Tinh gọn bộ máy - cuộc cách mạng về chất trong kỷ nguyên mới
Tinh gọn bộ máy - cuộc cách mạng về chất trong kỷ nguyên mới
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Xác định tầm quan trọng đặc biệt đó, thời gian qua, từ Trung ương đến địa phương đã quyết liệt, khẩn trương triển khai các công việc theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”. Nhân dịp Xuân mới Ất Tỵ 2025, Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân; Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn về cuộc cách mạng tạo thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị, động lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
- Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn xác định việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng của cả hệ thống chính trị. Do đó, việc thực hiện phải khẩn trương, bảo đảm đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra và tạo được hiệu quả cao trong hoạt động của bộ máy.
Cụ thể, ngay sau Hội nghị Trung ương, Tỉnh ủy đã tổ chức nhiều hội nghị quán triệt đến các cơ quan thuộc diện phải sắp xếp, tinh gọn nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh bị bất ngờ; đối với các cơ quan, đơn vị không thuộc diện này cũng nắm rõ chủ trương chung nhằm tạo sự thống nhất từ trên xuống dưới. Tiếp đó, tỉnh xây dựng phương án, thành lập Ban chỉ đạo, Ban giúp việc; đồng thời, HĐND tổ chức kỳ họp chuyên đề ban hành các nghị quyết liên quan, tạo hành lang pháp lý cho việc sắp xếp bộ máy. Tất cả các công đoạn được triển khai đồng bộ, cụ thể hóa bằng các văn bản, đề án. Đến nay, UBND tỉnh, các địa phương đều đã xây dựng xong phương án sắp xếp của cơ quan, đơn vị mình, đi kèm với đó là sắp xếp các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh.
Qua tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, tỉnh đã nhìn nhận được những kết quả cũng như bất cập, hạn chế, đặc biệt là sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do đó, khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tỉnh vừa bảo đảm thực hiện đúng chỉ đạo của Trung ương, vừa đúng tinh thần, thực tiễn của địa phương; đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và sự vận hành đồng bộ, thống nhất của hệ thống chính trị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn lưu ý các địa phương, đơn vị khi thực hiện phải bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh trường hợp “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Ngoài quy định chung của Trung ương, nhất thiết phải bám sát thực tiễn để triển khai cho phù hợp; bảo đảm sau khi sắp xếp các cơ quan, đơn vị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn.
Điển hình như tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động kết thúc hoạt động của Sở Ngoại vụ, sáp nhập về Văn phòng UBND tỉnh; tiến hành sắp xếp, tinh gọn các Trung tâm xúc tiến đầu tư tại các sở, ngành, thu về một đầu mối duy nhất. Ngoài ra, tại các địa phương, đơn vị căn cứ hoạt động của mình để sắp xếp bộ máy chứ không phải sáp nhập dạng cơ học, máy móc. Bởi mục đích của việc sáp nhập, tinh gọn là nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy. Trong đó, Quảng Ngãi thống nhất đưa trung tâm y tế về UBND huyện quản lý, kết thúc hoạt động của phòng y tế cấp huyện; việc này nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân. Đó là những điểm mới của Quảng Ngãi trong cuộc “cách mạng bộ máy” trên cơ sở dựa vào tình hình thực tế địa phương.
Đối với các sở, ngành không thuộc diện kết thúc hoạt động hoặc sáp nhập, tỉnh cũng yêu phải nắm rõ chủ trương để tiến hành tự sắp xếp bên trong với mục tiêu giảm 10 -25% đội ngũ. Cách làm của Quảng Ngãi hiện nay được đánh giá là phù hợp với thực tiễn và nhận được sự ủng hộ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân toàn tỉnh.
- Tỉnh Quảng Nam cũng đã chốt phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ủng hộ của Nhân dân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi triển khai thực hiện của địa phương là gì, thưa Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng?
- Trước hết, nếu nói về khó khăn thì rõ ràng sẽ có rất nhiều khó khăn vì đây là một chủ trương lớn, tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm và cuộc sống của đội ngũ cán bộ viên chức đang hoạt động trong bộ máy. Nhưng cũng phải xác định đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và phải thực hiện bằng được nhằm mục tiêu làm sao giảm được số người làm việc trong hệ thống chính trị; giảm chi ngân sách; nâng cao hiệu quả, hiệu năng của bộ máy… Chúng ta có đầy đủ lý luận và thực tiễn để thực hiện. Tất nhiên là có khó khăn nhưng phải làm; phải đả thông về tư tưởng cán bộ đảng viên, vì đây là điều hoàn toàn có lợi cho đất nước, cho chính địa phương. Có thể khẳng định, toàn Đảng, toàn dân đều đồng tình, ủng hộ rất cao chủ trương lớn này.
