Tinh gọn bộ máy nhìn từ Trung Quốc
Kể từ cải cách mở cửa (năm 1978) đến nay, Trung Quốc đã tiến hành 9 lần điều chỉnh, đổi mới bộ máy quản lý điều hành từ Trung ương đến địa phương. Trung Quốc gọi là 'cải cách cơ cấu chính phủ'.
Cuộc cải cách làm xoay chuyển Trung Quốc
Trong bài viết này, tôi muốn đi sâu phân tích về cuộc cải cách lần thứ 4 (năm 1998), do Thủ tướng Chu Dung Cơ chủ trì, bởi 2 lý do. Thứ nhất, đây là cuộc cải cách bộ máy có quy mô lớn nhất kể từ cải cách mở cửa đến nay, mang đến hiệu quả rõ ràng nhất trong 9 cuộc cải cách bộ máy, và về cơ bản được định hình cho đến ngày nay.
Trong khi các cuộc cải cách trước đó không giải quyết được một số chướng ngại cơ bản như bộ máy chồng chéo, cồng kềnh, biên chế ngày càng phình ra. Các cuộc cải cách sau đó chủ yếu là các cuộc điều chỉnh lại cơ cấu, không gây biến động lớn.
Người Trung Quốc cho rằng, kể từ cải cách mở cửa đến nay, 2 sự kiện được coi là “cách mạng” làm xoay chuyển tình hình nội bộ Trung Quốc, đó là cuộc cải cách bộ máy Chính phủ của ông Chu Dung Cơ năm 1998, và cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình sau này.
Thứ hai, xét bối cảnh và yêu cầu phát triển của Trung Quốc năm 1998, có nhiều nét tương đồng với bối cảnh Việt Nam hiện nay. Nhiều vấn đề gặp phải liên quan đến bộ máy nhà nước, cũng tương đồng với những vấn đề của Việt Nam đang gặp phải.
Vào thời điểm đó ở Trung Quốc, về mặt lý luận, “thể chế kinh tế thị trường XHCN” đã hình thành và tiếp tục hoàn thiện; vai trò của doanh nghiệp (DN) nhà nước và DN tư nhân cũng như chức năng Chính phủ và chức năng thị trường... đã được xác định lại; thực tiễn đòi hỏi có một cuộc đổi mới về bộ máy chính quyền để thích ứng với thể chế kinh tế mới.
Và cuộc cải cách lần thứ 4 vào năm 1998, có thể xem là cuộc cải cách bộ máy chính phủ mạnh nhất từ trước đến nay của Trung Quốc. Nhiệm vụ chủ yếu là chuyển đổi chức năng Chính phủ theo yêu cầu của kinh tế thị trường XHCN, cải cách chế độ sở hữu DN nhà nước.
Trung Quốc đã giải thể 15 bộ, lập thêm 4 bộ và đổi tên 3 bộ. Các bộ và Ủy ban của Quốc vụ viện từ 40 giảm xuống còn 29; tinh giản 1/4 cơ cấu trong các bộ; chuyển giao hơn 200 chức năng cho DN, địa phương, các tổ chức môi giới xã hội, các tổ chức ngành nghề; giảm biên chế nhân viên của Quốc vụ viện 50% (từ 3.400 xuống 1.700). Tổng cộng từ Trung ương đến các cấp địa phương giảm 47% nhân viên.
Theo Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ khi đó, một nguyên nhân quan trọng sinh ra thâm hụt tài chính là chi phí hành chính tăng quá mạnh. Theo thống kê của Bộ Tài chính lúc bấy giờ, chi phí mỗi năm cho bộ máy chính quyền và nhân viên hành chính chiếm tới trên 30% tổng chi phí tài chính. Như vậy, vốn đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội sẽ giảm rất mạnh.
Một thượng tầng kiến trúc đồ sộ như vậy, tất yếu sẽ đè sập cơ sở kinh tế mỏng yếu. Thời kinh tế kế hoạch, một khi kinh tế phát triển đòi hỏi tăng thêm bộ máy và nhân viên quản lý kinh tế, làm cho bộ máy phình ra, bộ máy phình ra tất yếu kiềm chế sức sống của kinh tế.
Một số hàm ý cho Việt Nam
Tổng kết tất cả 9 cuộc cải cách bộ máy chính phủ của Trung Quốc kể từ cải cách mở cửa đến nay, đặc biệt là cuộc cải cách lần thứ 4, có thể rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu Việt Nam có thể tham khảo.
