Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết ngày 8/6: Singapore tiếp đà giảm, Indonesia chưa hết 'nóng'

Theo thống kê của trang worldometers.info, trong 24 giờ qua các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 1.830 ca mắc bệnh COVID-19. Số ca nhiễm mới tại Singapore tiếp tục đà giảm, trong khi dịch vẫn diễn biến đáng ngại ở Indonesia, Philippines - hai quốc gia có ca tử vong và ca nhiễm mới vẫn ở mức cao.

Người dân đeo khẩu trang và mặt nạ bảo hộ phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 5/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân đeo khẩu trang và mặt nạ bảo hộ phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 5/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tính đến 23 giờ 59 phút ngày 8/6, khu vực Đông Nam Á ghi nhận có tổng cộng 105.136 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 3.102 ca tử vong, tăng 40 trường hợp so với một ngày trước đó. Khu vực cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 50.869 trường hợp.

Trong ngày 8/6, Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về cả số ca tử vong và số ca nhiễm virus mới. Trong khi đó, dịch có xu hướng giảm dần ở Singapore, với số lượng ca mắc COVID-19 mới xếp thứ ba, sau Indonesia, Philippines. Nhóm các nước gồm Việt Nam, Myanmar, Brunei, Campuchia, Timor Leste và Lào tiếp tục duy trì chuỗi ngày không ghi nhận các ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Singapore bảo đảm an toàn bầu cử giữa dịch COVID-19

Ngày 8/6, Cơ quan Bầu cử Singapore (ELD) đã công bố kế hoạch chi tiết về các biện pháp an toàn cho Ngày Đề cử và Ngày Bầu cử trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát với số bệnh nhân hiện là hơn 38.000 người.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Singapore ngày 2/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Singapore ngày 2/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Kế hoạch này nằm ngoài các điều khoản theo Đạo luật Bầu cử Quốc hội 2020 mới được thông qua, theo đó cho phép ELD được thực hiện các biện pháp đặc biệt, tạm thời để bảo đảm an toàn cho cử tri, các ứng cử viên và những cán bộ phụ trách bầu cử. ELD sẽ tăng số điểm bỏ phiếu từ 800 lên 1.100 để giảm lượng cử tri xuống còn 2.400-3.000 người/1 điểm bỏ phiếu, sắp xếp điểm bỏ phiếu đặc biệt cho cử tri đang phải cách ly do COVID-19, khuyến nghị khoảng thời gian đi bỏ phiếu cho các cử tri, cung cấp dịch vụ điện tử để cử tri kiểm tra mật độ người tại điểm bỏ phiếu trước khi tới,...

Trong bài phát biểu tối 7/6, Thủ tướng Lý Hiển Long đánh giá, đại dịch COVID-19 sẽ là thách thức dài hạn đối với Singapore, ít nhất là một năm, thậm chí lâu hơn cho tới khi có vắc-xin. Ông kêu gọi người dân Singapore "không nên lo sợ và nản lòng", đồng lòng cùng chính phủ đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Singapore vẫn diễn biến phức tạp, các ca lây nhiễm trong cộng đồng vẫn xuất hiện dù đã kết thúc gần hai tháng phong tỏa, đặc biệt đã có một số ca nhiễm trong học sinh sau khi trường học mở cửa trở lại. Ngày 8/6, Singapore ghi nhận 386 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 38.296 ca, trong đó có 25 ca tử vong.

Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay quốc tế Changi ở Singapore ngày 8/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay quốc tế Changi ở Singapore ngày 8/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Lực lượng đặc biệt phòng chống COVID-19 của Chính phủ Singapore cho biết ít nhất một nửa số ca nhiễm mới ở nước này không có triệu chứng mắc bệnh. Các ca nhiễm không có triệu chứng ít có cơ hội lây lan virus SARS-CoV-2 bởi người bệnh không ho hay hắt hơi.

