Tình hình 'công chứng vi bằng' ở vùng ven
Hiện các văn phòng thừa phát lại không lập vi bằng việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản mà chỉ ghi nhận việc giao nhận tiền.
Hiện nay, trên các trang mua bán bất động sản vẫn đang rao bán nhà, đất với giấy tờ pháp lý là “công chứng vi bằng” (CCVB). Giao dịch này chủ yếu đối với nhà, đất chưa có giấy tờ hợp lệ với giá rẻ một nửa so với nhà, đất chuyển nhượng đúng quy định pháp luật.
Cò đất và “công chứng vi bằng”
Vào trang mạng mua bán nhà, đất, có rất nhiều căn nhà diện tích 40-80 m2 , mặt tiền đường rộng hơn 4 m ở quận 12, huyện Hóc Môn, Bình Chánh nhưng chỉ có giá khoảng vài trăm triệu đến 1 tỉ đồng.
Trong vai một người mua nhà, PV được một người tên Trân chuyên môi giới bất động sản giới thiệu có ông anh đang gửi bán một căn nhà diện tích 4 x 12 m, mặt tiền đường 8 m, nằm ở đường XTT 31, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM có giá 1 tỉ đồng.
Theo “cò” Trân, nhà này bán với hình thức lập “CCVB” chứ không sang tên được vì không đủ diện tích tách thửa. Chị nói: “Với “CCVB” thì không cần phải lo gì, vì cầm vi bằng trong tay thì tài sản đó là của mình, không ai lấy được”.
Được “cò” Trân hướng dẫn, PV gặp ông chủ đất tên M. Ông M. cho biết: “Ba căn nhà của tôi chung một sổ đỏ, tôi không có tiền nên bán hai căn. Những người mua trước, tôi đều làm “CCVB” cho họ. Nếu sau này người mua có bán lại cho người khác thì tìm tôi, tôi sẽ hủy “CCVB” cũ và lập một “hợp đồng CCVB” cho người mua mới. Tất cả người mua nhà chỉ có “CCVB” về việc mua bán chứ còn sổ thì tôi giữ, không đưa ai”.
Ôm hận vì mua nhà qua “công chứng vi bằng”
Vợ chồng tôi làm công nhân ở Bình Tân, dành dụm nhiều năm mới được 300 triệu đồng. Do muốn có chỗ ở ổn định nên chúng tôi vay mượn thêm họ hàng, tổng cộng được hơn 500 triệu đồng để mua một căn nhà cấp bốn rộng 50 m2 ở gần Bến xe Ngã Tư Ga, quận 12, TP.HCM. Lúc mua, chủ nhà nói ở vài năm nữa sẽ làm thủ tục ra sổ đỏ, còn hiện thời chỉ làm “công chứng vi bằng”.
Chúng tôi dọn về ở chưa được một tháng thì thấy phường gửi quyết định cưỡng chế nhà vì nhà xây không phép. Tá hỏa, tôi tìm gặp chủ cũ yêu cầu bồi thường thì người này năn nỉ cho trả lại dần số tiền đã bán nhà vì hiện ông ta không còn tiền trả. Đúng là nghèo còn mắc cái eo!
Chị NGUYỄN THỊ NHÀN (quận Bình Tân, TP.HCM
Chỉ lập vi bằng việc giao nhận tiền
Theo ghi nhận của PV ở một số văn phòng thừa phát lại (TPL) tại TP.HCM thì hiện nay việc lập vi bằng ghi nhận mua, bán liên quan đến bất động sản không còn thực hiện nữa. Các văn phòng TPL chỉ ghi nhận sự việc giữa hai người có giao nhận tiền với nhau.
Cụ thể, khi PV đến một văn phòng TPL hỏi về thủ tục lập vi bằng chứng kiến việc mua bán nhà thì được nhân viên nơi đây giải thích: Hiện văn phòng chỉ tiếp nhận trường hợp giao nhận tiền giữa hai bên và chụp ảnh lưu lại. Ngoài ra, TPL cũng không ghi nội dung, lý do giao nhận tiền là gì và nếu có ghi cũng không được Sở Tư pháp công nhận văn bản này. Tuy nhiên, nhân viên văn phòng TPL có thể giúp người dân soạn văn bản chuyển nhượng nhà, đất để hai bên ký tên vào. Văn bản chuyển nhượng này chỉ lưu lại chữ ký của hai bên chứ không liên quan gì đến văn phòng TPL.
Một đại diện trưởng văn phòng TPL tại TP.HCM cho biết trước đây có một số văn phòng TPL lập vi bằng chứng kiến việc mua bán và giao nhận tiền liên quan đến bất động sản. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây việc lập vi bằng kiểu như vậy bị nhiều người dân nhầm tưởng đây là hợp đồng mua bán nhà, đất và mang nhiều hệ lụy về sau. Vì thế, Sở Tư pháp không cho phép các văn phòng TLP lập những vi bằng có liên quan đến việc mua bán bất động sản nữa.
Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/tinh-hinh-cong-chung-vi-bang-o-vung-ven-849016.html