Tỉnh Hà Tuyên xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc

Ngày 27-12-1975, Quốc hội khóa V quyết nghị hợp nhất hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang thành tỉnh Hà Tuyên. Việc tập kết các cơ quan của tỉnh lên thị xã Hà Giang, tỉnh lỵ của tỉnh Hà Tuyên được tiến hành nhanh gọn, hoàn thành trong quý II-1976.

Lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và đón nhận Huân chương
Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh (tháng 8-1985). Ảnh: Tư liệu

Hà Tuyên là một tỉnh miền núi cực Bắc của Tổ quốc; phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Phú, phía Đông giáp các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Bắc Thái, phía Tây giáp tỉnh Hoàng Liên Sơn. Diện tích tự nhiên là 13.689 km2, trong đó diện tích canh tác nông nghiệp chiếm 10,9%; dân số 700.974 người, có hơn 20 dân tộc. Tỉnh có 13 huyện, 2 thị xã, 7 thị trấn và 290 xã. Hà Tuyên có đường biên giới với Trung Quốc dài trên 270 km, có vị trí rất quan trọng về chính trị, kinh tế và quốc phòng, an ninh.

Ngày 21-1-1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tuyên lâm thời, đồng thời thông báo Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc cử Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Hà Tuyên. Tháng 2-1976, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tuyên được hợp nhất trên cơ sở Hội đồng nhân dân hai tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang; bầu ra Ủy ban hành chính và Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Hà Tuyên.

Từ năm 1976, tình hình an ninh tại biên giới Việt Nam - Trung Quốc ở Hà Tuyên đã có những diễn biến phức tạp. Từ ngày 17-2 - 6-3-1979, chiến tranh nổ ra trên toàn tuyến biên giới của tỉnh. Ngày 21-2-1979, các cơ quan, ban ngành của tỉnh từ thị xã Hà Giang chuyển về thị xã Tuyên Quang. Ở thị xã Hà Giang, thành lập bộ phận tiền phương do một ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách, trực tiếp chỉ đạo quân và dân tuyến 1 chiến đấu, phục vụ chiến đấu và sản xuất.

Từ 1979 - 1983, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới tiếp tục diễn ra tại nhiều điểm trên biên giới của tỉnh. Đầu năm 1984, chiến sự lại diễn ra trên toàn tuyến biên giới của tỉnh, đây là thời điểm cuộc chiến tranh cục bộ ở biên giới Hà Tuyên diễn ra quyết liệt; đối phương sử dụng lực lượng lớn pháo, cối bắn phá liên tục vào các mục tiêu quân sự, các huyện lỵ, thị trấn biên giới; mở nhiều cuộc tiến công cấp tiểu đoàn, trung đoàn (có một số cuộc ở cấp sư đoàn) vào phía Bắc huyện Vị Xuyên. Được sự chi viện của Quân khu II và quân dân cả nước, lực lượng vũ trang của tỉnh đã đánh trả thắng lợi các thủ đoạn, hành động quân sự và chiến tranh phá hoại nhiều mặt của đối phương.

Trong 15 năm (1976-1991), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hà Tuyên, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, quyết tâm vượt qua khó khăn, dũng cảm phấn đấu giành được những tiến bộ mới trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Kinh tế - xã hội có bước chuyển biến, ổn định dần từng mặt phù hợp với tình hình cụ thể của tỉnh vừa có hòa bình, vừa phải đối phó với kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch. Quan hệ sản xuất tiếp tục được củng cố, việc áp dụng khoán sản phẩm theo Chỉ thị 100-CT/TW được nhân dân đồng tình hưởng ứng, kích thích sản xuất phát triển, tiêu cực giảm bớt, tiềm năng lao động và đất đai bước đầu được khai thác tốt hơn. Công tác giao đất, giao rừng cho hợp tác xã và gia đình xã viên quản lý, kinh doanh có kết quả nhất định, hạn chế nạn phá rừng, cháy rừng; thực hiện một bước phân bố lại lao động, dân cư trên địa bàn tỉnh.

Công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp có cố gắng khắc phục khó khăn về vốn, nguyên vật liệu, nhiên liệu, trang thiết bị máy móc để duy trì sản xuất. Đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh được ổn định, có mặt được cải thiện. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ và nhân dân Hà Tuyên vẫn tập trung cao nhất sức người, sức của cho cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới Tổ quốc; tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và xây dựng phòng tuyến biên giới, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế được duy trì và có mặt phát triển tiến bộ. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm.

Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân, dân Hà Tuyên, ngày 29 tháng 8 năm 1985, Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã công bố lệnh phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tặng Huân chương Sao Vàng và Huân chương Hồ Chí Minh cho quân, dân tỉnh Hà Tuyên; quân, dân các huyện Vị Xuyên, Yên Minh; quân, dân các xã Bạch Đích, Phú Lũng (Yên Minh), Tả Ván (Quản Bạ), đồn biên phòng số 105 Bạch Đích (Yên Minh). Hai liệt sỹ Nguyễn Hồng Cao - Trung đội phó (đại đội 1 tiểu đoàn 3 Yên Minh) và Lộc Viễn Tài - Đồn trưởng Đồn biên phòng 155 được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hợp tác xã Nà Sàng (xã Bạch Đích huyện Yên Minh) được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vì đã có nhiều thành tích trong sản xuất nông nghiệp. 6 đơn vị bộ đội chủ lực chiến đấu trên mặt trận Hà Tuyên được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; nhiều tập thể, cá nhân trong tỉnh được phong tặng Huân chương bậc cao.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, tỉnh đã tổ chức trọng thể Lễ đón nhận Huân chương Sao Vàng và Huân chương Hồ Chí Minh. Phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng là niềm tự hào, nguồn động viên cổ vũ to lớn để Đảng bộ, quân và dân Hà Tuyên vững bước vào chặng đường mới.

Quang Dương(Theo các tài liệu lịch sử)

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/dat-amp-nguoi-tuyen-quang/tinh-ha-tuyen-xay-dung-chu-nghia-xa-hoi-va-bao-ve-bien-gioi-phia-bac-to-quoc-74154.html