Tính đến mô hình sàn giao dịch vàng để ngăn vàng hóa nền kinh tế

Cơ sở hạ tầng của thị trường tài chính đã được củng cố, kiến tạo hiện đại, vì thế các cơ quan quản lý có thể cân nhắc mô hình sàn giao dịch vàng.

Giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC đã ngang nhau trong khoảng gần 1 tuần trở lại đây. Ngày 8/7/2024, vàng miếng SJC vẫn được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua - bán), không thay đổi trong 1 tháng trở lại đây. Giá vàng nhẫn cũng đeo bám vàng miếng SJC sát nút, được các doanh nghiệp kinh doanh vàng niêm yết quanh mức 74,6 - 75,3 triệu đồng/lượng mua vào và 76,2 - 76,6 triệu đồng/lượng bán ra.

Như vậy, giá vàng nhẫn chỉ còn chênh so với vàng miếng SJC từ 300 - 700 nghìn đồng/lượng, tùy theo thương hiệu của doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc kéo giảm mức chênh quá cao của vàng miếng SJC so với giá thế giới và so với vàng nhẫn thông qua hình thức cung ứng vàng và cho các ngân hàng thương mại nhà nước bán vàng miếng SJC bình ổn giá. Tuy nhiên, việc kéo giảm chênh lệch giá vàng là chưa đủ. Câu chuyện quản lý thị trường vàng vẫn chưa có đáp án cuối cùng, càng chưa thể có lời giải thấu đáo cho thói quen tích trữ vàng hàng trăm năm của người Việt. Bởi “căn bệnh” của thị trường vàng được các chuyên gia chỉ ra là chưa có giao dịch tập trung, thiếu minh bạch khi được phân phối qua mạng lưới các cửa hàng vàng sẽ khiến công tác quản lý khó khăn, nhất là khi giá vàng biến động.

Để ngăn vàng hóa nền kinh tế, cần tính đến đồng bộ nhiều giải pháp. Tại cuộc tọa đàm về chủ đề này vừa được tổ chức, các chuyên gia tài chính và chính sách thuế nêu quan điểm rằng: Phải rạch ròi cho được chức năng của vàng là hàng hóa hay dự trữ ngoại hối, để từ đó có ửng xử phù hợp với vàng. Thành lập sàn giao dịch vàng hay phát hành chứng chỉ vàng cũng là những phương thức quản lý cần tính đến ở thời điểm hiện nay khi công nghệ và công cụ quản lý của chúng ta đã tốt hơn.

Giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC đã ngang nhau trong khoảng gần 1 tuần trở lại đây

Nêu quan điểm của mình, ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, cho biết: Khi là Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thời điểm đó đã nhiều lần mời các chuyên gia tới để trao đổi, thảo luận về vấn đề quản lý thị trường vàng thông qua chứng chỉ hay tín phiếu vàng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thị trường tài chính Việt Nam còn lạc hậu nên chưa thể triển khai các giải pháp này. “Hiện nay, cơ sở hạ tầng của thị trường tài chính đã được củng cố, kiến tạo hiện đại, vì thế các cơ quan quản lý có thể cân nhắc đề xuất này” - ông Hòe nói.

Phân tích kỹ hơn, vị chuyên gia này cho rằng, để có một sàn giao dịch vàng quốc gia hoạt động hiệu quả thì không đơn thuần là mặt bằng giao dịch cung cấp vàng vật chất, vàng chứng chỉ, mà cần đồng bộ về dịch vụ, tiện ích liên quan đến giao dịch, hoạt động thanh toán, kiểm định, giao nhận, nghĩa vụ thuế, định danh vàng gắn với sở hữu cá nhân, tổ chức,... Tức là phải có một đề án tổng thể, từ đó xây dựng khung pháp lý quản lý hoạt động của sàn giao dịch vàng này, bước đầu có thể cho phép thí điểm hoạt động 3 - 5 năm. Khi tổng kết thí điểm sẽ nhìn nhận rõ những điểm được và chưa được; tránh tình trạng thí điểm chưa xong đã cho phát triển bùng nổ, để rồi khi gặp sự cố thì lại quay về thời kỳ siết chặt quản lý.

Ở một góc nhìn khác, PGS, TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề vàng hóa gây ra nhiều tác hại với nền kinh tế đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới muốn đưa vàng ra khỏi lưu thông bởi nếu người dân cứ giữ vàng sẽ ảnh hưởng tới đồng nội tệ. Vì thế, các ngân hàng trung ương trên thế giới luôn tìm cách quản lý, thậm chí là cực đoan để cấm vàng vật chất lưu thông trên thị trường.

