Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến sáng 14-4

Thế giới có hơn 1,9 triệu người nhiễm COVID-19. Philippines vượt Malaysia về số bệnh nhân COVID-19. Cảnh sát Ecuador thu gom gần 800 thi thể từ tâm dịch ở nước này.

Tính đến 6 giờ 20 phút ngày 14-4, trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới119.560 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 1.922.195 ca nhiễm.

Như vậy so với tối 13-4, số ca tử vong tăng 4.316 ca, số ca nhiễm tăng 55.735 ca.

Ngoài ra, toàn thế giới hiện có 443.829 người được chữa khỏi, tăng 9.914 người so với số liệu tối 13-4.

10 quốc gia có số người tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới gồm: Mỹ (23.592), Ý (20.465), Tây Ban Nha (17.756), Pháp (14.967), Anh (11.329), Iran (4.585), Bỉ (3.903), Trung Quốc (3.341), Đức (3.194), Hà Lan (2.823).

10 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới: Mỹ (585.469), Tây Ban Nha (170.099), Ý (159.516), Pháp (136.779), Đức (130.072), Anh (88.621), Trung Quốc (82.160), Iran (73.303), Thổ Nhĩ Kỳ (61.049), Bỉ (30.589).

Mỹ: Bang New York hơn 10.000 ca tử vong

Thống đốc bang New York - ông Andrew Cuomo ngày 13-4 cho biết bang tâm dịch COVID-19 lớn nhất tại Mỹ này ghi nhận thêm 671 người tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại New York lên 10.056.

Đây là số ca tử vong thấp nhất trong một ngày ở New York kể từ ngày 5-4. Số ca tử vong cao nhất trong một ngày là 799 được ghi nhận vào ngày 9-4.

Đại lộ Park Avenue ở New York gần như vắng bóng người. Ảnh: Anadolu

Đại lộ Park Avenue ở New York gần như vắng bóng người. Ảnh: Anadolu

Dù vậy, với số ca tử vong xuống thấp hơn mức đỉnh điểm của tuần trước trong ngày thứ tư liên tiếp và số ca nhập viện mới ở mức thấp nhất trong hai tuần, ông Cuomo nói: "Điều tồi tệ nhất qua rồi. Tôi tin rằng bây giờ chúng ta có thể bắt đầu con đường bình thường".

Ông Cuomo cảnh báo rằng dịch có thể bùng phát trở lại nếu các biện pháp ngăn chặn được dỡ bỏ quá nhanh. Ông Cuomo yêu cầu 19,5 triệu dân New York tiếp tục tuân thủ các hướng dẫn giãn cách xã hội. Ông nói rằng chỉ cần có các hành vi liều lĩnh trong hai hoặc ba ngày thì có thể bùng phát một cuộc chiến mới chống COVID-19.

Ông cũng cho biết thêm ông sẽ trao đổi với thống đốc của các bang lân cận để bàn về kế hoạch mở cửa trở lại.

Tổng Y sĩ Mỹ Jerome Adams cho hay một số điểm nóng của dịch COVID-19 tại Mỹ gồm: New York, New Jersey, Detroit và New Orleans dường như đang chứng kiến các ca nhiễm chững lại, thậm chí có xu hướng giảm xuống.

“Giữa thảm kịch vẫn có hy vọng. Giãn cách xã hội và các biện pháp giảm thiểu đang hiệu quả. Có ánh sáng ở cuối đường hầm đen tối này” - ông Adams viết trên Twitter.

Ông Adams nói thêm Mỹ phải tiếp tục cố gắng.

Ý có hơn 20.000 người tử vong vì COVID-19

Cơ quan bảo vệ dân sự Ý ngày 13-4 cho biết Ý có thêm 566 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người đã qua đời tại đây lên 20.465. Đây cũng là nước đứng thứ hai thế giới về số người chết do COVID-19 sau Mỹ.

