Tinh gọn Kho bạc không ảnh hưởng đến giải ngân đầu tư công

Vốn đầu tư công năm nay tăng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao. 'Vừa phải tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đồng thời bảo đảm kiểm soát chi đầu tư tăng lên, nhưng hệ thống Kho bạc quyết tâm giải ngân tối thiểu 95% vốn đầu tư công theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ', ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết.

Ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước (KBNN)

Ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước (KBNN)

Vốn đầu tư công thực hiện những tháng đầu năm thường thấp. Thưa ông, năm nay, dường như quy luật này đang lặp lại?

Vốn đầu tư công thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 1/2025 mới đạt 4,1% kế hoạch và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 1/2024 cũng đạt 4,1% kế hoạch, nhưng tăng gần 17%.

Những tháng đầu năm, vốn đầu tư công thực hiện thấp, nên giải ngân cũng thấp hơn so với những tháng cuối năm. Nguyên nhân là hoạt động đầu tư trong thời gian đầu năm tập trung chủ yếu vào việc phân khai kế hoạch vốn, các công trình mới được bố trí vốn đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư, nên khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp. So với cùng kỳ năm 2024, khối lượng đầu tư công tháng 1/2025 tăng thấp hơn còn do rơi vào thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các công trình, dự án phải tạm dừng trong những ngày nghỉ Tết.

Áp lực giải ngân vốn đầu tư công năm nay cực lớn vì Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết bổ sung Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với vốn đầu tư công tăng thêm 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên. Tổng vốn đầu tư công năm nay lên tới 875.000 tỷ đồng, thay vì 790.700 tỷ đồng như đã giao trước đó, nhưng Quốc hội vẫn yêu cầu phải giải ngân tối thiểu 95% số vốn đã giao. Như vậy, nếu so với số vốn tăng thêm, thì vốn thực hiện trong tháng 1/2025 còn thấp nữa, chứ không phải là 4,1% kế hoạch.

Không như mọi năm, giải ngân vốn đầu tư công năm nay có thể còn chịu tác động từ việc thực hiện tổ chức, sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Kết luận 121-KL/TW (ngày 24/1/2025), thưa ông?

Thực hiện Kết luận 121-KL/TW, Kết luận 09-KL/BCĐ (ngày 24/11/2024) của Ban Chỉ đạo Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, KBNN đã hoàn thiện Đề án Sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng KBNN Trung ương là đơn vị cấp cục thuộc Bộ Tài chính, dưới cục là chi cục và dưới nữa là phòng/điểm giao dịch.

Chúng tôi đã hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy trình, nghiệp vụ mới để phù hợp với cơ cấu, bộ máy mới. Khi bộ máy mới đi vào vận hành, thì toàn bộ cơ sở dữ liệu cũng được chuyển đổi, bảo đảm có thể thực hiện ngay nhiệm vụ kiểm soát thu, kiểm soát chi, cả chi thường xuyên, lẫn chi đầu tư.

Mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng cho chuyển đổi, nên việc tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống Kho bạc không ảnh hưởng gì đến việc giải ngân vốn đầu tư công, tuyệt đối không được ngắt quãng nhiệm vụ kiểm soát chi, cả chi đầu tư lẫn chi thường xuyên, bảo đảm phải chi đúng, chi đủ, chi kịp thời cho tất cả đối tượng thụ hưởng ngân sách nhà nước.

Làm sao mà không bị ảnh hưởng khi trước đây, chủ đầu tư, nhà thầu thanh toán đầu tư công qua KBNN cấp huyện, tỉnh, còn bây giờ bỏ Kho bạc cấp tỉnh và thành lập Kho bạc khu vực phụ trách nhiều địa bàn?

Nếu không ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thì mô hình tổ chức mới của hệ thống Kho bạc chắc chắn ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch với KBNN. Nhưng KBNN là một trong những đơn vị dẫn đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Hiện tại, số thu ngân sách bằng tiền mặt chỉ chiếm 0,057% tổng thu; ngân sách bằng tiền mặt chỉ chiếm 0,06% tổng chi.