Thứ nhất, kiên trì lấy chuyển đổi chức năng chính phủ làm then chốt cho cải cách bộ máy. Cơ cấu và chức năng có liên quan chặt chẽ với nhau, dựa vào nhau để tồn tại, chỉ có trên cơ sở vạch rõ phạm vi nghiệp vụ mới có thể tinh giản bộ máy và nhân viên một cách hiệu quả.
Thứ hai, kiên trì nguyên tắc vừa tích cực vừa ổn thỏa. Cải cách bộ máy là sự điều chỉnh lớn các loại lợi ích và quyền lực, đụng chạm nhiều mặt, mâu thuẫn nhiều, độ khó khăn cao, động đến lợi ích rất nhiều người, nhiều nhóm người mà ta thường gọi là “lợi ích nhóm”.
Đối với những vấn đề nhạy cảm như tinh giản cơ cấu, phân luồng nhân viên, vừa chủ động tích cực, tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, lại vừa luôn kiên trì cải cách theo kế hoạch, chia lộ trình, chia giai đoạn, làm từng bước, vừa làm vừa thăm dò sức chịu đựng của xã hội; vừa từng bước tinh giản bộ máy, lại vừa bố trí nhân viên dư thừa của các cơ quan một cách ổn thỏa, tức là vừa tích cực vừa ổn thỏa.
Thứ ba, phải hoàn thiện các quy chế luật pháp tương quan, cải cách đúng luật. Cải cách là điều chỉnh cục diện lợi ích, bất kỳ cuộc cải cách nào cũng có độ rủi ro, cải cách chính phủ rủi ro càng lớn. Nếu không có sự đảm bảo về luật pháp và quy chế tương ứng, thì rất nhiều cuộc cải cách không thể tiến hành. Bởi vậy, cải cách bộ máy phải được đặt trên nền tảng của luật pháp và quy chế tương quan, làm theo luật pháp.
Thứ tư, phải phối hợp đồng bộ giữa cải cách bộ máy với các cải cách khác. Theo kinh nghiệm lịch sử, bất kỳ cuộc cải cách nào đơn lẻ cũng đều không thể thành công, phải tiến hành cải cách đồng bộ với các lĩnh vực khác mới có thể đạt được hiệu quả mong đợi. Cải cách bộ máy đồng bộ với giải phóng tư tưởng.
Chuyển đổi chức năng chính phủ, xóa cơ quan này, nhập cơ quan kia, phân luồng nhân viên… Theo đó, một mặt phải phá bỏ sự ràng buộc về tư tưởng bởi văn hóa chuyên chế phong kiến cũ và mô hình thể chế XHCN truyền thống, mặt khác phải bằng tâm thái bình tĩnh bao dung xem xét lại chế độ tiên tiến của các nước tư bản phát triển, vừa dám đột phá truyền thống, lại giỏi tiếp thu học hỏi.
Thứ năm, cải cách bộ máy phải xuất phát từ tình hình đất nước, tùy nơi mà áp dụng, hình thức đa dạng. Đồng thời với việc tham khảo những cách làm thành công của nước ngoài. Nếu cứ “bê nguyên” kinh nghiệm nước khác, mô hình nước khác vào, không những không đạt được mục tiêu cải cách như mong muốn mà còn rất dễ tạo nên rối loạn cuộc sống xã hội.
Thứ sáu, phải công khai hóa chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của các bộ ngành Trung ương và chính quyền các cấp địa phương. Muốn tăng cường trách nhiệm, hiệu quả làm việc, mức độ liêm khiết của bộ máy chính quyền, cần phải có sự giám sát của công chúng. Không thể giám sát quyền lực khi không rõ phạm vi quyền lực đó. Bởi vậy, Trung Quốc thường công bố rõ ràng chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của các bộ ngành và địa phương.
Nguyên tắc của cải cách Trung Quốc là nhất quán khi chuyển đổi chức năng Chính phủ, thực hiện Chính phủ tách khỏi DN theo yêu cầu phát triển kinh tế thị trường XHCN, chuyển chức năng Chính phủ sang điều tiết vĩ mô, quản lý xã hội và dịch vụ công, thực sự giao quyền sản xuất kinh doanh cho DN.
----------------------
(*) Nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc và Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tinh-gon-bo-may-nhin-tu-trung-quoc-post119090.html