Tinh gọn tổ chức bộ máy - không chỉ làm từ dưới lên Bài 1: Tây Ninh giảm cơ quan chuyên môn cấp huyện
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến ngày 30.6.2023, toàn tỉnh có 521 đơn vị, giảm 124 đơn vị so với năm 2017 và giảm 11 đơn vị so thời điểm ngày 30.6.2022.
Ngày cuối cùng của tháng 10.2024, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm có buổi trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với học viên lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV.
Bài giảng của Tổng Bí thư gồm 7 nội dung lớn, có thể coi như 7 chuyên đề. Trong đó, chuyên đề “tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả” được xếp vị trí thứ ba.
Tổng Bí thư yêu cầu “sơ kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 18 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” trong toàn hệ thống chính trị trình Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, làm cơ sở có những quyết sách mới đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức cán bộ theo định hướng đã được Trung ương 10 thống nhất”.
Như đã biết, năm 2017, Trung ương ban hành hai nghị quyết rất quan trọng, gồm Nghị quyết 18 (sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị) và Nghị quyết 19 (nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập).
Tính đến nay, Nghị quyết 18 đã thực hiện được 7 năm. Trước đó, Bộ Nội vụ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 18. Nhìn lại chặng đường khá dài thực hiện chủ trương của Trung ương, nhiều địa phương, trong đó có Tây Ninh đã đạt được kết quả cơ bản nhưng cũng còn không ít vấn đề đặt ra.
Tinh gọn bộ máy không hề đơn giản, có những vấn đề thuộc về lịch sử, do lịch sử để lại. Ngày 2.10.2023 Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 62-KL/TW về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tổ chức, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết 17) và sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị (Nghị quyết 18) là một vấn đề lớn, hệ trọng.
Kết luận của Bộ Chính trị là chỉ đạo mới nhất về đổi mới hệ thống tổ chức, nâng cao chất lượng của đơn vị sự nghiệp công lập trên phạm vi cả nước, sau 7 năm triển khai, tính từ tháng 10.2017.
Năm 2023, sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, UBND tỉnh ban hành các quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của 19/19 cơ quan, tổ chức hành chính cấp tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, bộ máy của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh. Đối với cấp huyện, UBND huyện, thị xã, thành phố kịp thời ban hành chức năng, nhiệm vụ 11/11 phòng chuyên môn sau khi có hướng dẫn của UBND tỉnh.
Dừng thí điểm hai nội dung
Tính đến 30.6.2023, tổ chức hành chính cấp tỉnh, có 20 cơ quan, không thay đổi so với năm 2017. Tổ chức bên trong có 110 phòng, ban, chi cục và tương đương trực thuộc cơ quan, tổ chức hành chính cấp tỉnh (giảm 40 tổ chức so với năm 2017 và không thay đổi so với thời điểm ngày 30.6.2022).
Đối với cấp huyện, có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, không thay đổi so với năm 2017. Cấp huyện có tổng số 99 cơ quan chuyên môn, giảm 9 cơ quan chuyên môn (tỷ lệ 9,17%) so với năm 2017 do giải thể Phòng Y tế, chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước lĩnh vực y tế về Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện.
Đối với cấp xã, Tây Ninh hiện có 94 đơn vị hành chính cấp xã gồm 71 xã, 17 phường và 6 thị trấn, giảm 1 xã do thực hiện sáp nhập xã Phước Lưu và xã Bình Thạnh thành xã Phước Bình (thị xã Trảng Bàng).
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến ngày 30.6.2023, toàn tỉnh có 521 đơn vị, giảm 124 đơn vị so với năm 2017 và giảm 11 đơn vị so thời điểm ngày 30.6.2022. Trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh có 7 đơn vị, giảm 3 đơn vị so với năm 2017.
Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở, ban, ngành tỉnh còn 76 đơn vị (năm 2017 có 101 đơn vị nhưng đến ngày 30.6.2022 có 78 đơn vị). Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh có một đơn vị (năm 2017 chưa có).
Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc chi cục trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh: không có (năm 2017 có 11 đơn vị). Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện có 437 đơn vị (năm 2017 có 523 đơn vị, đến ngày 30.6.2022 có 446 đơn vị).
Thực hiện thông báo Kết luận số 16-TB/TW ngày 7.7.2022 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, trong đó có việc thí điểm mô hình mới về tổ chức bộ máy, UBND tỉnh thí điểm chuyển giao chức năng, nhiệm vụ tham mưu về cải cách hành chính, Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh từ Sở Nội vụ về Văn phòng UBND tỉnh và chuyển giao chức năng, nhiệm vụ tham mưu về công tác dân tộc từ Văn phòng UBND tỉnh về Sở Nội vụ. Tuy nhiên, ngày 4.7.2023, UBND tỉnh đã quyết định dừng thực hiện thí điểm đối với hai nội dung trên.
Thí điểm chức danh kiêm nhiệm
Việc kiêm nhiệm đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ yếu các chức danh Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch HĐND huyện, Phó Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch HĐND huyện, trưởng các Ban Đảng kiêm trưởng các Ban HĐND tỉnh, huyện. Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND cấp xã (37/94 xã, phường, thị trấn), Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND cấp xã (51/94 xã, phường, thị trấn), Bí thư Đảng ủy xã kiêm Chủ tịch UBND xã (4/94 xã).
Việc bố trí kiêm nhiệm chức danh cán bộ, theo đánh giá đã “giúp giảm đầu mối, tiết kiệm ngân sách Nhà nước, giúp các cơ quan có nhiệm vụ tương đồng chủ động hơn trong thực hiện chuyên môn, đảm bảo vai trò lãnh đạo của cấp ủy và hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở; là bước đột phá trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy”.
Bố trí cấp phó đúng quy định của Chính phủ
Tây Ninh thực hiện việc bố trí cấp phó theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với cấp tỉnh, ngày 17.6.2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1294/QĐ-UBND về đề án bố trí số lượng cấp phó của người đứng đầu sở và các tổ chức, đơn vị thuộc sở.
Theo đề án, số lượng cấp phó được bố trí cho 18 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh là 50 người, bảo đảm theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và 4 cấp phó dự phòng bố trí cho các sở quản lý đa ngành, quy mô lớn, số lượng cấp phó của tổ chức thuộc sở có 121 người.
Đến ngày 30.6.2023, số lượng cấp phó tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh là 48 người/18 cơ quan chuyên môn. Số lượng cấp phó của tổ chức thuộc sở là 110 người, bảo đảm đúng quy định theo đề án của tỉnh và Nghị định số 107/2020/NĐ-CP.
Đối với cấp huyện, 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã ban hành đề án số lượng cấp phó theo Nghị định số 108/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Số lượng cấp phó tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện tính đến ngày 30.6.2023 là 158 người (bình quân mỗi cơ quan có 1,59 người/cơ quan chuyên môn) bảo đảm theo quy định tại Nghị định số 108/2020/NĐ-CP.
Thời điểm (năm 2023) còn một số cơ quan, đơn vị chờ các nghị định, thông tư hướng dẫn của Trung ương nên tiến độ thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy còn chậm. Thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ ảnh hưởng đến bộ phận công chức, viên chức lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, nhưng Trung ương không có chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng này phần nào ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy.
Mặc dù ban hành riêng nhưng thực ra, Nghị quyết 18 và 19 của Trung ương có liên hệ mật thiết với nhau, vì đều liên quan đến tổ chức bộ máy và con người. Vậy, việc sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp ở Tây Ninh như thế nào?
Việt Đông
(còn tiếp)
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-1-tay-ninh-giam-co-quan-chuyen-mon-cap-huyen-a181368.html