Tinh gọn bộ máy thực chất là đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng

Tinh gọn bộ máy từ Trung ương đến địa phương, trong mọi ngành, mọi lĩnh vực là công việc khó khăn, phức tạp, đụng chạm trực tiếp đến quyền lực gắn với 'con dấu và chữ ký', với lợi ích thiết thân của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức đương nhiệm.

Bởi vậy, cùng với cơ sở tư duy mới, những cách làm mới triệt để, khoa học hơn, cần tổ chức tốt công tác vận động, tuyên truyền thống nhất nhận thức, quyết tâm chính trị, sự đoàn kết, nêu gương và dũng cảm, hy sinh “cái tôi” của trước hết là các cán bộ, đảng viên, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, của 22 bộ và cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, nhiều tổ chức ban, ngành, cơ quan đoàn thể, hiệp hội tỉnh, địa phương trên phạm vi cả nước, sao cho “ai cũng có thể tìm chỗ đứng phù hợp của mình dưới ánh mặt trời”, hài hòa và đảm bảo lợi ích cá nhân gắn kết chặt chẽ với lợi ích quốc gia, dân tộc…

Cán bộ phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP Hà Nội hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh minh họa: qdnd.vn

Cán bộ phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP Hà Nội hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh minh họa: qdnd.vn

Tinh gọn bộ máy lần này thực chất là đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường tổ chức lại, tái cấu trúc các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta một cách triệt để và khoa học, theo yêu cầu mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả": “Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn”, đáp ứng yêu cầu tiên tiến về quản trị quốc gia, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển bền vững trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập, sự bùng nổ cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và các mô hình kinh tế mới, kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn…

Đây thực sự là cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; do đó vừa là mục tiêu, nhiệm vụ, vừa là giải pháp tạo động lực thể chế quan trọng để Việt Nam bước vào “Kỷ nguyên vươn mình”, với ưu tiên hàng đầu là đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, hiện thực hóa khát vọng hùng cường, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sớm sánh vai với các cường quốc năm châu theo di nguyện thiêng liêng của Hồ Chủ tịch.

ThS NGUYỄN TRẦN MINH TRÍ, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/tinh-gon-bo-may-thuc-chat-la-doi-moi-manh-me-phuong-thuc-lanh-dao-cam-quyen-cua-dang-804569