Tình hình COVID-19: Mỹ ghi nhận 57.000 ca mắc bệnh mới
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân trên tàu bệnh viện USNS Mercy tại Los Angeles, California (Mỹ) ngày 29/4/2020 - Ảnh: AFP/TTXVN
Theo thống kê của worldometers, tính đến 11 giờ ngày 28/7, thế giới ghi nhận 16.644.070 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19, trong đó đã có đến 656.550 trường hợp tử vong.
Mỹ vẫn đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới. Mỹ hiện đã ghi nhận 4.433.410 ca mắc, trong khi số người chết lên đến 150.444 ca.
Theo số liệu thống kê của Đại học John Hopkins, nước Mỹ đã ghi nhận thêm 57.039 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên con số 4.286.663 trường hợp.
Không chỉ là quốc gia có số bệnh nhân COVID-19 đông nhất, Mỹ còn là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất về người khi đã có 147.588 trường hợp tử vong do COVID-19. Riêng trong ngày 27/7, nước này xác nhận 679 ca tử vong.
Nước Mỹ đang chứng kiến sự tăng vọt trong con số báo cáo về các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, đặc biệt là ở các bang miền Nam và miền Tây nước này như California, Texas, Alabama và Florida, sau khi tỉ lệ lây lan đã suy giảm vào cuối mùa xuân. Mặc dù vậy, những con số thống kê theo ngày vừa được Đại học John Hopkins công bố lại cho thấy những tín hiệu đáng khích lệ khi số các bệnh nhân mới đã giảm nhiều so với trong tuần trước.
Do tác động của đại dịch COVID-19, Thống đốc bang Texas - ông Greg Abbott ngày 27/7 đã quyết định kéo dài thời gian bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Theo thông báo, việc bỏ phiếu sớm dưới hình thức trực tiếp tại bang này sẽ bắt đầu tiến hành từ ngày 13/10, thay vì ngày 19/10 như kế hoạch trước đó, và sẽ kéo dài cho đến hết ngày 30/10. Quyết định trên cũng gia hạn hiệu lực đối với hình thức bỏ phiếu qua thư.
Phát biểu với báo giới, Thống đốc Abbott nhấn mạnh: "Để ứng phó với đại dịch COVID-19, bang Texas tập trung vào các chiến lược duy trì khả năng bỏ phiếu của người dân Texas, song vẫn giảm thiểu sự lây lan của virus. Bằng cách kéo dài thời gian bỏ phiếu sớm và mở rộng thời gian bỏ phiếu qua thư, người dân Texas sẽ linh hoạt hơn trong việc bỏ phiếu bầu, đồng thời bảo vệ chính họ và những người khác khỏi COVID-19”.
Trong khi đó tại California, khu vực đang là điểm nóng trong làn sóng thứ hai về dịch COVID-19 tại Mỹ, số ca tử vong trung bình trong hai tuần qua là 109 người, và gần 8% số người được xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Chính quyền bang này đã tạm ngừng các nỗ lực mở cửa trở lại nền kinh tế của mình, theo đó ra lệnh đóng cửa quán bar và các nhà hàng ăn khép kín, đồng thời đình chỉ hoạt động giảng dạy trực tiếp tại 37 hạt thuộc bang California - nơi có 93% dân số bang này sinh sống.
Theo Thống đốc Gavin Newsom, sự lây lan dịch bệnh tại bang California đang được thúc đẩy bởi một số yếu tố, bao gồm các cuộc họp mặt cộng đồng và gia đình, cùng làm việc trong một không gian kín, các viện dưỡng lão và nhà tù.
Thủ đô Washington của Mỹ cũng vừa ban hành quy định mới, theo đó mọi trường hợp từ 27 bang "có nguy cơ cao" về dịch bệnh đến Washington sẽ phải tự cách ly trong vòng 14 ngày. Theo Thị trưởng Muriel Bowser, những khu vực bị xếp loại có nguy cơ cao là những nơi có số ca nhiễm mới dao động từ 10-100 người trong vòng 7 ngày. Các bang lân cận Washington là Maryland và Virginia được quy định này. Hiện Washington đã ghi nhận 11.780 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 581 ca tử vong.
