Tình hình Afghanistan: Hy Lạp lo ngại làn sóng di cư đổ vào châu Âu

Đám đông người sơ tán chờ đợi được rời khỏi Afghanistan tại sân bay quốc tế ở Kabul, khi Taliban tuyên bố kiểm soát quốc gia Tây Nam Á. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 17/8, Bộ trưởng Di trú Hy Lạp Notis Mitarachi khẳng định nước này không muốn trở thành cửa ngõ tiếp nhận người di cư Afghanistan đổ vào Liên minh châu Âu (EU), đồng thời kêu gọi một phản ứng tập thể của khối đối với cuộc khủng hoảng hiện nay.

Hy Lạp đã trở thành tiền tuyến của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu hồi năm 2015, khi gần 1 triệu người ở Syria, Iraq và Afghanistan chạy trốn xung đột đã tới nước này. Cũng giống như nhiều nước thành viên EU khác, Athens lo ngại những diễn biến ở Afghanistan hiện nay có thể khiến cuộc khủng hoảng di cư tái diễn.

Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước ERT, Bộ trưởng Mitarachi khẳng định châu Âu không thể tiếp nhận hàng triệu người Afghanistan rời bỏ đất nước và Hy Lạp trở thành điểm nóng di cư. Theo Athens, vấn đề này đòi hỏi một giải pháp thống nhất chung của cả châu lục.

Cùng ngày, Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế, ông Paolo Gentiloni, cho rằng châu Âu cần xây dựng các hành lang nhân đạo nhằm tiếp nhận người tị nạn Afghanistan và tránh để xảy ra các làn sóng nhập cư bất hợp pháp mất kiểm soát.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Il Messaggero của Ý, ông Gentiloni nói: “Tôi nghĩ châu Âu chắc chắn sẽ phải tự xây dựng các hành lang nhân đạo và tiếp nhận (người tị nạn) một cách có tổ chức, đồng thời để tránh những dòng người nhập cư bất hợp pháp mất kiểm soát. Hoặc ít nhất, các quốc gia sẵn sàng (tiếp nhận người di cư) nên (làm điều này)”.

Theo kế hoạch, các ngoại trưởng EU sẽ nhóm họp khẩn cấp trong ngày 17/8 để thảo luận về tình hình Afghanistan. Hy Lạp cũng đã yêu cầu vấn đề người di cư cần phải được thảo luận trong cuộc họp bộ trưởng nội vụ EU dự kiến diễn ra trong ngày 18/8.

Cũng trong ngày 17/8, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã hối thúc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút ra bài học từ sứ mệnh Afghanistan, vốn bị chỉ trích là một thất bại của khối quân sự này.

Phát biểu với kênh truyền hình ZDF của Đức trước thềm cuộc họp khẩn cùng ngày của các đại sứ NATO, bà Kramp-Karrenbauer nhận định có rất nhiều việc phải giải quyết trong khuôn khổ NATO như mức độ hậu quả mà khối này có thể chấp nhận được hay mức độ sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết.

Dự kiến, trong ngày 17/8, các Đại sứ NATO sẽ nhóm họp về tình hình tại Afghanistan trong bối cảnh các nước phương Tây đang ráo riết triển khai chiến dịch sơ tán công dân của mình khỏi quốc gia Tây Nam Á này.

Theo Sputniknews, ngày 17/8, hãng tin DPA dẫn lời Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Đức Gerd Muller thông báo chính phủ nước này đã đình chỉ viện trợ kinh tế cho Afghanistan. Thông báo được đưa ra sau khi Taliban tiếp quản quốc gia Tây Nam Á này.

Trước đó, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết những hình ảnh về sự tuyệt vọng tại sân bay Kabul là điều “đáng hổ thẹn” đối với giới chính trị phương Tây, và tuyên bố tình hình ở Afghanistan là một “bi kịch” mà các nước phải chia sẻ trách nhiệm.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết Paris đã thiết lập cầu không vận qua Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất đến Afghanistan để sơ tán công dân Pháp khỏi quốc gia bất ổn này.

Trong khi đó, Al-Jazeera đưa tin, ngày 17/8 đã có tiếng súng nổ gần sân bay Kabul để giải tán đám đông trong bối cảnh sơ tán hỗn loạn.

Cũng trong ngày 17/8, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo đã đóng cửa đại sứ quán nước này tại Afghanistan và sơ tán toàn bộ nhân viên đang làm việc tại đây trong bối cảnh lo ngại tình hình an ninh sau khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, hiện nước này đã thiết lập văn phòng tạm thời ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để duy trì hoạt động của đại sứ quán. Toàn bộ 12 nhân viên Đại sứ quán Nhật Bản tại Afghanistan đã đến Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất- UAE) ngày 17/8 sau khi đại sứ quán tại Kabul đóng cửa hai ngày trước đó.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng cảnh báo người dân không nên đến quốc gia Tây Nam Á này và những ai còn ở Afghanistan cần nhanh chóng rời đi.

Ngày 17/8, Uzbekistan cho biết đang liên lạc chặt chẽ với Taliban, đồng thời cảnh báo sẽ "ngăn chặn nghiêm" việc xâm phạm biên giới. Uzbekistan, một trong ba nước Trung Á có biên giới với Afghanistan, đã đưa ra tuyên bố trên sau nhiều ngày hỗn loạn, với nhiều binh lính Afghanistan đã vượt biên trái phép vào nước này khi Taliban đẩy mạnh các cuộc tấn công.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Uzbekistan cho biết ủng hộ cam kết của các lực lượng Afghanistan đối với một chính phủ toàn diện, đồng thời nhấn mạnh mong muốn của Tashkent về việc đạt được một nền hòa bình toàn diện trong khuôn khổ các cuộc đàm phán tại Doha (Qatar). Theo bộ trên, Tashkent đang thảo luận với Taliban "các vấn đề đảm bảo việc bảo vệ biên giới, giữ gìn bình yên khu vực biên giới”.

Các nước Trung Á đang theo dõi chặt chẽ tình hình tại Afghanistan. Ngày 16/8, nước láng giềng Tajikistan cho biết đã cho phép ba máy bay, chở hơn 100 binh lính Afghanistan, hạ cánh xuống sân bay Bokhtar, miền nam nước này. Tajikistan là quốc gia Trung Á duy nhất giáp giới với Afghanistan vẫn chưa tiến hành các cuộc đàm phán chính thức với Taliban.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết nước này đang thảo luận với tất cả phe phái tại Afghanistan, trong đó có lực lượng Taliban, đồng thời bày tỏ hoan nghênh "các thông điệp mang tính tích cực" mà Taliban gửi tới cộng đồng quốc tế, sau khi giành quyền kiểm soát Afghanistan. Phát biểu với báo giới, ông Cavusoglu cho biết Ankara sẽ tiếp tục thảo luận với Mỹ và các đồng minh khác về việc bảo vệ sân bay Kabul cũng như quá trình chuyển tiếp tại Afghanistan.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/262766/tinh-hinh-afghanistan--hy-lap-lo-ngai-lan-song-di-cu-do-vao-chau-au.html