Tình hình dịch COVID-19 tính đến sáng 25-2
Đến 8 giờ 29 phút ngày 25-2, số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch COVID-19 là 2.699, số ca nhiễm là 80.096. Triều Tiên cách ly 380 người nước ngoài.
Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn thống kê từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 8 giờ 29 phút ngày 25-2, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-219) là 2.699 và và có 80.096 ca nhiễm. Có 27.444 ca được chữa khỏi.
Riêng tại Trung Quốc đại lục, số ca tử vong và ca nhiễm lần lượt là 2.663 và 77.658. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 25-2 thông báo nước này ghi nhận thêm 71 ca tử vong do COVID-19 (riêng Hồ Bắc là 68 trường hợp) và thêm 508 ca nhiễm mới (trong đó 499 ca tại tâm dịch Hồ Bắc).
Số ca tử vong ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục đã tăng lên con số 36. Cụ thể, bốn ca tử vong ở Nhật, tám ca ở Hàn Quốc, bảy ca ở Ý, hai ca ở đặc khu Hong Kong, 12 ca ở Iran, một ca ở Đài Loan và một ca ở Philippines.
Triều Tiên cách ly 380 người nước ngoài
Triều Tiên được cho đang cách ly 380 người nước ngoài như một phần trong nỗ lực ngăn chặn virus COVID-19 lây lan.
Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) ngày 24-2 dẫn nội dung đăng trên truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết thông tin trên. Theo Yonhap, đa phần những người bị cách ly là các nhà ngoại giao tại thủ đô Bình Nhưỡng. Hiện chưa rõ thời gian cách ly sẽ kéo dài bao lâu, trong khi quốc tịch những người bị cách ly chưa được tiết lộ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước đó nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy virus COVID-19 đã lan sang Triều Tiên.
Nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus COVID-19, Triều Tiên được cho tăng cường các biện pháp kiểm tra và giám sát y tế đối với những người từ nước ngoài trở về và những ai có triệu chứng bất thường.
Triều Tiên đã áp dụng biện pháp những ai đến nước này đều phải bị cách ly trong thời gian 30 ngày. Triều Tiên nhiều lần phủ nhận nước này có ca nhiễm virus COVID-19 bất chấp xuất hiện lo ngại rằng Triều Tiên sẽ bị tổn thương do dịch COVID-19 vì có chung đường biên giới với Trung Quốc. Nước này cũng thiếu vật tư y tế và cơ sở hạ tầng để đối phó với loại virus lây lan nhanh này.
Cuối tuần trước, Triều Tiên đã hủy giải Marathon quốc tế Bình Nhưỡng giữa lo ngại về dịch COVID-19 đang dâng cao. Giải này dự kiến tổ chức vào tháng 4.
Ngoài ra, các phương tiện truyền thông của Triều Tiên mới tuyên bố nước này đã đạt được tiến bộ trong việc chế tạo các loại khẩu trang và xà phòng vệ sinh đặc biệt, nhấn mạnh nỗ lực ngăn chặn virus COVID-19 bằng cách sử dụng các nguồn lực sẵn có.
Theo trang web tuyên truyền Meari của Triều Tiên, một trung tâm nghiên cứu liên kết với Bộ Y tế của nước này hiện đang phát triển loại khẩu trang vệ sinh đặc biệt để phòng lây nhiễm virus chết người.
"Chúng tôi đã thực hiện nhiều thí nghiệm bằng cách sử dụng các vật liệu sẵn có... chúng tôi đã thành công trong việc tạo ra một khẩu trang giúp góp phần vào điều trị các bệnh về đường hô hấp và khắc phục các điểm yếu của khẩu trang thông thường” - Meari viết.
Iran tự sản xuất bộ xét nghiệm virus COVID-19
Theo trang tin Iran Press, Iran đã tự sản xuất được bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây dịch đường hô hấp COVID-19. Đây là sản phẩm của các chuyên gia và nhà khoa học thuộc Bộ Quốc phòng Iran.
Thiết bị này dùng để xét nghiệm, chẩn đoán các trường hợp bệnh nhân nghi nhiễm bệnh COVID-19. Iran đã bắt đầu sản xuất đại trà bộ xét nghiệm virus sau khi trải qua tất cả quy trình kiểm nghiệm và thẩm định cần thiết về độ chính xác.
Iran là quốc gia có nguồn nhân lực trình độ cao và đi đầu trong khu vực về phát triển khoa học và y tế.
Iran cũng là một trong năm nước đứng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Iran hiện ghi nhận 12 ca tử vong và 61 trường hợp được xác nhận nhiễm virus COVID-19.
Hầu hết các ca nhiễm bệnh đều ở thành phố Qom (Com), thánh địa của người Hồi giáo dòng Shi'ite, cách thủ đô Tehran 120 km về phía nam.
Hơn 3.000 nhân viên y tế Trung Quốc nhiễm virus COVID-19
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 24-2 thông báo hơn 3.000 nhân viên y tế ở nước này bị nhiễm virus COVID-19 kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới bùng phát ở Trung Quốc cuối năm ngoái.
Tại buổi họp báo ngày 24-2, ông Liang Wannian thuộc NHC, cho biết những trường hợp nhiễm virus COVID-19 chủ yếu là ở tỉnh Hồ Bắc - nơi bị ảnh hưởng nặng nhất tại Trung Quốc. Theo ông Liang, những nhân viên y tế nhiễm bệnh chủ yếu do thiếu đồ bảo hộ và phải làm việc quá sức.
Hong Kong nâng mức cảnh báo đỏ đối với du khách Hàn Quốc
Theo SCMP, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang gia tăng tại Hàn Quốc, Cục An ninh Hong Kong ngày 24-2 cho biết những du khách đến Hàn Quốc mà không phải người Hong Kong sẽ bị cấm đi vào đặc khu này kể từ ngày 25-2, đồng thời cảnh báo những người dân Hong Kong không đến Hàn Quốc vào lúc này.
“Từ 6 giờ sáng 25-2, những du khách không phải người Hong Kong đến từ Hàn Quốc và những ai đã từng tới Hàn Quốc trong 14 ngày gần đây nhất sẽ bị cấm đi vào Hong Kong” - người đứng đầu Cơ quan An ninh Hong Kong John Lee Ka-Chiu, nói trong buổi họp báo ngày 24-2.
Đối với bốn chuyến bay từ sân bay quốc tế Incheon đến Hong Kong vào tối 24-2, tất cả hành khách sẽ được kiểm tra sức khỏe và giám sát y tế tại sân bay.
“Tình hình ở Hàn Quốc hiện giờ cho thấy một mô hình bùng phát cộng đồng, vì vậy chính quyền Hong Kong đã quyết định đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn” - bà Sophia Chan Shiu-Chee, người đứng đầu cơ quan y tế Hong Kong, nói.
Hàn Quốc hiện là ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc đại lục. Trước đó, du thuyền Diamond Princess neo đậu ở Nhật Bản bị coi là ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai với tổng cộng 634 ca nhiễm.
Giáo phái Tân Thiên Địa trở thành tâm điểm của đợt bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới tại Daegu, TP lớn thứ tư Hàn Quốc với 2,5 triệu dân, sau khi một nữ tín đồ 61 tuổi lây virus cho hàng chục người khác.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/tinh-hinh-dich-covid19-tinh-den-sang-252-891961.html