Tính độc lập của Ngân hàng Trung ương đang bị đe dọa?

Những chỉ trích, phản đối của Chính phủ đối với các quyết định của NHTW tại một số quốc gia gần đây đã làm gia tăng sự nghi ngại về quyền tự chủ của NHTW trên toàn cầu.

Bằng chứng là kể từ năm ngoái, Tổng thống Donald Trump thường xuyên thể hiện thái độ không hài lòng, thậm chí là chỉ trích các quyết định chính sách tiền tệ theo định hướng thắt chặt của Fed khi mà ông tin rằng nên có nhiều động thái kích thích nền kinh tế hơn nữa. Gần đây, một báo cáo cũng đã chỉ ra việc Tổng thống Trump đang cân nhắc về vị trí của Chủ tịch Fed - ông Jerome Powell.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong khi đó, phong trào dân túy tại Ý cũng muốn trao nhiều quyền lực cho Chính phủ hơn là cho NHTW Ý. Liên minh hiện tại giữa phong trào “5 sao” cánh tả và đảng Lega cánh hữu hiện cũng đã công khai chỉ trích Thống đốc Ignazio Visco. Tại Ý, các nguồn thông tin gần đây cho thấy những nhà lãnh đạo của phong trào dân túy đang cân nhắc xem liệu có nên tái bổ nhiệm Thống đốc Visco - người hiện đang bị nhiều quan chức Chính phủ đổ lỗi về việc đã không giám sát các ngân hàng trong nền kinh tế đủ tốt.

Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây Tổng thống Donald Trump cũng đã chỉ trích Chủ tịch NHTW châu Âu - Mario Draghi sau khi ông này có bài phát biểu liên quan đến việc mất giá của đồng EUR so với đồng USD. Ông cho rằng, Chủ tịch Mario Draghi vừa thông báo về việc có thể thực hiện thêm nhiều hơn nữa các gói kích thích đã ngay lập tức làm cho đồng tiền chung châu Âu giảm giá so với đồng bạc xanh - điều đó là không công bằng trong việc cạnh tranh với nước Mỹ. Phản ứng lại những chỉ trích này, Chủ tịch Mario Draghi đã giải thích rằng nhiệm vụ và mục tiêu của NHTW là đảm bảo về sự ổn định của giá cả chứ không phải thao túng tỷ giá.

Theo giáo sư Erik Jones - chuyên gia nghiên cứu những vấn đề của khu vực châu Âu và kinh tế chính trị quốc tế tại đại học Johns Hopkins thì hiện đang có một cuộc khủng hoảng thực sự đối với sự độc lập của NHTW. Ông cũng đã đề cập đến 3 lý do đằng sau thách thức này, đó là giám sát hoạt động ngân hàng, chính sách tiền tệ phi truyền thống và hành vi chuẩn mực. Theo Erik Jones, một phần của cuộc khủng hoảng này liên quan đến việc thực hiện chính sách tiền tệ chuẩn mực - hiện đang nhận được chỉ trích từ Tổng thống Trump.

Nhìn xa hơn nữa có thể thấy rõ sự bế tắc giữa Chính phủ và NHTW tại Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Anna Rosenberg - đối tác và giám đốc bộ phận nghiên cứu các vấn đề tại khu vực châu Âu của Công ty Signum Global cho rằng thế giới có thể rút ra bài học từ Trump và Salvini - Phó thủ tướng của Ý, đó là những người theo chủ nghĩa dân túy có thể có những hành động, phát ngôn ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ nhưng cuối cùng thì hệ thống chính trị của Mỹ và Ý đủ mạnh để điều đó không xảy ra.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, áp lực đối với những Thống đốc tại NHTW các nước đang gia tăng và họ có thể trở thành mục tiêu của chủ nghĩa dân túy, vì thế họ sẽ được chú ý nhiều hơn trước đây. Hơn nữa, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy, sự quan tâm đã đổ dồn về các chính sách của NHTW với những ảnh hưởng của nó và điều đó đã làm cho các NHTW khó tránh khỏi sự nghi ngờ rằng đã chịu những can thiệp liên tục từ phía Chính phủ.

Thái Hồng

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tinh-doc-lap-cua-ngan-hang-trung-uong-dang-bi-de-doa-89289.html