Tình hình dịch bệnh tại ASEAN: Thái Lan ghi nhận hơn 2.100 ca mắc mới
Làn sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch COVID-19 tại Thái Lan bùng phát từ đầu tháng 4 vừa qua tại các khu giải trí ở Bangkok đã khiến hơn 46.000 người mắc bệnh và hơn 200 người tử vong.
Tại Thái Lan, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Người phát ngôn Trung tâm quản lý tình hình dịch COVID-19 Apisamai Srirangsan ngày 5/5 cho biết nước này đã ghi nhận 2.112 ca mắc mới và 15 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 74.900 ca, trong đó có 318 ca tử vong.
Đa số ca mắc mới đều là lây nhiễm trong cộng đồng. Thủ đô Bangkok tiếp tục là tâm dịch khi ghi nhận số ca mắc mới nhiều nhất với 789 ca.
Làn sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch COVID-19 tại Thái Lan bùng phát từ đầu tháng 4 vừa qua tại các khu giải trí ở Bangkok đã khiến hơn 46.000 người mắc bệnh và hơn 200 người tử vong.
Ngày 5/5, Bộ Y tế Lào cho biết nước này đã ghi nhận 46 ca mắc mới COVID-19 trên cả nước sau khi tiến hành 1.072 xét nghiệm trong 24 giờ qua.
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, thủ đô Vientiane và tỉnh Bokeo tiếp tục là hai địa phương có số ca mắc mới cao nhất, lần lượt là 19 và 15 ca.
Mặc dù số ca nhiễm mới khá cao, song việc số tỉnh phát hiện có các ca nhiễm mới ngày càng ít cho thấy những biện pháp quyết liệt của chính phủ và việc người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch đã giúp phần nào hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh tại Lào.
Trong nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ 2 tại nước này, Chính phủ Lào tối 4/5 đã quyết định gia hạn phong tỏa thêm 15 ngày, đến hết ngày 20/5.
Tính tới thời điểm hiện tại, Lào đã có tổng cộng 1.072 ca mắc COVID-19, trong đó 99 người đã được điều trị khỏi và chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong.
Trong khi đó tại Indonesia, 155.000 binh sỹ và cảnh sát sẽ được triển khai trong khuôn khổ chiến dịch Ketupat Jaya 2021 từ ngày 6-17/5 nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo từ ngày 13-14/5.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, chiến dịch Ketupat Jaya 2021 nhằm ngăn người dân ra vào khu vực Đại Jakarta (gồm thủ đô Jakarta và 4 thành phố vệ tinh với dân số khoảng 30 triệu người), duy trì an ninh và giám sát việc thực thi các quy định y tế phòng chống dịch.
Lực lượng trên sẽ thiết lập 2.693 chốt kiểm soát, xử lý các hành vi gây rối trật tự, đảm bảo an ninh tại các địa điểm công cộng như trung tâm mua sắm, nhà ga, sân bay, bến xe bus, cảng biển và các điểm du lịch.
Người phát ngôn của Lực lượng đặc nhiệm xử lý COVID-19 của Chính phủ Indonesia, ông Wiku Adisasmito nhắc lại rằng tất cả các hình thức di chuyển từ thành thị về quê đều bị cấm trong tháng lễ Ramadan và lễ Eid al-Fitr để giảm tỷ lệ lây nhiễm COVID-19./.