Tinh gọn bộ máy - 'Cú hích' cho sự phát triển bền vững của đất nước

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và yêu cầu đổi mới của nền kinh tế, việc cải cách bộ máy nhà nước và tinh gọn bộ máy hành chính không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Tinh gọn bộ máy là 'cú hích' cho sự phát triển của đất nước. (Nguồn: TT)

Tinh gọn bộ máy là 'cú hích' cho sự phát triển của đất nước. (Nguồn: TT)

Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững

Thực tế, tinh gọn bộ máy nhà nước không chỉ nhằm mục đích giảm thiểu chi phí, mà còn giúp nâng cao hiệu quả quản lý và cung cấp dịch vụ công, từ đó tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.

Bộ máy nhà nước quá cồng kềnh, phức tạp và nhiều tầng lớp, có thể dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực và thiếu hiệu quả trong công tác quản lý. Các cơ quan nhà nước nếu hoạt động không hiệu quả sẽ kéo theo sự trì trệ trong việc triển khai các chính sách, pháp luật, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận các dịch vụ công. Bên cạnh đó, một bộ máy "phình to" cũng tạo ra môi trường dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Không riêng gì Việt Nam, tinh gọn bộ máy nhà nước là một phần trong chiến lược cải cách hành chính của nhiều quốc gia trên thế giới. Việc giảm bớt các phòng ban, đơn vị, nâng cao hiệu quả làm việc của từng cá nhân sẽ giúp bộ máy nhà nước vận hành tốt hơn, giảm chi phí, đồng thời tăng tính minh bạch và hiệu quả trong công tác quản lý.

Khi bộ máy nhà nước được tinh gọn, các cơ quan, tổ chức có thể dễ dàng phối hợp với nhau, tạo ra một hệ thống quản lý mạch lạc và rõ ràng. Các quyết định, chỉ đạo của chính phủ sẽ được triển khai nhanh chóng, hiệu quả và chính xác hơn.

Đồng thời, giảm chi phí và lãng phí nguồn lực. Một bộ máy hành chính cồng kềnh không chỉ tốn kém về tài chính mà còn khiến công chức, viên chức không phát huy hết khả năng. Việc tinh gọn bộ máy giúp giảm chi phí duy trì bộ máy hành chính, nâng cao năng suất lao động của đội ngũ cán bộ công chức.

Khi bộ máy nhà nước được sắp xếp lại, các đơn vị sẽ được yêu cầu làm việc hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy các sáng kiến cải cách, đổi mới sang tạo trong công tác quản lý, giải quyết công việc. Điều này cũng giúp nâng cao chất lượng dịch vụ công, làm hài lòng người dân và doanh nghiệp hơn.

Hơn thế, khi bộ máy nhà nước tinh gọn, linh hoạt sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ, giấy phép, thủ tục hành chính. Việc giảm thiểu các thủ tục phiền hà, rườm rà sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, tạo ra môi trường đầu tư cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, phải hiểu rằng, tinh gọn bộ máy nhà nước không đồng nghĩa với việc cắt giảm nhân sự mà là sự tối ưu hóa nguồn lực, sắp xếp lại các bộ phận một cách hợp lý, hiệu quả. Trong quá trình này, cần phải lưu ý một số yếu tố.

Một là, cải cách tư duy quản lý. Tinh gọn bộ máy đòi hỏi sự thay đổi về tư duy của đội ngũ lãnh đạo và cán bộ công chức. Phải nhìn nhận rằng, bộ máy hành chính không phải chỉ để duy trì công việc mà phải là công cụ hiệu quả phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Hai là, bảo đảm quyền lợi của cán bộ công chức. Việc tinh gọn không được thực hiện một cách cứng nhắc mà phải đi kèm với các chính sách hỗ trợ hợp lý cho đội ngũ công chức. Việc đào tạo lại, chuyển giao công việc cần được thực hiện một cách minh bạch và công bằng.

Ba là, để bộ máy nhà nước có thể hoạt động hiệu quả, việc ứng dụng công nghệ thông tin là rất quan trọng. Các công cụ số hóa sẽ giúp giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà, nâng cao hiệu quả công việc và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dễ dàng hơn các dịch vụ công.

Bộ máy hành chính tinh gọn nhưng vẫn hoạt động hiệu quả. (Nguồn: ictvietnam)

Bộ máy hành chính tinh gọn nhưng vẫn hoạt động hiệu quả. (Nguồn: ictvietnam)

Để không ai bị bỏ lại phía sau

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải khẩn trương, tích cực thực hành cuộc cách mạng về sắp xếp, tổ chức, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị.

Đồng thời, Tổng Bí thư nhấn mạnh, hơn lúc nào hết và không thể chậm trễ hơn thời điểm này, đất nước đã đủ thế và lực, đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc và đây cũng là thời điểm, thời cơ, là sự cấp thiết, đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tổng Bí thư cho rằng, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, chúng ta phải đổi mới tư duy, phải "cởi trói", phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình. Cần tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển.

Có thể nói, tinh gọn bộ máy là bước đi cần thiết để nâng cao hiệu quả công việc, tối ưu hóa nguồn lực và đáp ứng được những yêu cầu phát triển trong một thế giới ngày càng thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, trong quá trình này, một câu hỏi quan trọng phải được đặt ra, làm sao để tinh gọn mà không bỏ lại ai phía sau?

Tinh gọn không chỉ là việc giảm bớt con người hay bộ phận mà còn là sự tập trung vào nâng cao chất lượng và khả năng làm việc của từng cá nhân. Những người còn lại phải được đào tạo, trang bị kỹ năng mới để thích nghi với môi trường làm việc ngày càng phức tạp.

Bảo đảm sự công bằng trong việc phân chia trách nhiệm và cơ hội. Tinh gọn bộ máy không thể chỉ đơn giản là ưu tiên cho những người có khả năng tốt nhất mà bỏ qua những người khác. Các cơ hội thăng tiến, đào tạo và phát triển phải được chia đều, sao cho tất cả mọi người đều có cơ hội cống hiến và phát triển, dù họ ở bất kỳ vị trí nào.

Điều quan trọng là tạo ra một môi trường làm việc linh hoạt và hợp tác. Một tổ chức mạnh mẽ là tổ chức mà mọi cá nhân đều biết rằng sự đóng góp của họ có giá trị, mọi người cùng nhau hướng đến một mục tiêu chung. Mỗi cá nhân đều có những điểm mạnh riêng. Vì vậy, cần phải xây dựng một cơ chế tối ưu hóa sự đóng góp của tất cả các thành viên; nhìn nhận sự phát triển của từng cá nhân, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới không ngừng.

Tinh gọn bộ máy không phải là việc đơn giản chỉ giảm số lượng, mà là một quá trình cải tiến toàn diện, nơi mỗi cá nhân đều có cơ hội phát triển và cống hiến. Khi thực hiện đúng, tinh gọn bộ máy có thể tạo ra một tổ chức mạnh mẽ, linh hoạt, nhưng không ai bị bỏ lại phía sau.

Như vậy, có thể nói, tinh gọn bộ máy nhà nước không chỉ là một biện pháp quản lý hành chính đơn thuần mà là một chiến lược mang tính lâu dài và có tác động sâu rộng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Một bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, đồng thời xây dựng một chính phủ liêm chính, minh bạch, phục vụ nhân dân. Đây chính là "cú hích" cần thiết để đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.

Quang Hưng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-gon-bo-may-cu-hich-cho-su-phat-trien-ben-vung-cua-dat-nuoc-297163.html