Thủ tướng Ireland Micheal Martin ngày 27/7 thông báo chính phủ nước này sẽ triển khai gói hỗ trợ 375 triệu euro (hơn 440 triệu USD) nhằm tạo điều kiện cho học sinh trở lại trường học vào cuối tháng 8 tới. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh quốc gia châu Âu này đang dần nới lỏng lệnh phong tỏa được áp đặt trước đó nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Martin nhấn mạnh: "Không có kịch bản không tiềm ẩn nguy cơ, nhưng chúng ta có thể hạn chế đáng kể nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại các trường học. Đó là lý do tại sao việc triển khai kế hoạch toàn diện nhằm mở cửa trở lại các trường học và tiếp tục duy trì hoạt động của các cơ sở giáo dục này là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ mới Ireland kể từ khi thành lập cách đây 4 tuần”.
Theo kế hoạch toàn diện nói trên, 52 triệu euro sẽ được chi cho việc thực hiện các biện pháp khử trùng; 75 triệu euro được dành cho việc xây dựng thêm các phòng làm việc, tu sửa phòng học để có thể thực hiện giãn cách xã hội nhằm bảo vệ sức khỏe của các giáo viên, nhân viên nhà trường và các học sinh.
Hơn 1.000 giáo viên và nhân viên cũng sẽ được tuyển dụng trở lại, góp phần chia nhỏ và giảm bớt sĩ số các lớp học. Thời gian ăn trưa và thời gian bắt đầu giờ học sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt, trong khi không bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp. Ngoài ra, số tiền trong gói hỗ trợ giáo dục mới của Chính phủ Ireland cũng sẽ được chi cho việc mua sắm các vật tư y tế phòng dịch cũng như triển khai các biện pháp dự phòng đặc biệt đối với những trường hợp có nguy cơ cao mắc COVID-19.
Cùng ngày, Bộ Y tế Bulgaria cho biết nước này sẽ cho phép các du khách từ Serbia, Bắc Macedonia, Albania, Kosovo, Bosnia, Montenegro, Moldova, Israel và Kuwait tới các khu nghỉ dưỡng tại Bulgaria kể từ ngày 28/7 nếu họ có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh vào quốc gia Balkan này.
Tuyên bố của bộ trên nêu rõ, các du khách từ Ukraine cũng sẽ được hưởng quyền lợi tương tự kể từ ngày 30/7. Quyết định trên được đưa ra tại thời điểm Bulgaria đang nỗ lực hỗ trợ các khu nghỉ dưỡng hè tại khu vực biển Đen của nước này khôi phục hoạt động sau thời gian dài phải tạm ngừng đón khách quốc tế do tác động của dịch COVID-19.
Cơ quan Thuế Canada (CRA) ngày 27/7 đã thông báo lùi thời hạn nộp thuế liên bang và không phạt, cũng như không áp lãi suất đối với các khoản nộp thuế muộn do các tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế. CRA nhấn mạnh cơ quan này sẽ gia hạn thời gian đóng thuế trong năm nay đối với cá nhân, doanh nghiệp từ ngày 1/9 đến ngày 30/9 tớ
CRA cũng sẽ miễn lãi suất đối với các khoản nợ thuế còn tồn đọng của cá nhân, doanh nghiệp từ ngày 1/4 đến ngày 30/9 năm nay. Bên cạnh đó, chính sách này cũng được áp dụng đối với tiền đóng thuế hàng hóa - dịch vụ, thuế lợi nhuận kinh doanh.
Trong khi đó, tại Guatemala, bất chấp số ca nhiễm vẫn đang có chiều hướng tăng, chính phủ nước này đã bắt đầu mở trở lại nền kinh tế vào ngày 27/7, nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt cách đây 4 tháng nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei nêu rõ các khu vực biên giới của nước này vẫn sẽ đóng cửa, nhưng nhiều ngành nghề có thể nối lại hoạt động. Các phương tiện giao thông công cộng, các trung tâm mua sắm và nhà hàng có thể bắt đầu mở cửa lại từ ngày 22/7. Tuy vậy, lệnh giới nghiêm vẫn sẽ được áp đặt vào ban đêm và các công dân Guatemala vẫn phải hết sức thận trọng.
Bất chấp việc nới lỏng các biện pháp phòng ngừa y tế, nhiều thành phố tại Guatemala vẫn duy trì "cảnh báo đỏ", đồng nghĩa số ca mắc COVID-19 vẫn ở mức cao. Tính đến nay, Guatemala đã ghi nhận tổng cộng 45.309 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.761 ca tử vong.