Tuy nhiên, Singapore đã ghi nhận những ca lây nhiễm từ người nhiễm không có triệu chứng, đặc biệt giữa các bệnh nhân sống trong không gian khép kín.

Philippines không mở cửa lại trường học cho đến khi có vắc-xin

Bộ trưởng Giáo dục Philippines Leonor Briones ngày 8/6 nêu rõ: "Chúng tôi sẽ tuân thủ hướng dẫn của tổng thống về hoãn các lớp học trực diện cho đến khi có vắc-xin phòng bệnh". Ông cho biết thêm, các lớp học sẽ được nối lại vào cuối tháng Tám và giáo viên sẽ giảng dạy từ xa qua mạng Internet hoặc qua truyền hình trong trường hợp cần thiết.

Tính đến thời điểm hiện tại, Philippines có 22.474 ca mắc COVID-19 và 1.011 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 579 ca nhiễm mới và 8 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Trong khi đó, ngày 8/6, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Uttama Savanayana cho biết quốc gia Đông Nam Á này đang lên kế hoạch công bố các biện pháp kích thích bổ sung từ quý III để thúc đẩy tiêu dùng trong nước và du lịch trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp tác động mạnh tới nước này. Phát biểu trong một cuộc họp báo, quan chức này cho hay các biện pháp sẽ kích thích sức mua để tăng chi tiêu trong quý III và IV của năm nay.

Học sinh tại Thái Lan sẽ trở lại trường với các qui định về giãn cách. Ảnh: EPA-EFE

Học sinh tại Thái Lan sẽ trở lại trường với các qui định về giãn cách. Ảnh: EPA-EFE

Indonesia: Khôi phục hoạt động kinh doanh tại Jakarta

Ngày 8/6, các nhà hàng, cửa hiệu và dịch vụ giao thông vận tải đã hoạt động trở lại tại thủ đô Jakarta của Indonesia, trong bối cảnh các biện pháp hạn chế đã được nới lỏng dù quốc gia Đông Nam Á này vẫn ghi nhận số ca nhiễm bệnh COVID-19 tăng cao.

Các văn phòng ở Jakarta - tâm dịch của Indonesia, đang vận hành song giới hạn số lượng nhân viên, trong khi khung cảnh giao thông tắc nghẽn đã quay trở lại khi nhiều phương tiện như ô tô, xe máy đổ ra đường. Sau 2 tháng các loại hình kinh doanh ngừng hoạt động, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đã được nhiều người dân vui mừng đón nhận. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán của Indonesia đã tăng tới 2,5% và đạt mức cao nhất trong 3 tháng qua trong bối cảnh các nhà đầu tư phấn khởi chào đón các hoạt động kinh doanh vận hành trở lại.

Tuy nhiên, Indonesia vẫn là quốc gia bên ngoài Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 tại khu vực Đông và Đông Nam Á với 32.033 ca mắc và 1.883 ca tử vong. Indonesia không áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, song các thành phố được phép quyết định áp đặt các biện pháp hạn chế, song không phải mọi người dân đều tuân theo.

Cảnh sát và quân đội kiểm tra người đi xe máy tại tỉnh biên giới Batangas, Philippines, ngày 20/5/2020. Ảnh: Rappler

Cảnh sát và quân đội kiểm tra người đi xe máy tại tỉnh biên giới Batangas, Philippines, ngày 20/5/2020. Ảnh: Rappler

Thái Lan không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng

Ngày 8/6, Thái Lan cho biết nước này ghi nhận thêm 7 ca mắc bệnh COVID-19, tất cả đều là trường hợp "nhập khẩu", và không có ca tử vong mới nào. Theo đó, trong vòng 2 tuần qua, Thái Lan không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng nào.

Người phát ngôn Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) Taweesin Wisanuyothin cho biết trong vòng 14 ngày qua, nước này đã ghi nhận 77 ca mới, đều là những người đến từ nước ngoài. Hiện tổng số ca bệnh ở Thái Lan là 3.119 ca, trong đó 58 ca tử vong.

Người dân đeo khẩu trang đi lại ở Bangkok. Ảnh: Straits Times

Người dân đeo khẩu trang đi lại ở Bangkok. Ảnh: Straits Times

Campuchia ban hành bộ quy tắc nhằm kích cầu du lịch

Nhật báo Khmer Times ngày 8/6 đưa tin Bộ Du lịch Campuchia thông báo sẽ áp dụng một bộ quy tắc thực hiện các biện pháp an toàn đối với các doanh nghiệp vận tải đường bộ và đường thủy nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và đảm bảo an toàn cho khách du lịch đến Campuchia. Các biện pháp sẽ được thực hiện ngay khi có thông báo chỉ đạo.

Cụ thể, các nhà cung cấp tour du lịch được khuyến cáo trang bị các thiết bị vệ sinh tại bãi đỗ xe, bên trong các phương tiện vận tải để đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Điều kiện an toàn và vệ sinh theo yêu cầu của Bộ Du lịch Campuchia bao gồm một số biện pháp như thường xuyên vệ sinh ghế ngồi, quầy bán vé và khu vực bên trong các phương tiện, tàu, thuyền..., nhất là những nơi tiếp xúc nhiều người như quầy bán vé phải có cồn hoặc gel khử trùng. Các biện pháp cũng bao gồm tiến hành phun thuốc khử trùng hành lý, niêm phong khu vực chỗ ngồi, duy trì khoảng cách an toàn cho hành khách ít nhất 1,5 mét, thực hiện đo thân nhiệt và phun cồn khử trùng xung quanh khách du lịch và hành khách trước khi vào xe.

Nhân viên khách sạn ở Kuala Lumpur vệ sinh vách ngăn bằng kính. Ảnh: Straits Times

Nhân viên khách sạn ở Kuala Lumpur vệ sinh vách ngăn bằng kính. Ảnh: Straits Times

Malaysia: Du lịch có dấu hiệu hồi phục nhanh

Trong khi đó, ngành du lịch Malaysia đang có dấu hiệu phục hồi nhanh chóng sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng. Việc Thủ tướng Malaysia Muhyddin Yassin công bố lệnh giới hạn đi lại giai đoạn phục hồi (RMCO) đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi của du lịch nội địa mà minh chứng rõ ràng là tỷ lệ đặt phòng khách sạn gia tăng nhanh chóng. Mục tiêu mà Hiệp hội Du lịch Langkawi đặt ra là thu hút 1 triệu du khách trong thời gian từ ngày 19/6 tới hết năm 2020.

Malaysia chỉ ghi nhận 7 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày 8/6. Ảnh: Straits Times

Malaysia chỉ ghi nhận 7 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày 8/6. Ảnh: Straits Times

Dịch COVID-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng nặng nề tới ngành du lịch của quốc gia Đông Nam Á. Là quốc gia chủ nhà năm APEC 2020, Malaysia đã đề ra chương trình “Tới thăm Malaysia 2020” (Visit Malaysia 2020) với mục tiêu thu hút 30 triệu du khách quốc tế và doanh thu du lịch đạt 100 tỷ Ringgit Malaysia, tập trung vào du lịch sinh thái, nghệ thuật và văn hóa. Với việc áp dụng RMCO, Chính phủ Malaysia hướng tới thúc đẩy du lịch nội địa nhằm phục hồi kinh tế, hạn chế và khắc phục ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra.

Trong khi đó, ngày 8/6, Malaysia ghi nhận 7 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 8.329 ca trong khi số ca tử vong vẫn là 117 ca. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày thấp nhất kể từ khi nước này áp đặt hạn chế đối với hoạt động đi lại và kinh doanh hồi tháng Ba.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/tinh-hinh-covid19-tai-asean-het-ngay-86-singapore-tiep-da-giam-indonesia-chua-het-nong-20200608180747984.htm