Thực tế, quá trình thực hiện Nghị quyết 18 giai đoạn trước đây, Quảng Nam cũng đã triển khai rất quyết liệt, đã giảm nhiều tổ chức, đầu mối, kể cả các đơn vị sự nghiệp. Từ việc nhập các trường cao đẳng đến giảm các thôn, khối phố (giảm 497 thôn, khối phố)… Ngoài ra, Quảng Nam hợp nhất Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện vào Ban tuyên giáo huyện, bởi đây là hai cơ quan có nhiều điểm tương đồng về chức năng nhiệm vụ và thực tiễn sau sáp nhập cũng đã hoạt động rất tốt.
Tuy nhiên, từ thực tiễn địa phương nhận thấy vẫn còn nhiều điểm hạn chế về cơ chế, chính sách khi thực hiện sáp nhập, tinh gọn bộ máy. Trong đó, Quốc hội sẽ phải sửa rất nhiều luật liên quan trực tiếp đến vấn đề này; bởi nếu vướng Luật thì thực tiễn không thể thực hiện được. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương cũng cần điều chỉnh, bổ sung một số quy định về công tác cán bộ để phù hợp và đáp ứng với thời kỳ mới; đặc biệt, là sau cuộc sáp nhập, tinh gọn lần này.
Ngoài ra, hiện nay, tại các Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý theo quy định. Do đó, việc cấp giấy tờ liên quan đến thủ tục pháp lý đất đai cho doanh nghiệp, người dân rất bất cập. Nên cần chuyển các văn phòng này về cho Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện quản lý là tốt nhất.
Theo tôi, khó khăn lớn nhất chính là giải quyết đội ngũ cán bộ dôi dư sau tinh giản, sáp nhập. Hiện, Trung ương đã có chủ trương và sẽ chi một khoản ngân sách hỗ trợ cho đội ngũ dôi dư này có thể nghỉ việc ngay hoặc nghỉ hưu sớm so với tuổi quy định. Đây là chủ trương hoàn toàn chính đáng và rất đáng hoan nghênh. Ngoài chủ trương chung, Quảng Nam cũng sẽ nghiên cứu để dành một nguồn kinh phí của tỉnh hỗ trợ thêm, động viên người có đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi, nhằm giảm áp lực về đội ngũ biên chế của bộ máy hiện nay; đó là điều rất cần thiết.
- Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy ở Đà Nẵng có điểm đặc biệt khi gắn liền với thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị từ năm 2020 theo Nghị quyết 119/2020/QH14 của Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn đánh giá như thế nào về quá trình thực hiện mô hình chính quyền đô thị gắn liền với tinh gọn, sắp xếp bộ máy tại Đà Nẵng thời gian qua?
- Thực hiện Nghị quyết 18 gắn với thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội, thành phố không tổ chức HĐND phường và HĐND quận. Do đó, số lượng người hoạt động chuyên trách tại HĐND quận, phường giảm 63 người (18 ở quận và 45 ở phường). Mặc dù vậy, chức năng, nhiệm vụ của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND thành phố tăng thêm rất lớn (cả phạm vi và đối tượng)... Bên cạnh đó, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND của 6 quận, 45 phường giao lại cho HĐND thành phố thực hiện là 5/8 nhiệm vụ.
Trong bối cảnh đó, Thường trực HĐND thành phố chủ động kiện toàn, tổ chức bộ máy theo hướng coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu, tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách; cơ cấu Thường trực, các Ban HĐND thành phố cũng được tăng cường (trưởng, phó các ban hoạt động chuyên trách); Ủy viên các Ban là đại biểu hoạt động không chuyên trách, là lãnh đạo chủ chốt tại các sở, ngành, đơn vị; thành lập 7 Tổ đại biểu HĐND thành phố tại các quận, huyện để triển khai hoạt động, kịp thời thực hiện công tác giám sát theo quy định. Đặc biệt, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của mô hình chính quyền đô thị và yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường giám sát hoạt động của UBND quận, UBND phường, Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân quận.
