Tỉnh Đồng Nai xây dựng thương hiệu du lịch, tạo bứt phá mới
Xác định rõ thế mạnh và tồn tại, du lịch Đồng Nai đề ra nhiều giải pháp xây dựng thương hiệu du lịch của địa phương, góp phần khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cùng với các địa phương khu vực Đông Nam Bộ như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai là tỉnh có nhiều lợi thế về phát triển du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp tham quan các di tích lịch sử-văn hóa.
Xác định rõ thế mạnh và cả những tồn tại, du lịch Đồng Nai đang đề ra nhiều giải pháp xây dựng thương hiệu du lịch của địa phương, góp phần khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch
Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, tại Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đông Nam bộ được xác định là một trong 7 vùng phát triển du lịch có vai trò quan trọng đối với du lịch cả nước.
Sản phẩm đặc trưng của vùng du lịch Đông Nam Bộ, trong đó có tỉnh Đồng Nai là: du lịch sinh thái rừng, sinh thái biển-đảo; hệ sinh thái đất đỏ miền Đông với các giá trị văn hóa-lịch sử.
Thời gian qua, để tạo đà cho du lịch phát triển, thu hút khách, công tác đầu tư cho hạ tầng du lịch, đặc biệt là các tuyến đường dẫn vào các điểm, khu du lịch đã được tỉnh quan tâm thực hiện. Đồng Nai đã đầu tư hoàn thiện nhiều tuyến giao thông quan trọng từ đó tạo động lực để mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Chẳng hạn, tỉnh đã đầu tư hoàn thiện tuyến đường và hệ thống chiếu sáng dẫn vào dự án khu du lịch Thác Mai-Bàu Nước Sôi ở huyện Định Quán; tuyến đường dẫn vào danh thắng quốc gia núi Chứa Chan ở huyện Xuân Lộc; tuyến đường dẫn vào hồ Đa Tôn, huyện Tân Phú; tuyến đường từ Ngã ba Bà Hào đến Ngã ba Trung ương Cục Miền Nam (huyện Vĩnh Cửu)…
Bà Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể Thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, cho biết để thu hút du khách, các sản phẩm du lịch, điểm đến trên địa bàn tỉnh ngày càng được hoàn thiện. Hiện tỉnh có 24 khu, điểm du lịch với nhiều loại hình du lịch như tham quan, vui chơi giải trí, sinh thái, thể thao, văn hóa…
Ban quản lý, đơn vị khai thác các khu du lịch như Khu du lịch Bửu Long, Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (thành phố Biên Hòa), Khu du lịch Suối Mơ (huyện Tân Phú, Đảo Ó-Đảo Đồng Trường (Vĩnh Cửu) đã đầu tư kinh phí để cải tạo cảnh quan, cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm, dịch vụ du lịch đa dạng nên được nhiều du khách biết đến và lựa chọn khi đến Đồng Nai.
Ngoài ra, trong suốt quá trình hơn 320 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa-Đồng Nai, với truyền thống văn hóa, truyền thống đấu tranh cách mạng, đã tạo cho vùng đất này nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Toàn tỉnh có 57 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi tới Đồng Nai như: Văn Miếu Trấn Biên ở phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa được xây dựng từ năm 1715 - sớm nhất ở vùng đất phương Nam, thể hiện sự tri ân, tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.
Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu - nơi trong 2 năm 1961- 1962, Trung ương Cục miền Nam đã chỉ đạo mở hành lang chiến lược từ miền Đông Nam Bộ nối thông với tuyến đường từ miền Bắc vào, nối tiếp đường Trường Sơn huyền thoại, tiếp nhận sự chi viện to lớn của miền Bắc cho Đảng bộ và quân dân miền Nam trên tuyến đầu chống Mỹ, cứu nước.
Về di sản văn hóa phi vật thể, vùng đất Đồng Nai ngoài việc đồng sở hữu với các địa phương khác ở khu vực Đông và Tây Nam Bộ về vốn quý di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ còn có Lễ hội Sayangva (mừng lúa mới) của đồng bào dân tộc Chơ Ro, Lễ hội Lòng tòng (xuống đồng) của dân tộc Tày…
Nhận định về du lịch Đông Nam Bộ nói chung, Đồng Nai nói riêng, Tiến sỹ Vũ Thịnh Trường và Thạc sỹ Nguyễn Hoài Nhân (Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai) cho rằng Đông Nam Bộ, trong đó có Đồng Nai, là cửa ngõ phía Nam và cũng là không gian kết nối với du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, du lịch xuyên Việt, du lịch xuyên Á. Vùng có Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại và kinh tế của khu vực.
Ngoài ra, vùng Đông Nam Bộ nằm trên vùng đồng bằng và bình nguyên rộng, chuyển tiếp từ cao nguyên Nam Trung Bộ đến đồng bằng sông Cửu Long. Vùng có khí hậu cận xích đạo với nền nhiệt độ cao và hầu như ít thay đổi trong năm, các diễn biến thất thường về khí hậu quanh năm rất nhỏ, ít có thiên tai, không quá lạnh, là khu vực có các sông lớn và dài, có nhiều hồ lớn và hệ sinh thái đa dạng, rất thuận lợi để phát triển du lịch.
