Tình hình COVID-19: Thế giới có hơn 268 triệu ca mắc

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 9/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 268.068.322 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.294.421 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 241.266.095 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 813.846 ca tử vong trong tổng số 50.416.207 ca mắc, tiếp đó là Ấn Độ với 473.952 ca tử vong trong số 34.665.096 ca mắc. Brazil đứng thứ 3 với 616.298 ca tử vong trong số 22.167.781 ca mắc.

Trong bối cảnh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang lây lan ra nhiều quốc gia, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi chính phủ các nước cần đánh giá lại các biện pháp ứng phó quốc gia đối với đại dịch COVID-19 và tăng tốc các chương trình tiêm chủng nhằm giảm đà lây lan của biến thể này.

Ông nhận định việc biến thể Omicron lây lan toàn cầu có thể tác động lớn đến đại dịch COVID-19 và cần phải kiểm soát ngay trước khi có thêm nhiều bệnh nhân mắc biến thể mới phải nhập viện. Theo WHO, tất cả các nước cần tăng cường giám sát, xét nghiệm, giải trình tự gene và "bất kì sự tự mãn nào cũng phải trả giá bằng mạng sống””.

Bên cạnh đó, người đứng đầu WHO cũng cho rằng hiện còn quá sớm để đánh giá mức độ hiệu quả bảo vệ của các loại vắc xin hiện hành đối với biến thể mới, khi lưu ý về bằng chứng ban đầu của Pfizer/BioNTech về hiệu quả của vắc xin do hai hãng này phát triển đối với Omicron.

Trước đó cùng ngày, hai hãng dược phẩm của Đức và Mỹ khẳng định kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy việc tiêm mũi vắc xin tăng cường của hãng có thể trung hòa biến thể mới. Cũng cảnh báo không nên kết luận vội vàng từ kết quả thử nghiệm trên, nhà khoa học hàng đầu của WHO Soumya Swaminathan cho rằng hiện còn quá sớm để khẳng định việc giảm kháng thể trung hòa có nghĩa vắc xin kém hiệu quả hơn.

Phát biểu tại cùng cuộc họp báo, bà Soumya Swaminathan khẳng định cần phải có thêm nghiên cứu mang tính phối hợp toàn cầu về việc phát triển vắc xin. Dự kiến WHO sẽ công bố đánh giá của cơ quan này về mũi tiêm vắc xin tăng cường trong vài ngày tới, dù theo cơ quan y tế Liên Hợp Quốc, tỉ lệ tiêm chủng vắc xin vẫn đang ở mức thấp đáng lo ngại tại phần lớn các quốc gia đang phát triển, do vậy, việc tiêm chủng đủ liều, chứ không phải mũi tăng cường, mới là ưu tiên chính.

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson thông báo khởi động "Kế hoạch B" cho vùng England nhằm ngăn chặn đà lây lan của biến thể Omicron. Cụ thể, từ ngày 12/12, người dân có thể làm việc từ ở nhà nếu có thể.

Trong khi đó, từ ngày 10/12, yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc sẽ được mở rộng đều hầu hết các địa điểm đông người trong nhà như rạp hát hay rạp chiếu phim. Bên cạnh đó, chứng nhận tiêm chủng vắc xin sẽ là yêu cầu bắt buộc để có đến hộp đêm và các địa điểm tập trung đông người. Hiện chứng nhận tiêm chủng vắc xin vẫn có hiệu lực với người đã tiêm đủ 2 mũi, song nhà chức trách sẽ đánh giá lại vấn đề này khi chương trình tiêm chủng mũi tăng cường đang được triển khai.

Trong diễn biến khác, Phó Thủ tướng Úc Barnaby Joyce đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 tại thủ đô Washington D.C. của Mỹ, khi đang có chuyến công du ở nước này. Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, thông báo ngày 9/12 của Văn phòng của Phó Thủ tướng Úc cho biết ông Joyce đã xuất hiện "các triệu chứng nhẹ" trước khi quyết định đi xét nghiệm.

Ông Joyce đang có chuyến công du nước ngoài 10 ngày, vừa kết thúc chuyến thăm Anh trước khi bay tới Mỹ. Hồi đầu tuần, ông Joyce đã có các cuộc gặp với Phó Thủ tướng Anh Dominic Raab và Bộ trưởng Giao thông Vận tải Grant Shapps.