Có thể khẳng định đây là đổi mới cần thiết, quan trọng, mỗi vị trí được quy định cụ thể trong quy chế, giúp cho việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được chủ động, linh hoạt. Cùng với đó, thực hiện đề nghị của Thường trực HĐND thành phố, UBND thành phố đã kịp thời thể chế hóa các quy định về tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ, công chức theo mô hình tổ chức chính quyền đô thị như: kiện toàn chức danh và bổ nhiệm các chức danh Chủ tịch UBND quận, phường bảo đảm quy định; bố trí, sắp xếp lại cán bộ chuyên trách HĐND các quận, phường bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương hoặc giải quyết chính sách tinh giản biên chế, nghỉ hưu thôi việc theo nguyện vọng cá nhân và hưởng chế độ, chính sách theo quy định. Theo kết quả khảo sát, 91,5% cán bộ công chức, viên chức đánh giá việc thực hiện chế độ công vụ mới (công chức của UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận) là hợp lý và đem lại kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ so với trước đây.
- Khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến yếu tố con người nên việc xuất hiện tâm tư này kia cũng là tất yếu. Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định phải làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ. Theo đó, các đơn vị trực tiếp quản lý nhân sự làm trước công tác nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của từng người; từ đó, động viên đội ngũ hiểu và chấp nhận hy sinh vì cái chung, vì sự phát triển của địa phương. Đối với những cán bộ dôi dư, sắp đến tuổi nghỉ hưu, Ban Thường vụ cũng động viên để chia sẻ. Về chính sách thì Trung ương sẽ có cơ chế để hỗ trợ số cán bộ này, tỉnh cũng sẽ căn cứ trên tiềm lực cũng như các điều kiện khác quyết định có ban hành thêm phương án hỗ trợ bổ sung hay không.
Về chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài luôn được Nhà nước quan tâm và chú trọng. Tuy nhiên, chính sách này cũng còn nhiều bất cập, chưa thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Vì vậy, về mặt thể chế, Trung ương cần sớm ban hành quy định rõ ràng, cụ thể để các địa phương có cơ sở tổ chức thực hiện. Hiện nay, đối với Quảng Ngãi cũng thường xuyên theo dõi, đánh giá năng lực đối với cán bộ để có phương án bố trí, bổ nhiệm từng vị trí phù hợp. Trong đó, dựa trên khả năng, năng lực từng người để quy hoạch, bố trí, bổ nhiệm vào từng vị trí công tác.
Còn về phương án thường xuyên tổ chức các cuộc sát hạch đối với cán bộ công chức, viên chức để “sàng lọc” đội ngũ, theo tôi, việc sát hạch cán bộ cũng là hợp lý và cần thiết. Tuy nhiên, phải tính toán thời điểm sát hạch sao cho phù hợp, sát với thực tế tình hình của từng địa phương, từng lĩnh vực cụ thể. Hiện Trung ương cũng đã có quy định về đánh giá cán bộ. Đồng thời, chúng ta cũng có nhiều kênh đánh giá khác như: chi bộ, đoàn thanh niên, hội phụ nữ… Đây là những “kênh” đánh giá rất sát với thực tế, phù hợp và khá hiệu quả.
- Cùng về bài toán làm sao “sàng lọc”, giữ chân người tài ở lại bộ máy trong cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này, quan điểm của Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng là gì, thưa ông?
- Như đã nói, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là một chủ trương lớn, tác động đến tâm lý của nhiều người, do đó, toàn Đảng bộ phải làm tốt công tác tư tưởng; đặc biệt, phải xác định nhiệm vụ chính trị là một cuộc cách mạng để làm cho bằng được. Bên cạnh đó, mục tiêu của chủ trương này là xây dựng bộ máy: tinh - gọn - mạnh, phát huy được hiệu quả thì phải chọn cán bộ tốt. Tôi cho rằng, phải cương quyết thay thế những người hiện không đảm đương được nhiệm vụ hoặc những người làm việc thiếu trách nhiệm, làm việc cầm chừng, vô cảm với công việc… Đây là một cơ hội tốt để chúng ta thay thế những người đó; chọn những người có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm với dân, với nước. Như vậy thì bộ máy mới tinh, mới gọn được. Song song đó, cũng cần làm tốt cơ chế chính sách, quyền lợi cho người lao động bị ảnh hưởng, phải có những mức hỗ trợ vượt trội.
Ngoài ra, tôi cũng đề nghị Trung ương, Bộ Chính trị nghiên cứu, bổ sung Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18.8.2022 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Bởi, hiện nay có nhiều ràng buộc khiến những cán bộ trẻ có năng lực vượt trội nhưng không thể chọn vào cán bộ lãnh đạo ở một số ngành, địa phương được. Đơn cử, như quy định về trình tự phải giữ chức vụ này ít nhất 2 năm rồi mới được đảm nhận chức vụ khác. Đây chính là một cản trở rất lớn đối với người tài, không trọng dụng được người tài nên cần phải sửa đổi sớm. Lúc đó, chúng ta mới thực hiện được việc xét chọn cán bộ nổi trội giữ các chức vụ quản lý quan trọng trong bộ máy. Để xây dựng bộ máy mới, phải có cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Mà muốn có cán bộ tốt thì chúng ta phải có chính sách “đột phá”.
