Tính Đảng – Kim chỉ nam của báo chí cách mạng Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, đặt nền móng cho sự ra đời nền báo chí cách mạng Việt Nam và giúp báo chí cách mạng Việt Nam thể hiện đầy đủ các vai trò là người tuyên truyền, người cổ động tập thể và người tổ chức tập thể với tinh thần chiến đấu, thấm nhuần tính Đảng và tính Nhân dân. Tính Đảng của báo chí cách mạng Việt Nam là nét đặc trưng, nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang là kim chỉ nam cho mọi hoạt động lãnh đạo báo chí của Đảng ta trong thời kỳ mới.

Phóng viên Đài PT - TH Hà Giang tác nghiệp tại xã Bàng Hành, huyện Bắc Quang. ảnh: Mai Ánh

Phóng viên Đài PT - TH Hà Giang tác nghiệp tại xã Bàng Hành, huyện Bắc Quang. ảnh: Mai Ánh

Để phục vụ nhân dân, trước hết, báo chí cách mạng là cầu nối, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; cổ vũ nhân dân làm nên sức mạnh vô biên, biến ý chí của Đảng thành hiện thực, vì cuộc sống, vì lợi ích của chính bản thân mình. Đồng thời, báo chí cũng là tấm gương phản chiếu xã hội, nắm bắt, phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân để qua đó, Đảng nắm chắc hơn thực tiễn, nhất là những vấn đề đang đặt ra, những bức xúc trong nhân dân, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách của mình một cách tốt hơn. Báo chí cách mạng còn là “đội cận vệ” của Đảng, là lực lượng nòng cốt đấu tranh vạch trần mọi âm mưu, luận điệu của các thế lực thù địch, phần tử bất mãn chính trị, đối tượng xấu, xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, chế độ ta, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Báo chí còn là “người giám sát” quá trình triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát hiện nhân rộng các nhân tố mới, cách làm hay; đồng thời kiên quyết lên án những hành vi vi phạm pháp luật, hướng tới xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Tính Đảng của báo chí cách mạng là như thế.

Tính Đảng là bản chất, là thuộc tính của báo chí cách mạng và cũng là đòi hỏi đối với mỗi người cầm bút, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế, bùng nổ thông tin như hiện nay. Người làm báo phải “có lập trường chính trị vững chắc”, lấy “chính trị phải làm chủ” như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Người làm báo đảng cần hiểu rõ và thấm nhuần tư tưởng, quan điểm của Đảng về báo chí cách mạng; xác định rõ mình là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, không để kẻ xấu lợi dụng, tuyệt nhiên không được bẻ cong ngòi bút, phục vụ mưu lợi cá nhân bất chính, hay vì quyền lợi của một nhóm người nào đó. Viết cái gì có lợi cho Đảng, cho đất nước, cho nhân dân. Không những thế, người cầm bút cần có trình độ chuyên môn, có ý thức xã hội, am hiểu các lĩnh vực của đời sống, nhất là những vấn đề liên quan đến đề tài, nội dung mình theo dõi hoặc tìm hiểu, phản ánh trên báo chí. Trước khi tìm đề tài và tác nghiệp, cần suy nghĩ viết cho ai, viết để làm gì, rồi mới đến viết như thế nào cho có tính quần chúng và tính chiến đấu. Có những vụ việc cụ thể xảy ra đâu đó nhưng nó không phản ánh bản chất của cuộc sống, thì không nên viết; có những cái viết lên chỉ tạo sự tò mò vì hiếu kỳ của số ít người, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục thì không nên viết… Với người viết là như vậy, người biên tập, xử lý cho đăng lại càng phải thận trọng hơn, không để lọt những “vi rút truyền nhiễm” lên trang báo.

Trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam hiện nay, thực hiện mục tiêu xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với phát huy sức mạnh, quyền làm chủ của nhân dân luôn đòi hỏi phải không ngừng nêu cao tính Đảng, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, cũng như của toàn xã hội; trong đó, báo chí có vị trí và vai trò quan trọng.

Võ Thái Hòa (Đại học Nguyễn Huệ, Bộ Quốc phòng)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202306/tinh-dang-kim-chi-nam-cua-bao-chi-cach-mang-viet-nam-5b026c9/