Tinh gọn bộ máy - Con đường đến một chính quyền chuyên nghiệp, hiệu quả
Tinh gọn bộ máy là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng nhiệm vụ đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác, đang đối diện với bài toán nan giải về hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Sự cồng kềnh, chồng chéo trong cơ cấu tổ chức, thủ tục hành chính rườm rà đã gây ra nhiều bất cập, làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc tinh gọn bộ máy nhà nước trở thành một nhiệm vụ cấp bách, là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng một chính quyền hiện đại, phục vụ nhân dân.
Đó là quá trình cải cách nhằm giảm thiểu quy mô, số lượng các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Tinh gọn bộ máy là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng nhiệm vụ đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Ban Chấp hành Trung ương ban hành đã Nghị quyết số 18-NQ/TW 25-10-2017 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đại hội XIII của Đảng cũng nêu định hướng phát triển đất nước đến năm 2030: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”. Tuy nhiên, cho đến nay, việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước vẫn chưa như kỳ vọng.
Mục tiêu của việc tinh gọn bộ máy đến năm 2030 được Đảng ta xác định là: Hoàn thành việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới, giảm biên chế; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết, kết luận của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phân định rõ và tổ chức thực hiện mô hình chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thôn, tổ dân phố theo tiêu chuẩn quy định.
Để đạt mục tiêu đó, đồng thời khắc phục những hạn chế bất cập trong thời gian vừa qua, quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả có thể nghiên cứu kỹ hơn mấy vấn đề sau đây:
Thứ nhất, tinh gọn bộ máy thực hiện từ Trung ương đến địa phương, Trung ương cần làm trước. Trung ương là hạt nhân lãnh đạo, thể hiện ở việc quyết định các chủ trương, chính sách trong sắp xếp tinh, gọn bộ máy. Mà Trung ương gọn thì tỉnh sẽ gọn, tỉnh mà gọn thì huyện, xã sẽ gọn. Việc Trung ương làm trước và sự nêu gương của Trung ương sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy các cấp, các ngành tích cực thực hiện và tạo ra một cơ chế thống nhất trong quá trình thực hiện, tránh được tình trạng “tắm từ vai trở xuống”, đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ, tránh tình trạng chồng chéo, thiếu hiệu quả.
Thứ hai,thực hiện tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo nguyên tắc:Những cơ quan, đơn vị không còn phù hợp thì giải thể; một cơ quan, đơn vị thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển, tinh gọn đạt được hiệu quả cao nhất.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong xã hội; cần có cơ chế tiếp nhận, xử lý ý kiến phản hồi của người dân. Ngoài ra, việc giảm bớt các cơ quan, đơn vị sẽ ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân, do đó, cần cảnh giác và chủ động có các giải pháp ngăn chặn các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng vấn đề này để chống phá Đảng, Nhà nước.
Tinh gọn bộ máy nhà nước đòi hỏi quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Đây là một nhiệm vụ cấp bách, cần được thực hiện một cách quyết liệt để xây dựng một nhà nước hiện đại, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho nhân dân. Thành công của công cuộc tinh gọn bộ máy sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.