Tinh gọn bộ máy: Cần 130.000 tỷ đồng để giải quyết chế độ

111.000 tỷ đồng để thực hiện chế độ chính sách với công chức, viên chức, 4.000 tỷ đồng cho người lao động, 9.000 tỷ đồng cho cấp xã... sau khi tinh gọn bộ máy.

Bộ Nội vụ vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Theo đó, Bộ Nội vụ cho biết để thực hiện việc tinh gọn bộ máy cần nguồn kinh phí lớn được cấp từ ngân sách nhà nước và nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong đó, Bộ Nội vụ ước tính kinh phí thực hiện chính sách, chế độ là 130.000 tỉ đồng. Trong đó, cần 111.000 tỷ đồng dùng để thực hiện chế độ chính sách với cán bộ, công chức, viên chức; 4.000 tỷ đồng cho người lao động; 9.000 tỷ đồng dành cho cán bộ, công chức cấp xã; 4.000 tỷ đồng để đóng bảo hiểm xã hội; và 2.000 tỷ đồng cho đào tạo, bồi dưỡng.

Theo Bộ Nội vụ, việc thực hiện tinh giản biên chế sẽ làm giảm chi thường xuyên và giảm kinh phí từ ngân sách nhà nước để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc (22%); 10% quỹ tiền thưởng. Trong 5 năm tới, ngân sách nhà nước sẽ tiết kiệm khoảng 113.000 tỷ đồng.

Nhiều chính sách nổi bật trong công tác tinh gọn bộ máy do Bộ Nội vụ đề xuất

Nhiều chính sách nổi bật trong công tác tinh gọn bộ máy do Bộ Nội vụ đề xuất

Đáng chú ý, dự thảo Nghị định của Bộ Nội vụ còn quy định cách xác định thời gian và tiền lương để tính hưởng chính sách, chế độ. Cụ thể, thời gian nghỉ sớm để tính số tháng hưởng chế độ trợ cấp hưu trí một lần kể từ thời điểm nghỉ hưu ghi trong quyết định nghỉ hưu đến tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng tối đa không quá 60 tháng.

Thời gian để tính trợ cấp thôi việc là thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được chia thành hai trường hợp. Trường hợp thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 5 năm trở lên thì thời gian tính hưởng trợ cấp thôi việc tối đa 5 năm (60 tháng). Trường hợp thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 5 năm thì thời gian tính hưởng trợ cấp thôi việc bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Thời gian để tính trợ cấp theo số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (theo sổ bảo hiểm xã hội của mỗi người) nhưng chưa hưởng trợ cấp thôi việc, mất việc làm hoặc chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, hoặc chưa hưởng chế độ phục viên, xuất ngũ.

Trường hợp tổng thời gian để tính trợ cấp có tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc từ 1 tháng đến đủ 6 tháng tính là 0,5 năm; từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn là 1 năm. Thời gian để tính trợ cấp theo số năm nghỉ hưu trước tuổi nếu có số tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc tương tự.

Thời điểm được dùng làm căn cứ để tính đủ tuổi đời hưởng chính sách, chế độ nghỉ việc là ngày 1 tháng sau liền kề với tháng sinh; trường hợp trong hồ sơ không xác định ngày, tháng sinh trong năm thì lấy ngày 1 tháng 1 của năm sinh.

Tiền lương tháng hiện hưởng là tiền lương tháng liền kề trước khi nghỉ việc, bao gồm: Mức tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp hoặc mức lương theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động và các khoản phụ cấp lương theo quy định của pháp luật.

Theo dự thảo Nghị định, một đối tượng đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách, chế độ quy định tại các văn bản khác nhau thì chỉ được hưởng một chính sách, chế độ cao nhất.

Nguyễn An

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tinh-gon-bo-may-can-130-000-ty-dong-de-giai-quyet-che-do-315383.html