Tỉnh đông dân nhất Canada áp dụng hộ chiếu vaccine
Kế hoạch có hiệu lực từ ngày 22/9 này ban đầu sẽ sử dụng chứng nhận tiêm chủng do chính phủ cấp (bản in giấy hoặc bản gửi qua email) và người dân cần xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh.
Thủ hiến tỉnh Ontario, ông Doug Ford đã thông báo về kế hoạch triển khai hệ thống hộ chiếu vaccine tại tỉnh đông dân nhất Canada này, yêu cầu người dân xuất trình bằng chứng đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 trước khi vào phòng tập thể thao, rạp hát, nhà hàng ở không gian trong nhà, các trung tâm tổ chức tiệc cưới, hội trường... Để được coi là đã tiêm chủng đầy đủ, người dân phải tiêm liều thứ hai của vaccine phòng COVID-19 trước đó 2 tuần.
Kế hoạch này có hiệu lực từ ngày 22/9, ban đầu sẽ sử dụng chứng nhận tiêm chủng do chính phủ cấp (bản in giấy hoặc bản gửi qua email) và người dân cần xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh. Dự kiến, vào ngày 22/10 sẽ có một ứng dụng trên điện thoại thông minh, cho phép hiển thị chứng nhận tiêm chủng của người dân. Các quy tắc mới sẽ không áp dụng với các nhà hàng ngoài trời, các cửa hàng bán lẻ cũng như nơi thờ cúng. Hệ thống này cũng miễn trừ với những trường hợp bị dị ứng với vaccine, những người không thể tiêm vaccince do có rủi ro về sức khỏe và trẻ em dưới 12 tuổi. Mức phạt đối với hành vi không tuân thủ quy định về hộ chiếu vaccine tại Ontario là 750 CAD (594 USD) đối với cá nhân và lên tới 1.000 CAD (792 USD) hoặc hơn đối với doanh nghiệp.
Theo TTXVN,trong những tuần qua, nhiều nhóm doanh nghiệp, chuyên gia y tế và các chính trị gia đối lập đã yêu cầu chính quyền Ontario triển khai hệ thống chứng nhận vaccine, tương tự như các hệ thống được công bố ở các tỉnh Manitoba, British Columbia và Quebec.
Ông Ford trước đó đã lên tiếng phản đối ý tưởng về hộ chiếu vaccine, cảnh báo vào tháng 7/2021 rằng khái niệm này sẽ tạo ra một “xã hội chia rẽ”. Tuy nhiên trong những ngày gần đây, Thủ hiến của Ontario đã đảo ngược quan điểm của mình trong bối cảnh làn sóng thứ tư của đại dịch vẫn tiếp diễn. Tuần trước, trong chiến dịch vận động tranh cử, nhà lãnh đạo đảng Tự do, Thủ tướng Justin Trudeau đã cam kết thành lập một quỹ trị giá 1 tỷ CAD cho các tỉnh để xây dựng chương trình chứng nhận tiêm chủng.
Một số tỉnh tại Canada thời gian gần đây liên tục thông báo về kế hoạch triển khai hộ chiếu vaccine. Manitoba là tỉnh đầu tiên, sau đó đến Quebec, British Columbia và bây giờ là Ontario. Giới chuyên gia khuyến nghị, để giảm thiểu ảnh hưởng của làn sóng lây nhiễm thứ tư của dịch bệnh, Canada cần hướng tới mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho ít nhất 90% dân số đủ điều kiện tiêm chủng. Và một trong những chìa khóa để đạt được mục tiêu này, đó là áp dụng hộ chiếu vaccine.
Theo Bộ Y tế Canada, hiện hơn 82% người dân Canada trên 12 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19 và trên 74% đã hoàn thành tiêm chủng.
Tại châu Âu, Italy cũng dự kiến mở rộng hơn nữa việc sử dụng thẻ xanh COVID-19, hiện đang là bắt buộc đối với những người làm việc trong trường học, sinh viên, việc di chuyển đường dài và tiếp cận nhiều hoạt động giải trí. Theo Bộ Y tế Italy, nước này có thể bắt buộc mọi người dân phải tiêm chủng, sau khi các cơ quan quản lý của Liên minh châu Âu (EU) và Italy chính thức phê duyệt vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Chứng chỉ kỹ thuật số COVID của châu Âu giúp khôi phục 70% vận tải hàng không
Liên minh châu Âu (EU) coi chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19 của khối là một thành công vì đã khôi phục hơn 70% lưu lượng hàng không bị giảm do các hạn chế đi lại liên quan đến sự lây lan virus SARS-CoV-2.
Trong một tuyên bố với báo giới ngày 2/9, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh: "Chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19 của EU là biểu tượng của một châu Âu cởi mở và an toàn. Nó đã mang lại cho du khách sự tự tin để đi du lịch an toàn trong Liên minh vào mùa Hè này. Nó cho phép các nhà chức trách và hãng hàng không dễ dàng hơn khi kiểm tra các giấy tờ cần thiết".
Theo người phát ngôn này, hệ thống chứng chỉ kỹ thuật số toàn EU nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng xác minh giấy tờ thông hành, nhờ đó "các hãng hàng không đã quay trở lại hơn 70% lưu lượng hàng không, so với mức trước khủng hoảng".
Chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19 của EU được thiết kế để tạo điều kiện đi lại an toàn giữa các nước trong khối trong thời kỳ đại dịch. Kể từ khi ra mắt vào tháng 7 vừa qua, tổng cộng đã có 400 triệu chứng chỉ được phát hành. EC cho biết nhiều quốc gia trên thế giới đã đăng ký tham gia sáng kiến này, trong đó 9 quốc gia không thuộc EU đã tham gia vào hệ thống.