Tình hình COVID-19: Hơn 154 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ ngày 9/6/2020 - Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 4/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 154.172.596 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 3,22 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 131,56 triệu người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 591.514 ca tử vong trong tổng số 33.229.445 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 20.275.543 ca nhiễm và 222.383 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 14.791.434 ca nhiễm và 408.829 bệnh nhân không qua khỏi.

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 667.259 ca nhiễm mới, tập trung nhiều nhất tại Ấn Độ (355.828 ca), tiếp đến là Mỹ (38.851 ca), Brazil (36.524 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (24.733 ca), Iran (20.732 ca)...

Tình hình dịch bệnh tại châu Âu diễn biến tích cực hơn khi số ca nhiễm mới toàn khu vực đã giảm 19% trong 1 tuần qua.

Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nới lỏng các biện pháp hạn chế, theo đó cho phép nhập cảnh đối với những người đã tiêm chủng đủ liều vắcxin ngừa COVID-19 và người dân ở những nước có tình hình dịch bệnh suy giảm.

Tuy nhiên EC kêu gọi các nước duy trì cảnh giác trước nguy cơ lây lan các biến thể của SARS-CoV-2, đồng thời đề xuất đưa vào áp dụng "cơ chế dự phòng khẩn cấp" để hạn chế nguy cơ các biến thể mới có thể xâm nhập vào EU. Dự kiện, Hội đồng châu Âu sẽ thảo luận về đề xuất mới trong tuần này.

Tại châu Á, dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng hơn trong 1 tuần qua, với tổng số ca nhiễm tăng tới 7%. Trong 24 giờ qua, Indonesia, Philippines và Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới dao động từ 4.700 ca đến 7.200 ca.

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, tối 3/5, Chính phủ Campuchia đã công bố quyết định dỡ lệnh phong tỏa phòng chống dịch COVID-19 đối với Phnom Penh và thành phố tiếp giáp thủ đô là Ta Khmao (thuộc tỉnh Kandal), có hiệu lực kể từ ngày 6/5 tới.

Tuy nhiên, chính quyền thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal khẳng định sẽ vẫn áp dụng các biện pháp phong tỏa đối với một số khu vực thuộc hai địa bàn trên, cũng như những biện pháp cần thiết để phòng chống sự lây lan của dịch COVID-19.

Thủ tương Campuchia Hun Sen đăng tải thông tin trên trang Facebook cá nhân rằng sau ngày 5/5 tới, Chính phủ Campuchia sẽ dỡ bỏ tình trạng phong tỏa phòng chống dịch COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh và một số tỉnh khác, ngoại trừ những khu vực còn tình trạng lây nhiễm cao virus SARS-CoV-2.

Thủ tướng Hun Sen khẳng định: “Chúng tôi sẽ chỉ áp dụng tình trạng phong tỏa những tỉnh/thành có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao. Trước đây, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải phong tỏa để chặn đứng nguồn lây lan dịch và cứu lấy sinh mạng người dân”. Thủ tướng Hun Sen cũng kêu gọi người dân Campuchia thông cảm trong thời điểm khó khăn này. Ông cho rằng chiến dịch tiêm chủng tại Phnom Penh và tỉnh Kandal sẽ được hoàn tất trong tháng 6 tới.

Tại châu Phi, Tunisia vẫn là nước ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất khu vực, với hơn 1.000 ca trong 24 giờ qua. Tổng số ca nhiễm tại châu lục này cũng đã giảm 13% trong tuần qua. Hiện châu Phi ghi nhận tổng cộng 66.164 ca nhiễm.

Trong khi đó, biến thể của SARS-CoV-2 xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ tiếp tục lây lan trên thế giới. Theo thông báo mới nhất của giới chức Algeria và Maroc, biến thể này đã xuất hiện ở 2 nước này. Đến nay, biến thể phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ đã xuất hiện ở ít nhất 17 quốc gia, làm dấy lên quan ngại trên toàn cầu và nhiều nước đã cấm nhập cảnh đối với những người từ Ấn Độ.