Ý cũng báo cáo 3.153 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại đây lên 159.516.

Một thành viên của Hội Chữ thập đỏ Ý đi qua một con hẻm ở Bergamo, Ý. Ảnh: GETTY

Một thành viên của Hội Chữ thập đỏ Ý đi qua một con hẻm ở Bergamo, Ý. Ảnh: GETTY

Đáng chú ý, số bệnh nhân cần chăm sóc tích cực đã giảm từ đỉnh điểm là 4.068 ca hôm 3-4 xuống còn 3.260 ca hôm 13-4.

Quốc gia Địa Trung Hải này tuần trước thông báo kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 3-5.

Quyết định này được các bác sĩ ủng hộ nhưng vấp phản đối từ các doanh nghiệp vì cho rằng có thể họ sẽ không tồn tại được nếu không hoạt động thêm ba tuần nữa.

Ý sẽ cho hoạt động trở lại các cửa hàng bán sách và giặt ủi trên cơ sở thử nghiệm vào ngày 14-4 nhằm đánh giá xem các biện pháp giãn cách xã hội có thể được thực thi hiệu quả như thế nào trong tương lai.

300.000 người trở lại làm việc ở Madrid khi Tây Ban Nha nới lỏng phong tỏa

Một phát ngôn viên của chính quyền khu vực vùng Madrid nói với đài CNN rằng khoảng 300.000 người lao động trong các lĩnh vực không thiết yếu đã đi làm trở lại ở vùng Madrid hôm 13-4.

Bất chấp việc có thêm hàng trăm ca nhiễm mỗi ngày, chính quyền Tây Ban Nha đã nới lỏng một số biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và một số doanh nghiệp bao gồm các lĩnh vực xây dựng và sản xuất hoạt động trở lại.

Một nhân viên y tế chuẩn bị thuốc cho một bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Badalona, Tây Ban Nha. Ảnh: AP

Một nhân viên y tế chuẩn bị thuốc cho một bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Badalona, Tây Ban Nha. Ảnh: AP

Với việc Tây Ban Nha bước vào tháng thứ hai phong tỏa, những công ty không thể hoạt động từ xa được phép nối lại hoạt động. Điều này vấp chỉ trích từ một số nhà lãnh đạo khu vực do lo ngại dịch COVID-19 có thể bùng phát trở lại.

Phần lớn người dân vẫn được yêu cầu không ra khỏi nhà. Các cửa hàng, quán bar và những nơi công cộng vẫn đóng cửa cho tới ít nhất ngày 26-4.

Thủ tướng Pedro Sánchez hôm 12-4 cho hay Tây Ban Nha vẫn kiên quyết duy trì lệnh phong tỏa bất chấp có nới lỏng một số hạn chế cho những người lao động trong lĩnh vực không thiết yếu.

Việc nới lỏng phong tỏa một phần được đưa ra sau khi nước này ghi nhận thêm 517 người chết vì COVID-19 hôm 13-4, giảm so với 619 ca ngày trước đó.

Hiện Tây Ban Nha có 170.099 bệnh nhân COVID-19, trong đó 17.756 người đã tử vong.

Ecuador: Cảnh sát thu gom gần 800 thi thể từ tâm dịch COVID-19 ở nước này

Theo hãng tin AFP, Ecuador ngày 13-4 cho biết cảnh sát đã thu gom gần 800 thi thể từ các ngôi nhà ở TP Guayaquil, thủ phủ tỉnh Guayas - tâm điểm của dịch COVID-19 ở nước này trong những tuần gần đây sau khi hệ thống nhà xác quá tải.

“Số thi thể chúng tôi thu gom từ các ngôi nhà của người dân vượt qua con số 700” - ông Jorge Wated, người dẫn đầu nhóm cảnh sát và quân nhân do chính phủ Ecuador lập ra để hỗ trợ ứng phó hỗn loạn do COVID-19 gây ra, cho biết.

