng lớp tham gia.

Đây cũng là cách làm hay để tuyển chọn nguồn VĐV kế thừa cho đội tuyển TPHCM cũng như đội tuyển quốc gia. Cách làm này cũng tạo được nguồn thu, chủ động về kinh phí cho các hoạt động của liên đoàn, tái đầu tư cơ sở vật chất nhằm xây dựng, phát triển bền vững môn bắn súng thể thao của TPHCM.

NGUYỄN ANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tinh-chuyen-duong-dai-post782819.html