Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến tối 26-3
G7 bất đồng về cách gọi tên virus gây dịch COVID-19. Một số ca bệnh ở Trung Quốc dương tính trở lại sau khi được chữa khỏi. Singapore chi tiền hỗ trợ người dân phải ở nhà để chống dịch.
Tính đến 7 giờ 30 tối 26-3, báo South China Morning Post thống kê toàn thế giới có 21.464 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 468.680 ca nhiễm.
Như vậy, so với trưa cùng ngày, số ca tử vong tăng 850 người, số ca nhiễm tăng 11.938 người. Hiện đại dịch đã lan ra 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.
South China Morning Post cũng cho biết có 105.709 bệnh nhân trên khắp thế giới đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng bốn người so với trưa cùng ngày.
Có 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có người chết vì COVID-19, trong đó năm nước có số ca tử vong cao hơn 1.000 người là Ý (7.503 ca), Tây Ban Nha (4.089 ca), Trung Quốc (3.287 ca), Iran (2.234 ca) và Pháp (1.331 ca).
Có bảy quốc gia khác ghi nhận hơn 100 ca tử vong và 25 quốc gia, vùng lãnh thổ khác có 10-100 ca tử vong.
Các ngoại trưởng G7 không thể có tuyên bố chung
Ngày 26-3, hội nghị trực tuyến giữa ngoại trưởng các nước G7 về đại dịch COVID-19 đã không thể đưa ra tuyên bố chung do Mỹ kiên quyết sử dụng cụm từ "virus Vũ Hán" và cáo buộc Trung Quốc che giấu thông tin dịch bệnh, đài CNN đưa tin.
Sau nhiều giờ thảo luận, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo - nước được coi là chủ nhà của hội nghị - cùng với người đồng cấp các nước Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Anh đã không thể thống nhất quan điểm.
Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức gọi tên đại dịch là COVID-19 và chủng virus gây bệnh là SARS-CoV-2, Mỹ vẫn chuẩn bị cho hội nghị tập tài liệu 12 trang và gọi chủng virus đó là "virus Vũ Hán". Washington cũng cáo buộc Bắc Kinh đang có "chiến dịch tuyên truyền sai lệch" về dịch bệnh này.
Các quan chức Trung Quốc đã nêu ra một số cáo buộc rằng quân đội Mỹ đã mang mầm bệnh đến Trung Quốc. Trong khi một chuyên gia người Ý cho rằng rất có thể dịch bệnh đã xuất hiện ở vùng Lombardy của nước này trước khi nó bùng phát ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc, cùng với Nga và Iran, đang cố gắng lan truyền những thông tin sai lệch này.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã ký vào một tuyên bố chung của các bộ trưởng Tài chính G7 và tuyên bố chung của người đứng đầu nhà nước của các quốc gia G7 đã không đề cập đến tên gọi “virus Vũ Hán”.
Câu hỏi "tái nhiễm" sau khi được chữa khỏi COVID-19
Các bác sĩ ở TP Vũ Hán cho biết khoảng 3%-10% số bệnh nhân nhiễm COVID-19 sau khi xuất viện lại cho kết quả xét nghiệm dương tính, South China Morning Post đưa tin.
Các bác sĩ tại BV Đồng Tế ở Vũ Hán nói trên đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV rằng sau quá trình giám sát họ chưa tìm thấy nguồn lây nhiễm mới đối với những người này.
BS Vương Uy, Giám đốc BV Đồng Tế, cho biết trong số 147 bệnh nhân đã xuất viện được theo dõi, có năm người (tương đương hơn 3%) được phát hiện sự có mặt của acid nucleic của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.
Tuy nhiên, họ không có triệu chứng của bệnh, người nhà và những người tiếp xúc trực tiếp với họ đều không bị nhiễm bệnh. Do đó, các bác sĩ cho rằng không có bằng chứng thuyết phục để nói các bệnh nhân này bị tái nhiễm từ một ai khác.
Trong khi đó, tạp chí Life Times - phụ san chuyên về y tế của Nhật Báo Nhân Dân - đưa tin các cơ sở cách ly ở Vũ Hán báo cáo có 5%-10% số bệnh nhân đã hồi phục lại cho kết quả dương tính với COVID-19.
Các trường hợp này làm dấy lên câu hỏi về việc kit xét nghiệm acid nucleic của Trung Quốc có thực sự chính xác trong việc phát hiện dấu vết của virus ở những bệnh nhân đã hồi phục.
Sau Thái Lan, Singapore hỗ trợ tiền mặt để dân ở nhà phòng dịch COVID-19
Phát biểu trước Quốc hội chiều 26-3, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Vương Thụy Kiệt công bố gói giải cứu thứ hai trị giá 48 tỉ SGD hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đối phó với đại dịch COVID-19. Trước đó, gói giải cứu thứ nhất đã được công bố hôm 18-2, theo tờ The Straits Times.
Người Singapore làm nghề tự do nhưng có nộp thuế cho nhà nước sẽ nhận được 1.000 SGD tiền mặt mỗi tháng trong chín tháng.
Tất cả người trưởng thành ở Singapore (từ 21 tuổi trở lên) đều sẽ được nhận từ 300, 600 hoặc 900 SGD/tháng, tùy thu nhập hiện tại. Các gia đình có ít nhất một con từ 20 tuổi trở xuống sẽ được nhận thêm 300 SGD/tháng.
Chính phủ cũng chi hơn 190 triệu SGD để hỗ trợ người lao động tự do và những người thất nghiệp. Khoản trợ cấp cho người lao động có thu nhập thấp cũng tăng cao, từ mức 100 SGD lên 3.000 SGD.
Ngoài ra, chính phủ Singapore cũng sẽ tăng khoản hỗ trợ các doanh nghiệp chi trả lương cho công nhân, tạo công ăn việc làm và đào tạo nghề cho người dân.
Trước đó, Thái Lan cũng thông qua gói giải cứu kinh tế, hỗ trợ những người không tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội 5.000 baht/tháng (hơn 3,5 triệu đồng) trong vòng ba tháng khi họ buộc phải ở nhà vì dịch COVID-19.
Người dân và các doanh nghiệp được cung cấp các khoản vay ưu đãi, được miễn hoặc hoãn một số loại thuế. Chính phủ Thái Lan cũng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người dân.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/tinh-hinh-dai-dich-covid19-tinh-den-toi-263-900119.html