Đối với quan điểm sát hạch cán bộ thường xuyên để lựa chọn người tài, loại bỏ người yếu kém là hoàn toàn chính đáng. Bởi như tôi đã nói ở trên, khi xây dựng bộ máy đã tinh, đã gọn, vậy thì cán bộ là yếu tố quyết định. Do đó, phải sàng lọc, lựa chọn kỹ càng cán bộ có năng lực, có tư duy, trách nhiệm với cán bộ thì lúc đó bộ máy mới mạnh, phát huy được năng lực sở trường cá nhân.
- Thưa Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn, Đà Nẵng đã cắt giảm, sáp nhập nhiều cơ quan, giảm số lượng biên chế tại nhiều đơn vị khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị gắn liền với sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Qua gần 4 năm thực hiện chính quyền đô thị, hiệu quả của bộ máy ra sao và vai trò của HĐND trong cuộc cách mạng này là gì, thưa ông?
- Công tác bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ khi triển khai thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị về cơ bản đã hoàn thành tốt. Có thể khẳng định, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực - hiệu quả hơn theo định hướng chủ trương của Nghị quyết 18. Trong đó, ưu điểm rõ nét nhất là tổ chức bộ máy quản lý đô thị tinh gọn hơn, tiết kiệm chi thường xuyên hơn so với trước đây, thủ tục hành chính giảm hơn so với trước, thời gian triển khai kế hoạch được nhanh hơn, phù hợp với tính chất, yêu cầu của quản lý đô thị. Tính năng động, chủ động trong hoạt động điều hành của chính quyền được thể hiện khá tốt; trách nhiệm cá nhân, nhất là của người đứng đầu UBND quận, phường được nâng cao, đồng thời nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của chính quyền ở địa phương được thực hiện rõ nét, nghiêm túc hơn.
Việc phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới và cơ quan chuyên môn được đẩy mạnh theo quy định Nghị quyết 119 của Quốc hội và thực hiện toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nhờ đó, đã tạo sự linh hoạt trong triển khai, nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, tổ chức bộ máy tinh gọn, chức năng nhiệm vụ được bao quát. Từ đó, đã rút ngắn quy trình, bớt khâu trung gian, giảm bớt thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn là khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan dân cử tăng thêm rất lớn nhưng số lượng đại biểu còn thấp (chỉ có 50 người), ảnh hưởng đến quá trình hoạt động, giám sát; đặc biệt là trong bối cảnh thành phố đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 136 của Quốc hội hiện nay.
Riêng về vai trò của HĐND trong cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy, theo tôi, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW gắn với triển khai mô hình chính quyền đô thị cũng như Nghị quyết đặc thù của Quốc hội, HĐND thành phố đã thực hiện đầy đủ chức năng của mình là giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách và quyết định những vấn đề liên quan đến công tác này thuộc thẩm quyền. Đồng thời, đề ra một số kiến nghị, đề xuất Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy để việc thực hiện các nghị quyết trên bảo đảm các quy định của pháp luật. Nhìn lại gần một nhiệm kỳ hoạt động sôi nổi, hiệu quả vừa qua, có thể khẳng định HĐND thành phố đã thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng của mình trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy gắn liền với việc thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị.
- Trung ương xác định việc tinh gọn bộ máy là một cuộc cách mạng tạo động lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thưa Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, bà kỳ vọng như thế nào về cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang được triển khai khẩn trương, quyết liệt hiện nay?
- Như quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, việc triển khai sắp xếp tinh gọn bộ máy phải được thực hiện theo tinh thần quyết tâm, quyết liệt, tạo động lực cho sự phát triển. Từ đó, tạo ra bộ máy thực sự "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Tôi cho rằng đây là vấn đề rất cấp bách, làm càng sớm thì càng có lợi cho dân, cho nước. Từ Trung ương đến địa phương đều quyết liệt theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”; “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”; “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”. Tinh gọn, sắp xếp không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị. Tôi tin rằng, khi chúng ta làm tốt chủ trương này thì bộ máy tinh gọn của chúng ta sẽ phát huy được hết hiệu năng, hiệu quả. Nguồn chi ngân sách để nuôi bộ máy cồng kềnh trước đây sẽ được chuyển sang tái đầu tư cho các lĩnh vực kinh tế, an sinh xã hội. Đất nước sẽ có thêm nguồn lực để phát triển ngày càng giàu mạnh, văn minh hơn.
- Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời!