Tình hình dịch bệnh COVID-19 đến ngày 5/3: Gần 2,6 triệu ca tử vong

Cộng hòa Czech là quốc gia có tỉ lệ tử vong cao nhất - Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 5/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 116.203.009 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.580.636 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 91.877.152 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 533.488 ca tử vong trong tổng số 29.522.106 ca nhiễm, tiếp đó là Ấn Độ với 157.584 ca tử vong trong số 11.173.572 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 261.188 ca tử vong trong số 10.796.506 bệnh nhân.

Tính theo tỉ lệ dân số, Cộng hòa Czech là quốc gia có tỉ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 197 người tử vong. Tiếp đến là Bỉ với 191 người và Slovenia 186 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 38 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 863.700 ca tử vong, tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 687.100 ca tử vong trong hơn 21,6 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 541.100 ca tử vong trong hơn 29,6 triệu ca nhiễm.

Châu Á ghi nhận hơn 258.000 ca tử vong trong hơn 16,2 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 105.000 ca tử vong, châu Phi có hơn 104.600 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại dương là 951 người.

Trong bối cảnh Brazil liên tục ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao kỷ lục những ngày gần đây, chính quyền TP Rio de Janeiro đã ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm và một số hạn chế nghiêm ngặt khác đối với các hoạt động kinh doanh và sự kiện công cộng nhằm ngăn chặn nguy cơ quá tải hệ thống y tế trước làn sóng thứ 2 của đại dịch COVID-19.

Lệnh giới nghiêm sẽ được áp dụng từ 23 giờ ngày hôm trước tới 5 giờ sáng hôm sau trong thời gian từ ngày 5-11/3. Trong thời gian này, các quán bar và nhà hàng chỉ được mở cửa từ 6h00-17h00 hàng ngày với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Các sự kiện giải trí, hội chợ và hoạt động tại bãi biển bị tạm dừng cho tới khi có thông báo mới.

Bang Sao Paulo cũng tuyên bố quay trở lại "giai đoạn đỏ" với việc chỉ cho phép các dịch vụ y tế, lương thực, vận tải công cộng và trường học mở cửa. Một số địa phương khác như thủ đô Brasilia, các bang Mato Grosso, Pernambuco, Rondonia và Acre cũng hạn chế hoặc giới hạn thời gian hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngoại trừ các dịch vụ cơ bản.

Trong khi đó, theo báo cáo của Ủy Ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe (CEPAL) của Liên Hợp Quốc (LHQ), đại dịch COVID-19 đã khiến số người nghèo đói tại khu vực Mỹ Latin tăng lên 209 triệu người trong năm 2020, tương đương 33,7% dân số của khu vực này và đây là tỉ lệ nghèo đói cao nhất được ghi nhận trong 12 năm qua.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, báo cáo Toàn cảnh xã hội Mỹ Latin 2020 của CEPAL chỉ ra rằng số người nghèo đói trong khu vực này đã tăng 22 triệu so với năm 2019. Số người nghèo cùng cực là khoảng 78 triệu người, chiếm tỉ lệ 12,5% và là mức cao nhất trong 20 năm trở lại đây.

Thư ký điều hành CEPAL Alicia Bárcena cho biết, khoảng 80% người dân Mỹ Latin thuộc diện dễ bị tổn thương với thu nhập dưới mức nghèo khổ, do đó các chính phủ trong khu vực cần thúc đẩy các hệ thống bảo trợ xã hội.

Cũng theo báo cáo của CEPAL, đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm các vấn đề cấu trúc của khu vực Mỹ Latin, gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong 120 năm qua ở khu vực này với GDP giảm 7,7% trong năm 2020, đưa GDP bình quân đầu người trở về mức của 10 năm trước đó.

Đại dịch cũng đã khiến tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ Latin lên đến 10,7%, tăng 2,6% so với năm 2019. Những nước có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất là Peru (39,5%), Colombia (21,8%), Argentina (20,9%) và Costa Rica (20,1%).

CEPAL dự báo GDP của Mỹ Latin sẽ tăng trưởng 3,7% trong năm 2021 và phải tới năm 2024 khu vực này mới phục hồi hoạt động kinh tế về mức của năm 2019.

Tại châu Phi, Viện Pasteur của Algeria cho biết nước này đã phát hiện thêm 6 ca mắc biến thể virus phát hiện ở Anh, nâng tổng số ca mắc biến thể loại này ở Algeria lên 8. Cả 6 ca mắc mới đều là những người đang được cách ly ở hai địa phương El-Kettar và Rouiba.

Tính tổng cộng, đến nay nước này đã ghi nhận 113.761 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.002 ca không qua khỏi và 78.672 ca đã được xuất viện. Hiện Algeria xếp thứ 8 trong 10 quốc gia châu Phi có số ca mắc COVID-19 cao nhất ở châu lục, lần lượt sau các nước Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập, Ethiopia, Nigeria và Libya.

Theo thông báo mới của Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), Lào đã trở thành quốc gia thứ 44 trên thế giới phê chuẩn sử dụng vắcxin Sputnik V của nước này trong trường hợp khẩn cấp. Trong khi đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết nước này sẽ tiếp nhận 4,6 triệu liều vắcxin của hãng AstraZeneca (Anh) ngay trong tháng 3, qua đó giúp tăng tốc chương trình tiêm chủng quốc gia.

Tính đến thời điểm này, Indonesia đã tiếp nhận tổng cộng 38 triệu liều vắcxin từ hãng Sinovac của Trung Quốc, trong đó 3 triệu liều ở dạng thành phẩm và 35 triệu liều còn lại ở dạng nguyên liệu. Chính phủ Indonesia hy vọng rằng việc sở hữu lượng vắcxin nói trên sẽ giúp đẩy nhanh mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 181,5 triệu người, chiếm 70% dân số, nhằm tạo miễn dịch cộng đồng. Israel, Áo và Đan Mạch sẽ thành lập một quỹ chung dành cho nghiên cứu và phát triển các loại vắcxin ngừa COVID-19.

Trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố: "Chúng tôi sẽ lập một quỹ chung cho nghiên cứu và phát triển, đồng thời thảo luận về khả năng cùng đầu tư vào các cơ sở sản xuất vắcxin”.

Trong khi đó, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đang có chuyến thăm Israel khẳng định: "Chúng tôi đã nhất trí về 2 vấn đề. Thứ nhất là thành lập một quỹ nghiên cứu và phát triển chung để hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo. Thứ hai là cùng đầu tư và các nhà máy sản xuất tại châu Âu và Israel để tăng cường nguồn cung vắcxin”. Về phần mình, Thủ tướng Đan Mạch cho biết 3 nước "đã và đang hợp tác hết sức chặt chẽ" kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Ba Lan sẽ kéo dài khoảng thời gian tiêm giữa liều đầu tiên và liều thứ hai của vắcxin ngừa COVID-19, trong bối cảnh nước này tìm cách đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Ông Michał Dworczyk, người đứng đầu chiến dịch tiêm chủng của Ba Lan, cho biết kể từ tuần tới, liều thứ hai của vắcxin AstraZeneca sẽ được tiêm cách 12 tuần sau mũi tiêm đầu tiên. Một biện pháp khác mà Ba Lan áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 là những người đã bị nhiễm sẽ được tiêm một mũi duy nhất 6 tháng sau khi họ có kết quả dương tính.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) đang có kế hoạch gia hạn Cơ chế minh bạch và kiểm soát xuất khẩu vắcxin ngừa COVID-19 sau khi chính thức hết hiệu lực vào ngày 31/3 tới. Thời gian gia hạn dự kiến kéo dài tới cuối tháng 6 và có thể sẽ gây ra những phản ứng trái chiều giữa các nước trong và ngoài Liên minh châu Âu (EU).

Thông tin trên được công bố sau khi Ý hồi tuần trước đã từ chối cấp phép xuất khẩu cho 250.000 liều vắcxin của AstraZeneca sang Úc thông qua cơ chế này. Một quan chức trong khối cho biết EC không phản đối quyết định của Ý và coi cơ chế kiểm soát xuất khẩu vắcxin là cách thức “tự vệ chính đáng” của EU trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 cũng như tình trạng khan hiếm vắcxin hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều nước bên ngoài EU đang phản đối cơ chế này. Tại phiên họp Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa kết thúc, một số nước cho rằng EU đang "phát tín hiệu xấu" trong cuộc chiến vắcxin, đồng thời kêu gọi EU chấm dứt cơ chế kiểm soát này.

Cùng ngày 4/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 đang tăng trở lại tại châu Âu sau 6 tuần giảm. Phát biểu tại họp báo, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết số ca nhiễm tại châu Âu tuần trước tăng 9%, lên trên 1 triệu ca mới/tuần, đồng nghĩa rằng giai đoạn 6 tuần có số ca nhiễm mới giảm sắp kết thúc.

Ông Kluge cảnh báo: "Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng trở lại của số ca nhiễm mới ở Trung và Đông Âu. Số ca nhiễm mới cũng tăng ở một số nước Tây Âu, nơi tỉ lệ nhiễm vốn đang rất cao”. Ông nhấn mạnh cần tăng cường chiến dịch tiêm chủng.

WHO khu vực châu Âu gồm 53 quốc gia và việc tiêm phòng đã được tiến hành ở 45 nước trong số này. Theo số liệu của hãng tin AFP dựa trên các thống kê chính thức, đến nay 2,6% dân số Liên minh châu Âu (EU) đã được tiêm đủ 2 liều vaccine và 5,4% đã được tiêm một liều.