Ông Joyce đã được tiêm chủng đầy đủ và sẽ phải cách ly cho đến khi có thông báo mới. Trong khi đó, các thành viên khác của đoàn Phó Thủ tướng Úc đều cho kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi nước này đã triệu tập các chuyên gia cố vấn y tế để thảo luận các biện pháp ứng phó với một làn sóng lây nhiễm mới có thể xảy ra. Hội nghị đã thống nhất cần phải tăng cường công tác rà soát, xét nghiệm để sớm phát hiện các ca mắc biến thể Omicron, đặc biệt đối với người có tiền sử dịch tễ ở nước ngoài trở lại Nhật Bản.

Cụ thể, bên cạnh việc hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài, các trường hợp có tiền sử dịch tễ ở nước ngoài, mới trở về nước cần phải được rà soát và xét nghiệm triệt để nhằm sàng lọc ra các ca nhiễm biến thể Omicron có thể lây lan trong cộng đồng. Các chuyên gia đã nhấn mạnh nguy cơ tái bùng phát làn sóng lây nhiễm tiếp theo là khá cao, đặc biệt do biến thể Omicron trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tại Nhật Bản đã có dấu hiệu tăng so với tuần trước.

Theo số liệu thống kê mới nhất, số ca mới trung bình trong tuần qua đã tăng 1,11 lần so với một tuần trước đó, đáng chú ý là số ca mắc mới nhưng không rõ nguồn lây đang tăng lên. Bộ trên cũng xác nhận ca nhiễm biến thể Omicron thứ 4 là một người trở về từ Nigeria ngày 4/12. Người này có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 khi xét nghiệm tại sân bay quốc tế Narita nhưng hiện không có triệu chứng gì và đã từng tiêm 2 mũi vắc xin của hãng Pfizer vào tháng 10.

Singapore từ ngày 7/12 đã dừng việc công bố thông cáo báo chí thống kê tình hình lây nhiễm COVID-19 hàng ngày, đồng thời sẽ theo dõi số ca mắc tăng theo tuần để xác định mức độ lây lan. Bộ Y tế Singapore cho biết quyết định trên căn cứ vào việc số ca mắc mới tại nước này đang giảm.

Bộ Y tế Singapore cho biết người dân có thể theo dõi thông tin về tình hình dịch COVID-29 qua trang web của Bộ, qua đó có thể tra cứu thông tin về công suất của bệnh viện, tình trạng các ca mắc COVID-19, tiến trình tiêm chủng cùng những diễn biến quan trọng như thông tin về biến thể Omicron.

Theo thông báo của Bộ Y tế Singapore, cơ quan này sẽ giám sát tỉ lệ tăng ca nhiễm theo tuần để xác định tốc độ lây lan của virus trong cộng đồng. Theo đó, các đợt lây nhiễm giảm và số ca mắc bắt đầu ổn định, tỉ lệ này sẽ tiệm cận 1. Nếu tỉ lệ này tăng nhanh hơn 1, đồng nghĩa virus đang lây lan nhanh hơn và tiềm ẩn một đợt bùng phát mới.

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, Trung tâm Kiểm soát Dược phẩm, Thiết bị và Dụng cụ Y tế Cuba (CECMED) ngày 7/12 đã phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vắc xin Soberana Plus do nước này tự phát triển và sản xuất cho đối tượng trẻ em trên hai tuổi đang điều trị COVID-19 tại nhà hoặc đã xuất viện được hai tháng.

Kết quả sơ bộ của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II ở trẻ em và thanh thiếu niên đang dưỡng bệnh sau khi mắc COVID-19 cho thấy việc sử dụng một liều duy nhất vắc xin Soberana Plus là an toàn và góp phần tăng cường miễn dịch giúp chống lại nguy cơ tái nhiễm virus SARS-CoV-2.

CECMED cho biết đã tiến hành kiểm tra tại các địa điểm thực hiện thử nghiệm lâm sàng, xác minh việc tuân thủ Thực hành lâm sàng tốt trong quá trình thực hiện thử nghiệm. Cuba đã áp dụng một liều Soberana Plus kể từ cuối tháng 9 cho người mắc COVID-19 trên 19 tuổi đang trong thời kỳ phục hồi.

Cuba đã hoàn thành tiêm chủng ngừa COVID-19 cho hơn 83% dân số với các loại vắc xin nội địa Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus, đồng thời triển khai tiêm liều tăng cường cho 440.808 người, bao gồm nhân viên y tế tuyến đầu và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy hơn 90% người dân Cuba đã được bảo vệ với ít nhất 1 mũi vắc xin do nước này tự sản xuất, đưa Cuba trở thành nước có tỉ lệ dân số được tiêm ngừa COVID-19 cao nhất khu vực Mỹ Latin và đứng thứ ba trên thế giới, sau Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất và Singapore.

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/268409/tinh-hinh-covid-19--the-gioi-co-hon-268-trieu-ca-mac.html