Nếu như trước đây, để lấy được tiền từ Kho bạc, chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện dự án đầu tư công phải hoàn thiện hồ sơ, đến trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện đến Kho bạc nơi giao dịch (thường là cấp huyện), sau một thời gian nhất định, KBNN kiểm soát hồ sơ, nếu đủ điều kiện sẽ giải ngân, nếu chưa đủ, chưa chuẩn, thì chủ đầu tư, nhà thầu phải hoàn thiện và lại phải đến hoặc gửi qua bưu điện đến Kho bạc. Nhưng kể từ khi ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tất cả hồ sơ thanh toán, quy trình kiểm soát hồ sơ, giải ngân vốn được thực hiện trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chủ đầu tư, nhà thầu không phải trực tiếp đến Kho bạc. Do vậy, việc bỏ 63 KBNN cấp tỉnh để thành lập 20 KBNN khu vực (cấp chi cục) và xóa bỏ KBNN cấp huyện (sau sắp xếp đầu mối của hệ thống Kho bạc giảm trên 41%) chắc chắn không ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công.

Tôi bảo đảm, chủ đầu tư, nhà thầu đầy đủ hồ sơ, gửi lên Cổng Dịch vụ công quốc gia thì trong vòng chưa đến 3 ngày là tiền về tài khoản ngân hàng, còn trường hợp tạm ứng thì chỉ trong vòng một ngày là được giải quyết. Thời gian thanh toán cho đầu tư công hiện nay còn ngắn hơn so với quy định.

Ông có chắc chắn việc giải ngân vốn đầu tư công không bị tác động bởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống KBNN?

Thực tế đã chứng minh, trong thời gian giãn cách do đại dịch Covid-19, tất cả đơn vị thụ hưởng ngân sách, cả đơn vị hành chính, sự nghiệp ở vùng sâu, vùng xa đến chủ đầu tư, nhà thầu không hề đến KBNN, cũng không thể gửi hồ sơ qua bưu chính, nhưng vẫn nhận được đầy đủ, đúng hạn tiền chi ra từ ngân sách nhà nước nhờ thực hiện trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến quốc gia. Đối với thu ngân sách nhà nước cũng vậy, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khi có nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước đều thực hiện trên Internet, không phải đến ngân hàng hay Kho bạc.

Nghị quyết bổ sung Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 vừa được Quốc hội thông qua yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh thương mại hóa 5G; nghiên cứu công nghệ 6G; phát triển vệ tinh viễn thông và nâng cấp hạ tầng trục viễn thông quốc gia. Với hạ tầng viễn thông thông suốt khắp cả nước, tôi bảo đảm, việc thanh toán đầu tư công và tất cả các khoản chi qua hệ thống Kho bạc được thực hiện 24/7, đồng thời với việc kiểm soát chi chặt chẽ, cho dù không còn Kho bạc cấp tỉnh, cấp huyện như trước đây.

Để bảo đảm tăng trưởng kinh tế 2 con số, đầu tư công càng ngày càng lớn, theo ông, cần phải sửa đổi gì về cơ chế, chính sách?

Chúng tôi đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 99/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công. Đây là văn bản cực kỳ quan trọng vì quy định chi tiết, đầy đủ việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư công không chỉ đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, mà còn cả dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Hiện tại, phương thức đầu tư PPP gần như bị ngưng trệ, vì vậy, việc sửa Nghị định 99/2021/NĐ-CP sẽ tháo gỡ các vướng mắc trong quản lý vốn đầu tư công trong dự án PPP, từ thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm... đến hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng, chi phí bồi thường chấm dứt hợp đồng trước thời hạn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP.

Khi các hạn chế, vướng mắc được tháo gỡ, việc triển khai dự án đầu tư công thuận lợi hơn, giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm không để chậm trễ vì việc kiểm soát chi, thanh toán được thực hiện trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Mạnh Bôn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tinh-gon-kho-bac-khong-anh-huong-den-giai-ngan-dau-tu-cong-d248527.html