Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết ngày 29/3: Toàn khối gần 8.000 ca nhiễm bệnh, số người tử vong tại Indonesia cao đột biến
Số ca mắc COVID-19 tại các nước khu vực ASEAN ngày 29/3 tăng mạnh, lên gần 8.000, trong khi các quốc gia như Philippines và Indonesia ghi nhận số ca tử vong nhất khối.
Tính tới rạng sáng 30/3, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 7.839 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 832 ca mới. Số người thiệt mạng vì dịch bệnh nguy hiểm đã tăng vọt lên 230 người, nhiều hơn 24 ca so với một ngày trước đó. Các nước trong khu vực cũng thông báo 879 người đã được điều trị thành công và xuất viện.
Indonesia, Philippines và Malaysia đang là những điểm dịch nóng nhất tại Đông Nam Á.
Trong ngày 29/3, Philippines là nước thành viên ASEAN ghi nhân số ca nhiễm COVID-19 mới nhiều nhất, 343 trường hợp. Theo Bộ Y tế Philippines, trong 24h qua, quốc gia này cũng có thêm 3 người tử vong.
Tới nay, Philippines đã ghi nhận tổng cộng 1.418 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 71 người tử vong. Bên cạnh đó, cũng đã có thêm 7 bệnh nhân hồi phục, nâng tổng số bệnh nhân hồi phục tại Philippines lên thành 42 người.
Indonesia ghi nhận số ca tử vong mới cao nhất khu vực trong ngày 29/3. Theo giới chức y tế nước này, đã có 12 người thiệt mạng vì mắc COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại "quốc gia vạn đảo" lên 114 người, nhiều nhất khu vực.
Quan chức y tế Achmad Yurianto cho biết Indonesia ghi nhận thêm 130 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia Đông Nam Á lên thành 1.285 người. Số ca khỏi bệnh hiện là 64. Theo quan chức này, Indonesia đã xét nghiệm hơn 6.500 trường hợp trên khắp cả nước.
Chính quyền thành phố Tây Jakarta của Indonesia tối 28/3 đã phong tỏa một thánh đường và cách ly 183 tín đồ Hồi giáo sau khi 3 người trong số họ được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo hãng tin chính thức Antara, các tín đồ nói trên - trong đó có 78 người nước ngoài đến từ Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Thái Lan, Palestine và Pakistan - đã tham dự lễ hành hương tại Nhà thờ Hồi giáo Jammi ở tiểu khu Taman Sari.
Thị trưởng thành phố Tây Jakarta Rustam Effendi cho biết tất cả 183 tín đồ tại nhà thờ Jammi đã được sơ tán và cách ly tại một bệnh viện dã chiến ở khu vực Trung tâm Jakarta. Tin tức về các ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong số những người tham dự lễ hành hương nói trên đã gây hoảng loạn trong các cư dân địa phương và buộc chính quyền phải triển khai cảnh sát và binh sĩ để ngăn họ rời khỏi nhà thờ.
Chính quyền Jakarta đã ban bố tình trạng khẩn cấp và áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại cũng như các sự kiện tập trung đông người trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan nhanh tại khu vực thủ đô.
Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này ngày 29/3 thông báo có thêm 150 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 2.470 trường hợp. Số ca tử vong tại Malaysia cũng tăng thêm 7 trường hợp, lên con số 34 tính tới hết ngày.
Từ ngày 18/3 vừa qua, Chính phủ Malaysia đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt nhằm kiểm soát dịch bệnh như cấm đi lại giữa các khu vực hành chính trên cả nước, yêu cầu đóng cửa các trường học và các cửa hàng. Lệnh cấm này có hiệu lực đến ngày 14/4 tới.
Trước tốc độ lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2 tại Malaysia, Đại sứ quán Việt Nam tại nước này từ ngày 28/3 đã thông báo một số vấn đề liên quan công tác bảo hộ công dân trong thời gian Malaysia áp dụng lệnh hạn chế đi lại.
Đại sứ quán nêu rõ chính quyền sở tại đã ban hành lệnh hạn chế đi lại từ ngày 18-31/3 và gia hạn đến ngày 14/4 tới. Đại sứ quán đề nghị công dân Việt Nam đang ở Malaysia chấp hành nghiêm chỉnh quy định sở tại như ở yên tại nơi cư trú, chỉ ra ngoài (không được phép đi 2 người trở lên) trong trường hợp khẩn cấp như mua thực phẩm, bị ốm đau. Trong trường hợp cần thiết phải di chuyển giữa các bang cần xin phép cảnh sát nơi cư trú.
