Tính đến phương án thích ứng với biến đổi khí hậu bằng chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Dự báo trong thời gian tới, việc lưu lượng nước hạn chế, tình trạng xâm nhập mặn sẽ còn cực đoan hơn.

Sáng 4/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7 về nhóm vấn đề đầu tiên thuộc lĩnh vực tài nguyên-môi trường (TNMT). Một vấn đề được nhiều đại biểu đặt câu hỏi là giải pháp khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng gay gắt, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé- Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nêu rõ, thời gian qua, tình trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông đang bủa vây vùng đồng bằng sông Cửu Long với mức độ phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất người dân trong vùng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá về công tác dự báo, dự phòng đối với vấn đề trên thời gian qua. Đồng thời cho biết giải pháp ổn định môi trường sống khu vực này trong thời gian tới như thế nào?

Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày

Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi-Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đánh giá, dù nhiều giải pháp công trình và phi công trình đã được thực hiện nhưng diễn biến đang ngày càng cực đoan, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng TNMT cho biết những giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng trên?

Cho rằng tình trạng hạn hán trong nhiều năm tới sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp, đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ trưởng nêu rõ giải pháp cho vấn đề này?

Còn đại biểu Trần Văn Sáu - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, tình trạng thiếu nước nghiêm trọng đến mức phải tổ chức cứu trợ. Đại biểu Sáu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ trách nhiệm và cam kết của Bộ trưởng trong việc giải quyết việc thiếu nước dùng của người dân.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh nhận định, biến đổi khí hậu có tác động rất lớn trên nhiều vùng miền trên cả nước.

“Chúng ta phải chủ động thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách triển khai hiệu quả Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và hoàn thành các quy hoạch khu vực sông, điều hòa điều phối nước hợp lý; đảm bảo sử dụng tối ưu nước, dự báo, cảnh báo sớm cho người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương để phòng chống hạn hán”-Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết.

Về vấn đề xâm nhập mặn, Bộ trưởng nêu rõ, với tác động của biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long bị tình trạng xâm nhập mặn sâu, dự báo trong thời gian tới, việc lưu lượng nước hạn chế, tình trạng xâm nhập mặn sẽ còn cực đoan hơn.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tính đến phương án thích ứng với biến đổi khí hậu bằng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ví dụ từ sản xuất nuôi trồng ngọt, chuyển sang sản xuất nuôi trồng lợ; có các giải pháp công trình đồng bộ thủy lợi, cố gắng giữ nước ngọt. Nội dung này, Bộ sẽ có văn bản để trả lời, phân tích, đánh giá đầy đủ hơn tới các đại biểu”-Bộ trưởng Bộ TNMT thông tin.

Bộ trưởng cũng cho biết, đối với các đối tượng yếu thế, do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán như phụ nữ, trẻ em, người già sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Từ đó có các tác động đến kinh tế gia đình, sinh hoạt. Do đó, chúng ta phải đặc biệt quan tâm và ưu tiên những đối tượng này.

Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn

Đối với chất vấn về lượng mưa đổ về trong mùa hạn nhưng tại sao lại thiếu nước, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thông tin, năm nay có hiện tượng El Nino, nên tình trạng thiếu nước chỉ là thiếu cục bộ ở khu vực.

“Tỉnh Tiền Giang và một số tỉnh đã chủ động cung cấp nước cho người dân, có hàng trăm điểm lấy nước công cộng cho người dân. Tuy nhiên, các nhà máy nước và các hồ chưa đảm bảo cung cấp nước, ứng phó với hạn hán, nên cần phải điều chuyển nước từ nơi khác về. Đây là vấn đề cần được tính toán, quan tâm trong thời gian tới. Bộ sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan có dự báo, tính toán, đảm bảo nguồn nước; đồng thời tuyên truyền người dân chủ động tích trữ nước; tiếp tục nâng cấp các nhà máy nước, đảm bảo cung cấp nước cho Nhân dân”-Bộ trưởng TNMT cho biết.

Trà My

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/phai-tim-giai-phap-khac-phuc-tinh-trang-han-han-xam-nhap-man-dien-ra-ngay-cang-gay-gat_163058.html