Dẫn chứng, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước có thể phát hành tín chỉ vàng (ETF) cho người dân. Đơn cử như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bán cho người dân ETF ghi nhận số vàng mà người dân đang nắm giữ là bao nhiêu. Người dân có thể mua bao nhiêu lượng vàng cũng được nhưng Nhà nước sẽ phát hành cho họ một tín chỉ như vậy thay vì bán vàng nguyên chất. Nhờ đó, Ngân hàng trung ương Mỹ vẫn nắm giữ lượng vàng nguyên chất làm dữ trự ngoại hối. Người dân có thể mua bán tín chỉ đó với nhau và bán lại cho ngân hàng trung ương.

Câu chuyện quản lý thị trường vàng vẫn chưa có đáp án cuối cùng

Câu chuyện quản lý thị trường vàng vẫn chưa có đáp án cuối cùng

Ông Huân đề xuất thêm, thay vì cấm người dân nắm giữ vàng nguyên chất, Nhà nước nên có những quy định khuyến khích người dân đem vàng gửi cho ngân hàng trung ương với mức lãi suất thấp. Như vậy, ngân hàng trung ương có thể tính toán được và trả lời cho câu hỏi đầy tranh cãi là số lượng vàng thực sự trong dân là bao nhiêu.

Nêu một giải pháp khác, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm thành công và thất bại của việc quản lý thị trường vàng trên thế giới. Trong đó, cũng nên hướng đến việc xem xét có nên xây dựng các sàn vàng vật chất hay không. Ông Hà phân tích, nhu cầu người dân hiện nay không chỉ dừng lại ở việc tham gia vàng vật chất, mà còn muốn kinh doanh trên các sàn vàng trạng thái. Trên thế giới, có nhiều quốc gia công nhận sàn vàng trạng thái, còn Việt Nam hoàn toàn không có. Điều đó đã khiến xuất hiện những sàn vàng trạng thái hoạt động chui, lừa đảo khiến nhiều người dân bị mất tiền vào các ứng dụng hoặc những sàn trạng thái.

Đánh giá về phương án đầu thầu vàng để bình ổn thị trường, TS. Phạm Xuân Hòe cho rằng, giải pháp can thiệp này chưa thành công bởi liên quan tới dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương. “Ngoại tệ ở đâu và lượng vàng ở đâu để có thể can thiệp được thị trường?” - ông Hòe nêu câu hỏi. Bên cạnh yếu tố ngoại tệ để nhập khẩu vàng, ông Hòe cho rằng việc can thiệp nêu trên không thành công còn cần nhìn nhận rõ là có nguồn vàng nhập lậu rất lớn.

Để quản lý thị trường vàng hiệu quả, có nhiều ý kiến cho rằng cần có chính sách thuế trong giao dịch mua bán vàng. Dưới góc nhìn của chuyên gia trong lĩnh vực này, ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) bày tỏ: Thị trường vàng đã có thuế VAT với vàng trang sức nhập khẩu; hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vàng áp dụng thuế suất 10% nhân với chênh lệch giữa giá bán trừ đi giá mua. Nếu doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận sẽ phải đóng thêm thuế thu nhập doanh nghiệp 20%.

Với hộ kinh doanh theo diện kê khai thì cần đầy đủ chứng từ, hóa đơn và kê khai thuế như doanh nghiệp và nộp thuế bao gồm cả thuế thu nhập cá nhân với hoạt động kinh doanh và thuế giá trị gia tăng.

"Tôi cho rằng cách quản lý như vậy là tốt và minh bạch, doanh nghiệp rõ ràng, hộ kinh doanh rõ ràng. Chỉ có điều, hiện nay với những hộ kinh doanh nhỏ, mức doanh thu khoán có thể đâu đó còn có vấn đề, doanh thu có thể chưa đúng, chưa sát tại một vài thời điểm", ông Phụng nêu. Bên cạnh đó, vị chuyên gia này chia sẻ: Ngành thuế đang đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử, kết nối giữa người mua, người bán và với cơ quan thuế. Khi đó, cơ quan thuế sẽ có thông tin, dữ liệu để quản lý thuế tốt hơn và thu thuế theo đúng quy định pháp luật.

Thùy Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tinh-den-mo-hinh-san-giao-dich-vang-de-ngan-vang-hoa-nen-kinh-te-330849.html