Tình hình Armenia mới nhất: Phe đối lập cáo buộc chính quyền khiêu khích
Khủng hoảng chính trị nổ ra ở Yerevan sau những phát biểu bất cẩn của ông Pashinyan về các hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander của Nga.
Tên lửa đạn đạo Iskander của quân đội Armenia.
Theo truyền thông Nga, phe đối lập thống nhất Armenia tuyên bố chính quyền ở nước này đang cố gắng tổ chức các cuộc khiêu khích trong khi diễn ra phong trào phản đối vô thời hạn trên Đại lộ Baghramyan, trước tòa nhà Quốc hội ở Yerevan.
"Các nhà chức trách đang cố gắng tổ chức các cuộc khiêu khích trên Đại lộ Baghramyan, lợi dụng vấn đề tù nhân và những người mất tích.
Họ đánh vào tình cảm của gia đình để chỉ đạo một số nhóm chống công dân tập trung trước tòa Quốc hội” - phong trào đối lập Cứu Quốc cho biết trong một tuyên bố, báo Sputnik của Nga cho hay.
Theo trang báo Nga, đây là phong trào liên kết khoảng 20 lực lượng chính trị, đòi Thủ tướng Nikol Pashinyan phải từ chức.
Tuyên bố được đăng trên trang Facebook của phong trào "Cứu Quốc" kêu gọi người dân không khuất phục trước các hành động khiêu khích và cảnh sát không để xảy ra các hậu quả không mong muốn.
Ngày 27/2, Tổng thống Armenia Armen Sarkissian đã thảo luận tình hình đất nước với nhóm đại biểu Quốc hội không thuộc các phe phái trong nghị viện.
Trong đó, các bên trao đổi ý kiến về cách giải quyết tình hình và xoa dịu căng thẳng.
Cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra ở Yerevan sau những phát biểu bất cẩn của ông Pashinyan về các hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander của Nga.
Cụ thể Thủ tướng Armenia Pashinyan cho biết các tên lửa Iskander được quân đội Armenia sử dụng ở Nagorno-Karabakh "không phát nổ hoặc chỉ nổ 10%."
Khi đó, Phó tổng tham mưu trưởng Armenia đã chế nhạo Thủ tướng, do đó mà ông đã bị cách chức, tiếp theo đó Tổng tham mưu trưởng cũng bị yêu cầu từ chức.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định rằng Armenia đã không sử dụng hệ thống tên lửa Iskander trong trang bị của mình vào cuộc xung đột Nagorno-Karabakh, tất cả các quả đạn tên lửa hiện đều nằm nguyên trong kho của quân đội nước này.