Anh Nguyễn Văn Lập đến từ quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Đồng Nai là điểm đến rất phù hợp vào dịp cuối tuần cho những du khách từ các tỉnh, thành lân cận như Thành phố Hồ Chí Minh. Anh đã nhiều lần chọn điểm đến cho những chuyến du lịch là Vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú, Đồng Nai).
Vào thời điểm khoảng từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau, trời ít mưa, rất thuận tiện cho việc tổ chức những chuyến du lịch trải nghiệm tại Vườn quốc gia. Bên cạnh đó, theo anh Lập, vào dịp cuối tuần, các vườn cây ăn trái ở huyện Xuân Lộc hoặc thành phố Long Khánh, huyện Vĩnh Cửu là lựa chọn rất phù hợp cho cả gia đình nhiều thế hệ đến tham quan các vườn trồng các loại trái cây như bưởi Tân Triều, chôm chôm, sầu riêng, mít Tố Nữ và nghỉ ngơi, thư giãn trong không gian xanh mát, thưởng thức nhiều món ăn đặc sản như gà hấp bưởi, gỏi cá Biên Hòa, lẩu lá khổ qua rừng...
Thương hiệu du lịch sinh thái gắn với khai thác giá trị di sản
Tuy đã có một số điểm đến, sản phẩm du lịch được nhiều du khách biết đến song theo lãnh đạo ngành Văn hóa-Thể Thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, tiềm năng du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được phát huy xứng tầm.
Việc phát huy giá trị của các di sản văn hóa với du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái cũng chưa nhiều. Hiện nay, mỗi năm du lịch Đồng Nai đón khoảng trên 4,4 triệu lượt du khách.
Ông Huỳnh Hữu Nghĩa, Quyền trưởng Ban trị sự Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia Thất Phủ Cổ Miếu (thường gọi là Chùa Ông) cho biết Chùa Ông được xây dựng từ năm 1684, ở Cù Lao Phố, phường Hiệp Hòa (thành phố Biên Hòa), có kiến trúc độc đáo theo kiểu “nội công ngoại quốc,” gồm một tòa nhà ở chính giữa hay còn gọi là điện thờ chính hình chữ công, ba dãy nhà bao quanh hình chữ khẩu, tọa lạc trên thế đất đẹp, mặt hướng ra sông Đồng Nai.
Tuy nhiên, hiện nay việc kết nối điểm du lịch văn hóa tâm linh này với các tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Một số công ty lữ hành đã tìm hiểu, kết nối để đưa vào chương trình tour kết nối với một số điểm đến du lịch sinh thái, song do bến thủy ở ngay phía trước di tích chưa được cấp phép nên việc thiết kế tour còn gặp khó khăn.
Với mục tiêu xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái Đồng Nai gắn với khai thác giá trị của hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở địa phương, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai đang đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, trong giai đoạn 2020-2025, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai tập trung tháo gỡ vướng mắc cho một số dự án trọng điểm về du lịch sinh thái để các dự án sớm được triển khai, đồng thời tiếp tục mời gọi các thành phần kinh tế, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư phát triển tại các vị trí được quy hoạch phát triển du lịch như Hồ Đa Tôn (huyện Tân Phú), hồ Núi Le (huyện Xuân Lộc)... tạo đột phá và điểm nhấn cho phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới.
Đồng thời, Đồng Nai cũng xây dựng tuyến du lịch sinh thái gắn với khai thác giá trị di sản văn hóa; lựa chọn một số di sản văn hóa phù hợp cho phát triển du lịch để xây dựng, tạo thành tuyến du lịch sinh thái gắn với di sản văn hóa, tạo đa dạng loại hình du lịch để tăng cường thu hút du khách, có thể hình thành một số tuyến du lịch để phát huy giá trị của di sản gắn với các hoạt động du lịch như hoạt động du lịch sinh thái gắn với tham quan, tìm hiểu các di sản văn hóa tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai; du lịch sinh thái tại khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú) gắn với di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo.
Tỉnh cũng hình thành, kết nối tuyến du lịch tham quan Di tích quốc gia Văn miếu Trấn Biên (thành phố Biên Hòa)-Khu du lịch Bửu Long (thành phố Biên Hòa)-Làng bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu); tuyến du lịch tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Mộ cổ Hàng Gòn (thành phố Long Khánh)-Cụm du lịch sinh thái Vườn Long Khánh (thành phố Long Khánh)-danh thắng quốc gia núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc); hoặc tuyến tham quan Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh-Chùa Ông cùng ở thành phố Biên Hòa gắn với tuyến du lịch sinh thái sông Đồng Nai.
Đồng thời, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh cũng tăng cường xây dựng các chương trình nghệ thuật truyền thống như đờn ca tài tử, rối nước, nghệ thuật cải lương; xây dựng Lễ hội Sayangva của đồng bào dân tộc Chơ Ro thành sản phẩm du lịch; liên kết với các công ty du lịch để đưa vào các chương trình du lịch giới thiệu đến du khách; tăng cường tuyên truyền, quảng bá điểm đến du lịch sinh thái và di sản văn hóa; chú trọng xây dựng và khẳng định và quảng bá thương hiệu du lịch Đồng Nai./.