Tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày 26/11
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 26/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 60.909.131 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.430.375 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 42.195.066 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 268.404 ca tử vong trong tổng số 13.147.864 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 135.375 ca tử vong trong số 9.281.371 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 170.799 ca tử vong trong số 6.166.898 bệnh nhân.
Dù đã thực hiện nhiều biện pháp chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có việc phong tỏa một phần, số ca nhiễm mới và tử vong tại châu Âu vẫn tiếp tục tăng trong những ngày qua, thậm chí lập kỷ lục mới.
Cụ thể, Nga ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày mức cao kỷ lục với 25.487 ca, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 2.187.990 ca. Số ca tử vong trong vòng 24 giờ qua cũng tăng ở mức cao nhất từ trước đến nay với 524 ca, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 38.062 ca.
Tại Anh, số ca tử vong trong 24 giờ qua được ghi nhận ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 5 vừa qua với 696 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên tới 56.533 ca. Số ca nhiễm mới cũng tăng thêm 18.213 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 1.557.007 ca, nhiều thứ 7 thế giới.
Tại Pháp, nước này ghi nhận 381 ca tử vong và 16.282 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Với tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 là 2.170.097 và 50.618 ca tử vong, Pháp hiện là nước có số ca mắc COVID-19 nhiều thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil.
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại Đức vẫn ở mức cao, Thủ tướng Angela Merkel ngày 26/11 cho rằng nhiều khả năng nước này phải sống chung với các biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan đến tháng 1/2021. Trong khi đó, Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức lại cho rằng các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội cần phải được kéo dài hơn nữa, có thể đến tháng 3/2021 vì sắp phải trải qua một mùa Đông đầy khó khăn.
Trước đó, ngày 25/11, Thủ tướng Merkel đã nhất trí với lãnh đạo16 bang của Đức về việc gia hạn và thắt chặt lệnh phong tỏa nhằm kiềm chế dịch bệnh cho đến ngày 20/12 tới, nhưng sẽ nới lỏng các quy định này vào dịp Giáng sinh để các gia đình và bạn bè có thể cùng nhau đón mừng ngày lễ. Bên cạnh đó, Thủ tướng Merkel cũng cho biết chính phủ liên bang có kế hoạch triển khai gói viện trợ hàng tỷ USD để hỗ trợ cho các cửa hàng bị ảnh hưởng do lệnh phong tỏa và sẽ công bố gói viện trợ này vào tháng 12.
Trong khi đó, Hy Lạp thông báo sẽ kéo dài lệnh phong tỏa trên toàn quốc tới ngày 7/12 trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng mạnh. Chính phủ Hy Lạp đã áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế và ban hành lệnh phong tỏa lần thứ hai trên toàn quốc kéo dài đến ngày 30/11, trong đó có một lệnh giới nghiêm ban đêm từ 21h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau, ngoại trừ lý do thiết yếu như công việc hay vấn đề về sức khỏe.
Tại Phần Lan, tình hình dịch bệnh đã nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, Chính phủ Phần Lan đã quyết định rằng chưa có cơ sở để áp đặt các biện pháp khẩn cấp như đã làm vào tháng 3, đồng thời khuyến nghị giới chức các địa phương tạm thời đóng cửa tất cả các không gian công cộng ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Khu vực xung quanh thủ đô Helsinki sẽ ban hành lệnh cấm tổ chức tất cả các sự kiện tập trung đông người ở cả trong không gian kín và ngoài trời, yêu cầu học sinh từ 15 tuổi trở lên phải học trực tuyến, và các biện pháp hạn chế khác.
Tại châu Á, Hàn Quốc ngày 26/11 ghi nhận thêm 583 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 32.318 ca, trong đó có 515 ca tử vong. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 6/3 vừa qua, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày vượt trên 500 ca.
Trong bối cảnh kỳ thi đại học trên toàn quốc sắp diễn ra vào ngày 3/12 tới, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã kêu gọi người dân nước này tạm thời ngừng tham gia các hoạt động tập trung đông người trước thềm kỳ thi đại học để sự kiện quan trọng này không bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng đột biến số ca mắc mới trong thời gian gần đây. Bộ trưởng Giáo dục Yoo Eun-hae đặc biệt yêu cầu giới trẻ Hàn Quốc tuân thủ nghiêm túc quy định giãn cách xã hội khi cho biết khoảng 19% số ca mắc COVID-19 tại nước này là những người ở độ tuổi 20 và nhiều người trong số đó không có triệu chứng. Bà cũng khuyến cáo tất cả thành viên gia đình có con em tham gia kỳ thi đại học nói trên phải thực hiện quy định giãn cách xã hội trong vòng 1 tuần tới, bắt đầu từ ngày 26/11, đồng thời yêu cầu các "sĩ tử" không đến những nơi đông người. Theo Bộ giáo dục Hàn Quốc, khoảng 70% học sinh mắc COVID-19 trong tháng 11 này là lây nhiễm từ những thành viên khác trong gia đình.
Tại Nhật Bản, chính quyền tỉnh Aichi có kế hoạch yêu cầu các nhà hàng phục vụ rượu cắt ngắn thời gian mở cửa tại các khu giải trí ban đêm ở thành phố Nagoya trong khoảng 3 tuần, bắt đầu từ cuối tuần này, trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng mạnh trong thời gian gần đây. Thông báo này được đưa ra một ngày sau khi chính quyền thủ đô Tokyo đưa ra biện pháp hạn chế tương tự, yêu cầu các nhà hàng và quán bar đóng cửa vào 22h đêm hàng ngày trong thời gian từ ngày 28/11 đến ngày 17/12 tới tại hầu hết các khu vực ở thủ đô.
Trong khi đó, tại Australia, người dân nước này sẽ được tận hưởng một mùa Giáng sinh gần như bình thường với các cuộc tụ họp gia đình hay đi mua sắm, ăn uống, khi mà tỷ lệ mắc COVID-19 đang trở lại mức rất thấp. Ngoài ra, Chính phủ Australia đang xây dựng lộ trình mở cửa biên giới và khôi phục hoạt động du lịch quốc tế, với điều kiện tiên quyết là người nhập cảnh phải có giấy xác nhận đã tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19, nếu không sẽ phải thực hiện cách ly 2 tuần hoặc đồng ý tiêm chủng tại chỗ trong bối cảnh Australia tin tưởng sẽ có vaccine phòng COVID-19 vào đầu năm 2021.