Cùng ngày, Ukraine thông báo ghi nhận 2 ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi. Trong khi đó, Hungary đã thông báo áp đặt phong tỏa do số ca nhiễm mới tăng cao. Ngày 4/3, nước này ghi nhận 6.278 ca mắc mới, mức cao nhất trong 3 tháng qua, và số ca tử vong do COVID-19 tăng đột biến lên 152 ca.

Chánh Văn phòng Thủ tướng, ông Gergely Gulyas ngày 4/3 cho biết tất cả các cửa hàng, trừ hàng ăn và hiệu thuốc và hàng giao đi, sẽ phải đóng cửa từ ngày 8- 22/3. Chính phủ cũng đang cân nhắc tăng hỗ trợ cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng của quyết định này.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhà chức trách đã khởi động các điểm kiểm soát trên toàn quốc nhằm giám sát việc tuân thủ quy định phòng dịch trong trạng thái "bình thường mới”. Suốt cả ngày, các đội cảnh sát và quan chức thực thi pháp luật địa phương đã túc trực tại các con phố, đại lộ và các quảng trường chính ở thành phố đông đúc nhất Istanbul.

Hàng nghìn cảnh sát cơ động và phương tiện cảnh sát đi tuần tra khắp thành phố, chủ yếu tập trung vào các quán cà phê và nhà hàng. Thông qua loa phóng thanh, các sở cảnh sát thông báo với người dân: "Để cuộc sống trở lại bình thường, chúng ta phải tuân thủ mọi quy định”.

Theo kế hoạch bình thường mới được thông báo ngày 1/3, toàn bộ 81 tỉnh, thành được chia thành các cấp khác nhau (thấp, trung bình, cao và rất cao) tùy theo tỉ lệ nhiễm và tiến trình tiêm phòng. Giai đoạn bình thường có kiểm soát đã bắt đầu ở các vùng được xếp loại có nguy cơ thấp, trung bình và cao. Istanbul với hơn 16 triệu dân thuộc loại có nguy cơ cao.

Thống đốc Istanbul, ông Ali Yerlikaya, cho biết muốn đưa thành phố này xuống mức nguy cơ thấp trong một thời gian ngắn kiểm tra toàn diện.

Trong khi đó, tại tỉnh Amasya, bên bờ biển Đen, nơi được xếp vào loại nguy cơ rất cao, chính quyền địa phương kêu gọi người dân ở trong nhà ít nhất 14 ngày, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Tất cả các tỉnh đều đánh giá định kỳ và mức xếp loại bình thường hóa của từng nơi sẽ được cập nhật phù hợp với quy định mới.

Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêm phòng cho hơn 9,5 triệu người bằng vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc). Hơn 7,3 triệu người được tiêm mũi đầu và 2,2 triệu người đã được tiêm đủ hai mũi.

Cũng trong ngày 4/3, giới chức y tế Cuba đã cấp phép thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III đối với vắcxin ngừa COVID-19 tiềm năng mang tên Soberana 02 do chính nước này phát triển. Trên mạng xã hội Twitter, hãng công nghệ sinh học và dược phẩm quốc gia BioCubaFarma cho biết Cơ quan Quản lý Dược phẩm, Thiết bị và Dụng cụ Y tế Cuba (CECMED) đã “bật đèn xanh” cho việc triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắcxin Soberana 02.

Ngay sau đó, đơn vị trực tiếp nghiên cứu và bào chế vắcxin Soberana 02 là Viện Finlay thông tin về việc tuyển tình nguyện viên tại 8 quận của thủ đô La Habana. Viện Finlay cho biết Giám đốc CECMED Olga Jacobo Casanueva đã công nhận Soberana 02 an toàn và vượt qua tất cả các đánh giá mà CECMED thực hiện trên các nghiên cứu giai đoạn I và II nên hoàn toàn điều kiện chuyển sang giai đoạn III - giai đoạn cuối cùng trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.

Bộ Y tế Cuba đã xác nhận việc cấp phép cho Soberana 02, trong đó 44.010 người trong độ tuổi từ 19 đến 80 được lựa chọn ngẫu nhiên tại 8 quận trực thuộc thủ đô La Habana sẽ tham gia đợt thử nghiệm cuối cùng này.

Nếu thử nghiệm thành công, Soberana 02 sẽ trở thành vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên của Cuba nói riêng và Mỹ Latin nói chung. Chính phủ Cuba trước đó tuyên bố nước này có năng lực sản xuất 100 triệu liều vắcxin cho toàn bộ 11 triệu dân, bên cạnh mục tiêu xuất khẩu và cung cấp cho khách du lịch.

Ngoài Soberana 02, Cuba cũng đang tiến hành phát triển 4 dự án vắcxin ngừa COVID-19 khác bao gồm Soberana 01, Soberana 01-A, Abdala và Mambisa.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/252961/tinh-hinh-dich-benh-covid-19-den-ngay-5-3--gan-2-6-trieu-ca-tu-vong.html