Tinh gọn bộ máy: Nhiều cán bộ xin nghỉ trước tuổi, nhường chỗ cho người trẻ

Dù còn thời gian công tác nhưng nhiều cán bộ, lãnh đạo ở miền Trung, Tây Nguyên đã tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi nhằm tạo thuận lợi trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Ghi nhận của VietNamNet tại các tỉnh thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên thời gian qua, nhằm tạo thuận lợi trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Trung ương, nhiều cán bộ đã chủ động xin nghỉ hưu trước tuổi.

Đơn cử, dù còn 5 năm công tác nhưng ông Nguyễn Văn Thành - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ theo nguyện vọng cá nhân.

Sau khi thảo luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã thống nhất cho ông Thành nghỉ hưu sớm.

Đầu tháng 1/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ký quyết định nghỉ hưu trước tuổi đối với 48 trường hợp là lãnh đạo, công chức, viên chức thuộc các cấp ngành của tỉnh, huyện. Trong đó có 6 cán bộ lãnh đạo phòng ở 2 Sở KH&ĐT, KH&CN và 2 xã của huyện Mộ Đức.

Cuối tháng 12/2024, để tạo thuận lợi cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Giờ cũng xung phong xin nghỉ hưu sớm.

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Giờ xin nghỉ hưu sớm để tạo thuận lợi cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Ảnh: B.Định

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Giờ xin nghỉ hưu sớm để tạo thuận lợi cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Ảnh: B.Định

Tại Quảng Nam, UBND tỉnh cũng đã có quyết định cho ông A Lăng Mai - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh và ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, được nghỉ hưu trước tuổi, kể từ ngày 1/1.

Tương tự, tại Đắk Nông, ông Lưu Hồng Vân - Phó Ban Tuyên giáo huyện ủy Đắk Glong và ông Phan Hữu Tỷ - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đắk Glong đã tự nguyện xin nghỉ việc để tạo điều kiện cho việc hợp nhất cơ quan, tổ chức.

"Chúng tôi rất biểu dương, hoan nghênh những cán bộ trên, dù đang còn sức cống hiến nhưng 2 cán bộ đã tự nguyện xin nghỉ để tạo điều kiện cho lớp trẻ và tạo điều kiện tốt nhất cho việc hợp nhất, tổ chức bộ máy", ông Vũ Tiến Lư, Bí thư huyện ủy Đắk G'long nói.

Tại Đắk Lắk, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng vừa nhận đơn xin nghỉ hưu trước tuổi của ông Phạm Văn Phước - Giám đốc Sở Ngoại vụ và ông Nguyễn Văn Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Công Thương.

Theo ông Nguyễn Văn Nghiêm, trong 40 năm qua, ông tham gia công tác ở nhiều lĩnh vực, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và luôn sẵn sàng chấp hành theo sự phân công của cấp trên.

"Để thuận lợi trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nay tôi tự nguyện làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi theo quy định và theo nguyện vọng của cá nhân", ông Nghiêm chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk. Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Đắk Lắk

Ông Nguyễn Văn Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk. Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Đắk Lắk

Được biết, tại Đắk Lắk còn có một số lãnh đạo của các đơn vị, đoàn thể cũng đặt vấn đề xin nghỉ trước tuổi. Ban Tổ chức Tỉnh ủy đang tổng hợp để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.

Trao đổi với PV VietNamNet, bà Vũ Thị Thanh Huế, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Ana cho biết: "Dù còn đủ tuổi tái cử huyện ủy viên nhưng tôi tự nguyện xin nghỉ để tạo điều kiện cho việc hợp nhất, tổ chức bộ máy cũng như tạo điều kiện cho lớp trẻ phát triển".

Dù còn gần 4 năm công tác nhưng bà Vũ Thị Thanh Huế vẫn tự nguyện xin nghỉ việc. Ảnh: Hải Dương

Dù còn gần 4 năm công tác nhưng bà Vũ Thị Thanh Huế vẫn tự nguyện xin nghỉ việc. Ảnh: Hải Dương

Trước đó, ông Đinh Xuân Toản, Tổng Biên tập Báo Đắk Lắk cũng tự nguyện làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi.

Theo ông Toản, hiện nay báo với đài tỉnh đang thực hiện đề án sáp nhập theo kế hoạch của cấp trên, để tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng trong việc sắp xếp, tinh giản bộ máy, ông tự nguyện viết đơn xin nghỉ dù còn hơn 3 năm công tác.

"Việc xin nghỉ xuất phát từ ý thức trách nhiệm của người cán bộ đảng viên nên đây là câu chuyện bình thường, không có gì to tát. Nguyện vọng của tôi là tạo điều kiện cho lớp trẻ phấn đấu, kế thừa và phát triển", ông Toản nói.

Chính sách cho người nghỉ hưu trước tuổi

Trong bối cảnh cải cách hành chính và sắp xếp lại bộ máy nhà nước, việc thực hiện các chính sách đối với người lao động, đặc biệt là các cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Một trong những cơ chế thể hiện tính nhân văn và hợp lý là chính sách cho người nghỉ hưu sớm được quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/1.

Theo đó, cán bộ, công chức còn đủ 10 năm công tác mà nghỉ hưu trước tuổi, sẽ được trợ cấp hưu trí 1 lần và các chế độ chính sách nghỉ hưu trước tuổi.

Cụ thể, trường hợp có tuổi đời còn dưới 5 năm đến tuổi nghỉ hưu, sẽ được hưởng trợ cấp bằng 1 tháng lương hiện hưởng nhân với số tháng nghỉ sớm. Nếu có tuổi đời còn đủ 5 - 10 năm đến tuổi nghỉ hưu, sẽ được hưởng trợ cấp bằng 0,9 tháng tiền lương nhân với số tháng nghỉ sớm (tối đa 60 tháng).

Ngoài chính sách 1 lần trên, người nghỉ hưu trước tuổi còn được hưởng nguyên lương hưu và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.

Cán bộ, công chức cũng sẽ được hưởng trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi bao gồm:

Đối với người còn đủ 2 - 5 năm đến tuổi nghỉ hưu thì được trợ cấp bằng 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ sớm.

Đối với người còn trên 5 - 10 năm mới đến tuổi nghỉ hưu, được trợ cấp bằng 4 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu sớm. Đồng thời, đối tượng này còn được hưởng trợ cấp theo thời gian công tác có trên 20 năm đóng BHXH bắt buộc.

Đối với trường hợp có tuổi đời còn dưới 2 năm đến tuổi nghỉ hưu, sẽ được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Ngoài các chế độ trợ cấp tài chính, các cán bộ, công chức, viên chức có quá trình cống hiến đặc biệt còn được xét khen thưởng quá trình công tác và tính thời gian nghỉ hưu sớm vào thời gian còn lại của nhiệm kỳ bầu cử hoặc bổ nhiệm chức vụ hiện tại để xét khen thưởng.

Hà Nam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tinh-gon-bo-may-nhieu-can-bo-xin-nghi-truoc-tuoi-nhuong-cho-cho-nguoi-tre-2361446.html