Trong nghĩa địa Jardines de Esperanza ở TP Guayaquil, tỉnh Guayas của Ecuador, các cỗ quan tài tiếp tục được khiêng đến để chôn cất. Ảnh: GETTY

Trong nghĩa địa Jardines de Esperanza ở TP Guayaquil, tỉnh Guayas của Ecuador, các cỗ quan tài tiếp tục được khiêng đến để chôn cất. Ảnh: GETTY

Ông Wated sau đó viết trên Twitter rằng nhóm này đã thu gom 771 thi thể từ nhiều ngôi nhà và 631 thi thể từ những bệnh viện có nhà xác quá tải. Ông Wated không nói rõ nguyên nhân gây ra cái chết của số người nói trên. 600 thi thể trong số đó đã được nhà chức trách chôn cất.

Tỉnh ven biển Guayas chiếm hơn 70% ca nhiễm tại nước này, trong đó 4.000 ca là tại Guayaquil, theo chính phủ trung ương.

Quân đội và cảnh sát bắt đầu thu gom thi thể từ nhiều ngôi nhà khoảng ba tuần sau khi hệ thống nhà xác ở Guayaquil không còn chỗ chứa.

Nhiều cư dân ở Guayaquil đã đưa lên mạng xã hội hàng loạt video quay cảnh thi thể bị bỏ lại trên đường kèm theo lời kêu gọi hỗ trợ chôn cất người thân của họ.

Hồi đầu tháng 4, ông Wated cho biết giới chuyên gia y tế dự đoán số ca tử vong có liên quan đến COVID-19 ở tỉnh Guayas sẽ tăng lên từ 2.500-3.500 ca.

Ecuador hiện có 7.500 ca nhiễm kể từ khi nước này xác nhận ca nhiễm đầu tiên hôm 29-2. Đến nay 333 người đã được xác nhận tử vong do COVID-19 tại nước này.

Đông Nam Á: Philippines vượt Malaysia về số ca nhiễm

Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này tối 13-4 thông báo thêm 134 ca nhiễm và một ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 4.817 và ca tử vong lên 77.

Tại Philippines, Bộ Y tế nước này tối 13-4 ghi nhận thêm 18 ca tử vong và 284 ca nhiễm, nâng tổng số người chết do COVID-19 lên 315 và tổng ca nhiễm lên 4.932.

Một người đeo khẩu trang đứng đối diện một đền thờ Hồi giáo ở khu phố Tàu (Chinatown) của Singapore để cầu nguyện. Ảnh: AFP

Một người đeo khẩu trang đứng đối diện một đền thờ Hồi giáo ở khu phố Tàu (Chinatown) của Singapore để cầu nguyện. Ảnh: AFP

Như vậy, với các con số này Philippines đã vượt Malaysia trở thành quốc gia có số bệnh nhân COVID-19 cao nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Tại Indonesia, quan chức Bộ Y tế Achmad Yurianto cho biết Indonesia ngày 13-4 có thêm 316 ca nhiễm và 26 ca tử vong do COVID-19. Như vậy, tổng số ca nhiễm và ca tử vong tại Indonesia đến nay lần lượt là 4.557 và 399. Indonesia hiện là nước có số người chết vì COVID-19 cao nhất Đông Nam Á.

Tại Thái Lan, phát ngôn viên Taweesin Wisanuyothin của Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 thuộc chính phủ Thái Lan cho hay nước này hôm 13-4 ghi nhận hai ca tử vong và 28 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm lần lượt lên 40 và 2.579 ca.

Tại Singapore, Bộ Y tế nước này tối 13-4 báo cáo thêm 386 ca nhiễm - mức tăng cao nhất trong một ngày tại nước này, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại đây lên 2.918. Singapore cũng có thêm một ca tử vong, nâng số người chết vì COVID-19 tại đây lên 9.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/tinh-hinh-dai-dich-covid19-tinh-den-sang-144-905370.html