Trong thông báo, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia nhấn mạnh tình hình dịch bệnh ở Malaysia và Việt Nam đang diễn biến phức tạp, do đó để tránh nguy cơ lây nhiễm và quá tải cho các cơ sở cách ly của Việt Nam, công dân Việt Nam tại Malaysia chưa nên về nước trong thời điểm hiện nay, trừ trường hợp cực kỳ cấp bách.
Bộ Y tế Singapore thông báo, trong 24h qua, nước này đã có thêm một ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại "Đảo quốc Sư tử" lên thành 3 trường hợp. Số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Singapore hiện là 844 người, tăng 42 ca so với một ngày trước.
Liên quan thông tin có khoảng 150 người Việt đang mắc kẹt tại Singapore muốn về nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore cho biết đã liên hệ với các cơ quan chức năng tại Singapore để yêu cầu hỗ trợ công dân Việt Nam về các thủ tục gia hạn thị thực (visa) và các giấy tờ liên quan tới việc cư trú tại Singapore. Phía Singapore đã khẳng định Cơ quan Di trú Singapore (ICA) sẽ hỗ trợ xét duyệt gia hạn visa ngắn hạn cho công dân Việt Nam.
Hết ngày 27/3, có khoảng 130 bà con người Việt, trong đó có một số người sang chữa bệnh, một số học sinh, sinh viên sắp kết thúc học, còn lại đa số là lao động ngắn hạn tại Singapore, đã liên hệ với Đại sứ quán đăng ký nguyện vọng muốn về nước trong thời gian tới. Đối với các công dân Việt Nam này, Đại sứ quán đã và đang tập hợp danh sách báo cáo về nước nguyện vọng của bà con cũng như tình hình các hãng hàng không hủy chuyến và sẽ thông tin sớm nhất đến bà con về các giải pháp.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng tuyên truyền mong các công dân Việt Nam tại Singapore thông cảm và chia sẻ áp lực về những nỗ lực phòng chống dịch của toàn dân và toàn chính phủ trong nước, thông tin tình hình các khu cách ly tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội hiện quá tải. Đại sứ quán cũng đề nghị bà con trong thời gian này giữ bình tĩnh, khuyến cáo bà con hạn chế di chuyển, tránh nơi đông người, thực hiện tốt vệ sinh phòng dịch cá nhân và nghiêm túc chấp hành các quy định của nước sở tại về phòng chống dịch.
Tại Lào, trước những diễn biến phức tạp và nguy hiểm của dịch COVID-19 trên toàn cầu, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith ngày 29/3 đã ban hành Chỉ thị số 06 yêu cầu tăng cường hơn nữa các hoạt động phòng chống và dập tắt sự lây lan của dịch bệnh.
Chỉ thị cho phép cán bộ, nhân viên, trừ những người làm ở các lực lượng vũ trang, điện lực, nước sạch, truyền thông, y tế… tạm nghỉ từ ngày 1-11/4/2020, sau đó tiếp tục nghỉ Tết cổ truyền của Lào đến hết ngày 19/4/2020; Cho phép các bộ, các cơ quan ngang bộ và chính quyền các địa phương trên cả nước tổ chức và hướng dẫn cho nhân viên làm việc của cơ quan tại nhà thông qua điện thoại, email, mạng xã hội, họp trực tuyến…; Cấm nhân dân, cán bộ, nhân viên, bộ đội, công an, học sinh, người kinh doanh, người nước ngoài… ở Lào ra khỏi nhà hoặc nơi cư trú, trừ trường hợp như ra ngoài mua thức ăn, mua các đồ dùng thiết yếu, đi bệnh viện hoặc đi làm ở các cơ quan, tổ chức vẫn được phép đi làm.
Với nông dân sản xuất nông nghiệp, vẫn cho phép đi làm nhưng phải chịu sự giám sát của chính quyền địa phương để tránh nguy cơ lây nhiễm; Cấm mọi cá nhân đi sang địa phương khác hoặc sang những địa phương đã có người mắc bệnh COVID-19 hay vùng có nguy cơ lây nhiễm, trừ những người được phép của chính quyền địa phương trong các trường hợp cần thiết như đi mua hàng, đi viện…
Tính tới ngày 29/3, Lào đã tiến hành xét nghiệm cho 311 trường hợp nghi mắc COVID-19, trong đó có 8 trường hợp cho kết quả dương tính.
Campuchia cùng ngày thông báo nước này ghi nhận thêm 4 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 103 trường hợp.
Tình hình dịch COVID-19 tại các nước thành viên ASEAN khác như Myanmar hay Timor Leste trong ngày không có biến động, không phát hiện thêm ca bệnh mới và hiện lần lượt có số người mắc COVID-19 là 8 và 1.