Trong kgi fđó, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định thúc đẩy sửa đổi luật, theo đó yêu cầu các bệnh nhân COVID-19 người nước ngoài tự trang trải chi phí điều trị, trong bối cảnh các ca bệnh ngoại nhập ở nước này tăng đột biến.
Theo luật hiện hành, Chính phủ Hàn Quốc sẽ chi trả cho các khoản phí chăm sóc và điều trị tại bệnh viện đối với mọi bệnh nhân người nước ngoài tại nước này.
Bộ trưởng Y tế Park Neung-hoo cho biết việc tính phí đối với các bệnh nhân người nước ngoài sẽ được xem xét dựa trên nguyên tắc "có đi có lại" trong quan hệ ngoại giao. Ông đồng thời nhấn mạnh rằng việc xét nghiệm tầm soát COVID-19 vẫn được tiến hành miễn phí đối với tất cả mọi người nước ngoài ở Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ xem xét khả năng cung cấp hỗ trợ tài chính cho các công dân Hàn Quốc ở nước ngoài bị nhiễm COVID-19 và cần điều trị.
Còn tại Nhật Bản, tính riêng trong tháng 7/2020, số ca mắc COVID-19 ở thủ đô Tokyo đã vượt mức 5.000 trường hợp (tính đến hết ngày 27/7) - tức là khoảng 45% tổng số ca mắc bệnh tại thành phố này kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Trong ngày 27/7, chính quyền thủ đô Tokyo xác nhận thêm 131 ca mắc COVID-19. Đây là lần đầu tiên trong vòng một tuần qua, số ca nhiễm mới tại đây thấp hơn mức 200 trường hợp. Thị trưởng Yuriko Koike đã kêu gọi cư dân Tokyo hạn chế ra khỏi nhà trong trường hợp không cần thiết.
Từ ngày 29/7, bất kỳ ai không đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng có thể bị phạt tới 645 USD (gần 15 triệu đồng) tại Hongkong (Trung Quốc).
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Tổng Thư ký chính quyền Hongkong - ông Trương Kiến Tông (Matthew Cheung) ngày 27/7 thông báo người dân bắt buộc đeo khẩu trang tại những tụ điểm công cộng cả ngoài trời lẫn trong nhà từ ngày 29/7. Bất kỳ ai vi phạm quy định sẽ bị phạt tới 5.000 đô-la Hongkong. Những người có “lý do chính đáng” như gặp vấn đề về sức khỏe hay trẻ em dưới 2 tuổi sẽ được miễn trừ.
Ông Trương cũng cho biết Chính phủ Trung Quốc sẽ giúp địa phương xây dựng một bệnh viện dã chiến tương tự cơ sở Vũ Hán ở gần sân bay Hongkong với sức chứa lên tới 2.000 giường bệnh. “Tình hình đại dịch rất nguy cấp. Chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ cao dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng”, nhà chức trách nhấn mạnh một vài tuần tới sẽ là thời điểm cực kỳ quan trọng đối với thành phố.
Lệnh cấm được ban hành trong bối cảnh Hongkong lo ngại đối phó với làn sóng COVID-19 thứ ba và nguồn lây lan dịch bệnh chưa được xác định. Ngày 27/7, giới chức Hongkong ghi nhận trên 100 ca mắc mới trong ngày thứ 6 liên tiếp, đưa tổng số ca mắc COVID-19 tại đây lên tới trên 2.700 trường hợp.
Trước khi số liệu hôm 27/7 được công bố, theo ông Trương, trong 14 ngày qua, Hongkong ghi nhận 1.163 ca mắc mới, trong đó 492 ca không xác định được nguồn lây nhiễm. Chính quyền Hongkong đã thắt chặt các quy định phòng ngừa mới, hạn chế tụ tập nơi công cộng không quá 4 người. Khi được hỏi tại sao thành phố không phong tỏa hoàn toàn, như những khu vực khác, Tổng Thư ký Trương giải thích lệnh cấm đó quá bất tiện và nghĩ rằng các biện pháp hiện hành là hợp lý.
Cơ quan Y tế Hongkong cho biết dự định mở rộng xét nghiệm tại 300 khu chợ và khoản 14.000 điểm xét nghiệm lưu động trên xe. Mặc dù phần lớn người dân Hongkong sẵn sàng đeo khẩu trang ở nơi công cộng kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào đầu năm nay, phương pháp đeo khẩu trang vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi và bị chính trị hóa ở nhiều nước khác trên thế giới.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)