Tình hình buôn lậu ở tuyến biên giới An Giang vẫn còn phức tạp
Trong 10 tháng năm 2020, các lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã phát hiện 1.950 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu qua biên giới, tăng 30% so cùng kỳ năm ngoái.
Ngày 19/11, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) do ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang về tình hình, kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 10 tháng năm 2020 của tỉnh An Giang.
Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, từ đầu năm đến cuối tháng 10/2020, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới được kiểm soát khá tốt.
Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ trong nước không ngừng tăng, lợi nhuận thu được từ hoạt động buôn lậu khá cao, nên hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới sẽ có chiều hướng tăng trở lại vào những tháng cuối năm.
Các mặt hàng nhập lậu trên tuyến biên giới An Giang chủ yếu vẫn là thuốc lá điếu ngoại, lợn nguyên con, mỹ phẩm, rượu bia, nước giải khát, đường cát Thái Lan.
Ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang cho biết, thời gian gần đây, tội phạm buôn lậu trên tuyến biên giới An Giang xuất hiện một số thủ đoạn mới như trong mùa nước các đối tượng cho hàng lậu vào bao, túi nhựa rồi nhấn chìm xuống nước sử dụng dây kéo qua biên giới; sử dụng bộ hồ sơ hải quan của doanh nghiệp đã hoàn thành thủ nhập khẩu mặt hàng đường tinh luyện của Campuchia để đối phó đường cát nhập lậu.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu không có nhiều thay đổi, hàng hóa được tập kết sát biên giới Việt Nam-Campuchia cả trên bộ và trên sông, luôn cử người canh coi lực lượng chức năng.
Tuyến, địa bàn trọng điểm bọn buôn lậu gia tăng hoạt động ở các huyện Tịnh Biên, huyện An Phú, thành phố Châu Đốc, tuyến sông Tiền, sông Hậu..., ông Hồ thông tin.
Trong 10 tháng năm 2020, các lực lượng chức năng trong tỉnh An Giang đã kiểm tra, phát hiện vi phạm 1.950 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu qua biên giới, tăng 30% so cùng kỳ.
Tổng trị giá hàng hóa bắt giữ 49,44 tỷ đồng, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu 19,52 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ.
Lực lượng chức năng khởi tố 39 vụ/44 đối tượng, tăng 17 vụ và 22 đối tượng so với cùng kỳ 2019, về hành vi “Mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu,” trị giá tang vật bị khởi tố 1,38 tỷ đồng.
Trong 10 tháng năm 2020, các lực lượng chức năng trong tỉnh An Giang kiểm tra phát hiện 25 trường hợp kinh doanh sản xuất, kinh doanh hàng giả, gồm giả mạo nhãn hiệu hàng hóa và giả về chất lượng, công dụng.
Hàng hóa vi phạm gồm thuốc bảo vệ thực vật, giày dép, mỹ phẩm và đồng hồ, trị giá hàng hóa vi phạm 1,12 tỷ đồng.
Theo Ban chỉ đạo 389 An Giang, nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn lậu tồn tại trên tuyến biên giới An Giang do đường biên giới dài, rộng, các kho hàng vẫn còn tồn tại trong khu vực biên giới; chênh lệch giá cao, nhu cầu tiêu thụ hàng lậu trong nước còn lớn, lợi nhuận thu được từ hoạt động buôn lậu khá cao.
Tại buổi làm việc, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh kiến nghị Trung ương có giải pháp đấu tranh, ngăn chặn thủ đoạn đối phó của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sang chiết, pha trộn các loại đường cát với nhau; xây dựng hàng rào kỹ thuật mặt hàng đường cát, kể cả việc truy xuất nguồn gốc, bao bì và Hiệp hội Mía đường và Hiệp hội Thuốc lá tăng cường phối hợp nhiều hơn với các cơ quan chức năng trong phòng chống như đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng, giảm giá thành, giám định tăng vật.
An Giang cũng kiến nghị Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia và các cơ quan Trung ương hỗ trợ Ban chỉ đạo 389 tỉnh triển khai đề án lắp đặt camera quan sát tại các địa bàn trọng điểm tuyến biên giới ở thành phố Châu Đốc, thị xã Tân Châu, huyện An Phú và Tịnh Biên, với 31 điểm và số tiền là 8,3 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá cao công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng của An Giang trong thời gian qua.
Ông Đàm Thanh Thế lưu ý, những tháng cuối năm 2020, tuyến biên giới An Giang sẽ rất phức tạp về buôn lậu hàng hóa, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại khi các đối tượng gia tăng hoạt động.
Đấu tranh phòng chống buôn lậu hàng hóa, gian lận thương mại là nhiệm vụ trọng tâm đặc biệt quan trọng bảo vệ phát triển kinh tế trong nước; đảm bảo an ninh trật tự quốc gia và Chính phủ đã xác định đấu tranh phòng chống buôn lậu hàng hóa là không có vùng cấm.
Vì vậy, các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, hải quan, bộ đội biên phòng, công an An Giang cần tập trung lực lượng đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả.
Theo ông Đàm Thanh Thế, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại là một cuộc chiến cam go khi có nhiều cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến này.
Với địa bàn biên giới kéo dài, thời gian tới các lực lượng đấu tranh phòng, chống buôn lậu An Giang phải chủ động nắm địa bàn để đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả buôn lậu hàng hóa khu vực biên giới; tập trung lực lượng triệt xóa các điểm nóng về buôn lậu ở tuyến biên giới và phát động toàn dân có trách nhiệm trong đấu tranh phòng chống buôn lậu hàng hóa, gian lận thương mại.
Riêng các kiến nghị của An Giang, ông Thế cho biết Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ có báo cáo tổng hợp để báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ kịp thời để An Giang thực hiện hiệu quả trong đấu tranh, phòng chống buôn lậu hàng hóa khu vực biên giới./.