Tinh giản bộ máy nhưng phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động
Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 tổ chức sáng nay, 31/7.
Hội nghị được kết nối đến 63 điểm cầu trong cả nước với sự tham gia của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có các đồng chí: Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc sắp xếp ĐVHC là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành; tác động đến người dân, doanh nghiệp (ND, DN) và các chủ thể khác. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước, đây là yêu cầu cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho ND, DN.
Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương lớn của Đảng. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII định hướng nhiệm vụ xây dựng chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm địa bàn; kiện toàn tổ chức, tinh giảm hợp lý đầu mối, bỏ cấp trung gian, thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử.
Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 37-NQ/TW, Kết luận số 48-KL/TW; Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15; gần đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị quyết 117/NQ-CP về Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Hội nghị được tổ chức nhằm tiếp tục quán triệt, triển khai chỉ đạo của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện công tác sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2030.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, quá trình sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã có thể gây xáo trộn cả trong hoạt động của các ĐVHC và ảnh hưởng tới ND, DN. Do đó, các cấp, ngành phải quyết liệt chỉ đạo, điều hành thực hiện sắp xếp linh hoạt, hợp lý; bảo đảm bộ máy hành chính vẫn hoạt động bình thường. Đặc biệt, sau khi sắp xếp ĐVHC sẽ dôi dư nhân lực, cơ sở vật chất… do đó phải xử lý linh hoạt, phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt, tích cực, tập trung và hiệu quả của các ngành, địa phương; cần chia sẻ những kinh nghiệm quý, bài học hay, nêu các khó khăn có thể lường trước, đưa ra các giải pháp phù hợp để khắc phục trong quá trình thực hiện, bảo đảm tinh giản bộ máy nhưng phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để hệ thống hoạt động tốt, mang lại hiệu quả chung cho đất nước, nhân dân.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe giới thiệu nội dung Nghị quyết số 37-NQ/TW, Kết luận số 48-KL/TW, Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, Nghị quyết 117/NQ-CP về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; hướng dẫn các bước sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; việc rà soát, thực hiện điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch; việc điều chỉnh địa giới hành chính; việc quản lý tài chính, biên chế…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp thu các ý kiến để triển khai thực hiện. Khái quát lại những kết quả quan trọng, bài học kinh nghiệm trong sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021, Thủ tướng Chính phủ nêu lên 8 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới.
Đó là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, quyết tâm chính trị cao, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn. Việc sắp xếp phải được chuẩn bị lỹ lưỡng, giải pháp đồng bộ, tổng thể, bao trùm, có lộ trình, phân bổ nguồn lực phù hợp, hiệu quả, phương pháp khoa học.
Quá trình sắp xếp bảo đảm phù hợp với quy hoạch của các cấp, ngành, địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và phát huy tốt các nguồn lực. Bộ máy sắp xếp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hiện đại hóa nền hành chính gắn với xây dựng chính quyền số, xã hội số, ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, tạo không gian phát triển mới đi đôi với tư duy mới, giá trị mới. Cùng với căn cứ các tiêu chuẩn chung, phải chú trọng cân nhắc kỹ các tiêu chí đặc thù, bảo đảm khoa học và thực tiễn.
Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, việc sắp xếp ĐVHC đồng thời phải giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2019-2021; thực hiện các chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân; phát huy hiệu quả vai trò giám sát của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Việc sắp xếp phải bảo đảm mục tiêu tạo thuận lợi cho hoạt động của ND, DN, mở rộng sản xuất, kinh doanh, không gian phát triển mới, giữ vững quốc phòng-an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.