Ngày 3/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng quốc gia này sẽ ở một “vị thế rất khác” vào cuối mùa hè này khi đề cập tới số lượng người dân Mỹ được tiêm phòng COVID-19. Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn phát biểu của Tổng thống Biden nêu rõ: “Tôi đã làm việc rất nỗ lực để đảm bảo rằng chúng tôi sẽ có được hơn 600 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19”. Ông khẳng định chính quyền của ông sẽ tiếp tục đảm bảo có sẵn các liều vắcxin cho người dân, tăng số lượng vắcxin ở trong nước, cũng như để có thể giúp đỡ các quốc gia khác.

Trong khi thừa nhận có cuộc tranh luận về tỷ lệ phần trăm dân số Mỹ cần được tiêm phòng để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, hoặc thời điểm khi đạt được đủ số người được tiêm phòng nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, Tổng thống Biden tiếp tục kêu gọi người dân Mỹ đi tiêm phòng bởi hiện nay tất cả những người từ 16 tuổi trở lên đều đủ điều kiện để được tiêm. Ông Biden cho biết hơn 80% người Mỹ trên 65 tuổi đã được tiêm ít nhất một liều vắcxin và khẳng định không có sự khác biệt về tỷ lệ giữa các nhóm dân tộc thiểu số và chủng tộc trong độ tuổi đó.

Trong khi đó, New York và hai bang láng giềng là New Jersey và Connecticut, vốn từng là tâm dịch COVID-19 của nước Mỹ, sẽ chính thức mở lại hoạt động hoàn toàn kể từ ngày 19/5. Theo phóng viên TTXVN tại New York, các quán ăn, văn phòng, cửa hàng bán lẻ, nhà hát, bảo tàng, tiệm làm tóc, công viên giải trí và phòng tập thể thao sẽ được phéo hoạt động với 100% sức chứa lần đầu tiên kể từ khi các bang này phải áp dụng các biện pháp hạn chế từ năm ngoái để phòng tránh virus SARS-CoV-2 lây lan.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 3/5 tuyên bố gỡ bỏ tất cả các lệnh hạn chế nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh tế của bang. TP New York cũng sẽ mở lại dịch vụ tàu điện ngầm 24h/24h như trước khi dịch xảy ra kể từ ngày 17/5 tới.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 3/5, Thống đốc Cuomo khẳng định đây là dấu mốc trọng đại đối với bang New York, là thời điểm chuyển đổi trọng đại với một nơi từng là tâm dịch của thế giới. Tuyên bố của ông cho thấy giới chức bang nóng lòng muốn khôi phục kinh tế tại đây cho nên đã đưa ra thời điểm mở cửa trở lại còn sớm hơn lộ trình mà Thị trưởng TP New York Bill de Blasio mới tuyên bố hồi tuần trước là sẽ mở lại hoàn toàn thành phố vào ngày 1/7/2021.

Các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh sẽ vẫn phải tuân thủ các quy định giãn cách xã hội do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) yêu cầu nếu cần thiết, nhưng họ sẽ không phải đảm bảo giãn cách 2 mét nếu tất cả những người đi làm hoặc có mặt trong cùng một không gian trong nhà có chứng nhận đã tiêm chủng hoặc đã xét nghiệm âm tính với COVID-19. Ngoài ra, các nhà hàng cũng được phép gỡ bỏ các vách ngăn giữa các bàn ăn.

M.T.A, công ty quản lý hệ thống tàu điện ngầm của TP New York cho biết sắp tới họ sẽ vẫn tiếp tục thực hiện khử trùng và làm sạch các toa tàu thường xuyên để đảm bảo vệ sinh khi trở lại hoạt động 24h/24h. Trong hơn một năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch, số người đi lại bằng tàu điện ngầm đã giảm tới 90%, chỉ còn khoảng 500.000 lượt/ngày. Từ tháng 2/2021, số người đi lại bằng tàu điện ngầm đã tăng lên khoảng 1,8 triệu lượt mỗi ngày.

Quyết định mở lại hoàn toàn hoạt động của bang New York được thống đốc Cuomo đưa ra một ngày sau khi thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer kêu gọi TP New York hãy đưa hệ thống tàu điện ngầm hoạt động trở lại 24h/24h.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/255226/tinh-hinh-covid-19--hon-154-trieu-ca-nhiem-virus-sars-cov-2.html