Tỉnh đầu tiên công bố tình trạng khẩn cấp về hạn mặn, làm gì để ứng phó?

Xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Các đợt xâm nhập mặn sẽ đạt đỉnh trong tháng 4-5, khiến khoảng 30 nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Tình trạng hạn mặn khẩn cấp ở Tiền Giang

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh vừa ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Sở NN&PTNT được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với UBND huyện Tân Phú Đông và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức vận chuyển nước ngọt (nước ngọt thô có độ mặn nhỏ hơn 100 mgCl-/lít) về các ao chứa nước tại huyện Tân Phú Đông, phục vụ duy trì hoạt động sản xuất, nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.

Hạn mặn khẩn cấp ở Tiền Giang khiến kênh rạch trơ đáy.

Hạn mặn khẩn cấp ở Tiền Giang khiến kênh rạch trơ đáy.

Đồng thời Sở này phải khảo sát chọn vị trí vận chuyển, thời gian vận chuyển, đảm bảo việc vận chuyển nước ngọt bổ cấp nước vào các ao chứa nước nhằm đảm bảo kịp thời cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện Tân Phú Đông một cách hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mặn xem xét kết thúc sớm hoặc kéo dài thời gian vận chuyển nước ngọt.

Người đứng đầu UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo phải thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông để người dân, các tổ chức biết và chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp trong sản xuất, sinh hoạt.

Theo Nghị định 66/2021 của Chính phủ, tình huống khẩn cấp về thiên tai là tình trạng thiên tai đã hoặc đang xảy ra gây nguy hại trực tiếp an toàn tính mạng, sức khỏe của nhiều người và các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng đang sử dụng. Tình huống khẩn cấp được công bố bằng quyết định của người có thẩm quyền như Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Sau khi công bố tình huống khẩn cấp, các đơn vị liên quan phải triển khai ngay các biện pháp ứng phó cấp bách để ngăn chặn và khắc phục nhanh hậu quả. Nhu yếu phẩm, nước sạch sẽ được cấp phát miễn phí cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng.

Đến nay, Tiền Giang đã mở hơn 60 vòi công cộng cấp nước miễn phí. Nhiều tổ chức, cá nhân cũng dùng sà lan, xe bồn chở nước ngọt đến vùng khô hạn phát miễn phí cho người dân, song chỉ giải quyết tạm thời tình trạng thiếu nước ngọt.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như 2015-2016 và 2019-2020. Các đợt xâm nhập mặn sẽ đạt đỉnh trong tháng 4-5 (8-13/4, 22-28/4, 7-11/5). Hạn mặn năm nay dự báo sẽ khiến 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, 20.000 ha lúa đông xuân gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo bị thiếu nước.

Sông chung với hạn mặn?

Mới đây, các nhà khoa học của Viện Khoa học Tài nguyên nước tiến hành nghiên cứu, lập bản đồ thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra tại khu vực ĐBSCL. Kết quả cho thấy, với kịch bản hiện trạng, tổng mức thiệt hại do xâm nhập mặn ở ĐBSCL khoảng 70.168 tỉ đồng. Đây là thiệt hại gây ra với hoạt động sản xuất gồm cây ăn quả, hoa màu, lúa và thủy sản. Các nhà khoa học cũng xây dựng kịch bản thiệt hại do xâm nhập mặn tại ĐBSCL ở các năm 2030, năm 2040 và năm 2050 với mức thiệt hại lần lượt 72.385 tỉ đồng, 73.530 tỉ đồng và 76.485 tỉ đồng.

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ cho biết, những năm gần đây, hạn, mặn thường diễn biến khá phức tạp, xâm nhập sâu vào các hệ thống kênh rạch, với độ mặn lớn nhất thường xuất hiện chủ yếu vào tháng 4 hoặc tháng 5 do ảnh hưởng của thủy triều ở Biển Đông và Biển Tây cũng như tình trạng suy giảm của nguồn nước đến từ thượng nguồn.

Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu nên lượng mưa giảm, lượng nước bị bốc hơi cao cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hạn hán, xâm nhập mặn. Tuy nhiên, ngoài một số yếu tố tự nhiên thì yếu tố con người cũng góp phần không nhỏ gây ra xâm nhập mặn. Việc quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước dưới đất chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng sụt lún đồng bằng cũng như tình trạng khai thác cát lòng sông dẫn đến tình trạng hạ thấp đáy sông đã tạo điều kiện thuận lợi cho cho mặn xâm nhập sâu trong nội đồng. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đưa nước mặn vào sâu trong nội đồng.

Về giải pháp chống hạn mặn, theo chuyên gia, cần xem hạn mặn đã là thuộc tính của Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra hằng năm, chỉ khác nhau là cao hay thấp. Cần quan tâm công tác dự báo, để chủ động. Cùng với đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giải pháp công trình hỗ trợ, phục vụ nhu cầu chuyển đổi, để không phải lo đi chống hạn mặn..

Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 (100 năm mới lặp lại), 10 trong số 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long phải công bố thiên tai. Khô hạn đã khiến 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. Hồi năm 2020, hạn mặn làm 43.000 ha lúa bị thiệt hại, 80.000 hộ thiếu nước sinh hoạt, 6 tỉnh phải công bố tình huống khẩn cấp. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ở đây ứng phó.

Dự báo thời tiết hôm nay ngày 6/4: Vì sao nắng nóng triền miên ở Nam Bộ vẫn chưa chấm dứt? | SKĐS

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tinh-dau-tien-cong-bo-tinh-trang-khan-cap-ve-han-man-lam-gi-de-ung-pho-169240406153622422.htm