Tình hình kinh doanh của PVTex

Tổng tài sản tính đến thời điểm 31/12/2018 có khoảng 5.236 tỷ đồng, nợ phải trả là 7.726 tỷ đồng, Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) bị cơ quan kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động.

Tổng tài sản tính đến thời điểm 31/12/2018 của PVTex có khoảng 5.236 tỷ đồng, nợ phải trả là 7.726 tỷ đồng.

Bức tranh tài chính của PVTex

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa công bố, “đại dự án” thua lỗ của ngành công thương - Dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ - PVTex (công ty con của PVN) từng được nhắc đến về việc “giải cứu” thành công trong thời gian qua, đang có tình hình tài chính rất bi đát.

Báo cáo tài chính cho thấy, lỗ lũy kế của PVTex ngày càng tăng nhanh. Cuối năm 2017, PVTex lỗ lũy kế 4.039 tỷ đồng, đến cuối năm 2018 mức lỗ lũy kế đã lên 4.748 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong năm 2018, dự án này đã lỗ thêm 700 tỷ đồng dù đã được giải cứu để nhà máy đi vào hoạt động.

Báo cáo tài chính năm 2018 của PVN đã được kiểm toán bởi Công ty Kiểm toán Deloitte vừa công bố trong quý III/2019 cho thấy, tại thời điểm 31/12/2018, tài sản ngắn hạn của PVTex nhỏ hơn nợ phải trả ngắn hạn khoảng 2.615 tỷ đồng. Trước đó một năm, con số này là 2.092 tỷ đồng

Cũng tại thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản của PVTex là khoảng 5.237 tỷ đồng (giảm đáng kể so với tổng tài sản một năm trước đó), nhưng nợ phải trả đã lên tới 7.726 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 7.384 tỷ đồng tại ngày 31/12/2017, trong đó, số dư khoản vay dài hạn của PVTex tại Ngân hàng BIDV được PVN bảo lãnh với số dư gốc vay trên 5.000 tỷ đồng. Số dư các khoản vay và nợ quá hạn chưa được thanh toán tại thời điểm cuối năm 2018 là gần 1.400 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017.

Từ bức tranh tài chính không mấy khả quan như trên, Deloitte đánh giá: “Các yếu tố trên dẫn tới nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của PVTex trong vòng ít nhất 12 tháng sắp tới. Do đó, chúng tôi không thể xác định được, liệu báo cáo tài chính hợp nhất được lập với giả định PVTex sẽ tiếp tục hoạt động liên tục có phù hợp hay không và có cần thiết phải điều chỉnh số liệu liên quan đến PVTex hay không”.

Khó khăn chưa dừng lại

Dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ - PVTex có tổng vốn đầu tư khoảng 325 triệu USD, sau đó điều chỉnh lên thành hơn 359 triệu USD. Dự án ra đời cuối năm 2008, trong bối cảnh ngành dệt may Việt Nam phát triển mạnh, nhưng nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Với tham vọng tự chủ nguồn nguyên liệu xơ sợi, Dự án được thành lập nhằm tận dụng nguyên liệu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi.

Dự án đã hoàn thành và đi vào vận hành thương mại từ tháng 5/2014, nhưng sau đó liên tục bị thua lỗ trong quá trình hoạt động do chi phí sản xuất tăng, cao hơn giá bán sản phẩm. Đến ngày 17/9/2015, Nhà máy đã phải dừng sản xuất.

PVTex dự kiến khởi động lại toàn Nhà máy vào cuối năm 2019

Hiện nay, PVTex đã khởi động lại một phần Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ , sản xuất và gia công sợi DTY.

Cụ thể, từ ngày 20/4 /2018 đến ngày 31/10/2018, tổng sản lượng của Nhà máy đạt 1.437,71 tấn sợi các loại. Đến ngày 14/6/2019, tổng lượng sản phẩm bán ra là 1.318 tấn, doanh thu đạt 50,55 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, công suất phân xưởng sản xuất sợi DTY sẽ được nâng lên tối đa và toàn Nhà máy sẽ được khởi động lại vào cuối năm 2019.

Trước tình hình đó, Bộ Công thương và PVTex đã tích cực tìm kiếm các đối tác để vực dậy và tái vận hành Nhà máy.

Sau gần 31 tháng dừng sản xuất, đến ngày 20/4/2018, với sự hỗ trợ của đối tác chiến lược mới, chủ đầu tư Dự án và các đơn vị liên quan, Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã khởi động vận hành lại 3 dây chuyền DTY của phân xưởng sợi Filament và nâng lên 6 dây chuyền từ ngày 1/11/2018. Hiện nay, Nhà máy đang vận hành 12 dây chuyền theo hợp đồng hợp tác gia công với đối tác.

Thông tin từ PVN cho hay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương trong xử lý dự án thua lỗ, đến nay, PVTex đã thực hiện xong 6/8 nhiệm vụ theo Kế hoạch hành động về xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém đã được phê duyệt.

Cụ thể, đã hoàn thành việc xử lý tranh chấp pháp lý liên quan đến Hợp đồng EPC bằng phương thức hòa giải. Nhờ vậy, PVTex không phải trả 22,1 triệu USD cho nhà thầu EPC, được hỗ trợ miễn phí về kỹ thuật trong 1 năm và được nhận bàn giao 700 hạng mục vật tư.

Việc này cũng giúp PVN tránh được rủi ro bị kiện với chi phí có thể lên tới hơn 5 triệu USD và bồi thường hàng chục triệu USD cho nhà thầu.

Nhìn vào tương lai của Dự án PVTex, có thể thấy, chưa có nhiều điểm sáng. Ông Đào Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc PVTex từng cho rằng, PVTex giống như “bệnh nhân đã chết lâm sàng”, nay đã đứng dậy được và bước đi những bước đầu tiên, nhưng con đường phía trước của PVTEX còn rất dài, nhiều khó khăn, thách thức.

Theo đó, PVTex sẽ tiếp tục phải đối mặt với vấn đề về tài chính, chất lượng lao động, áp lực cạnh tranh từ thị trường... Chưa kể, hơn 1 năm trở lại đây, thị trường sợi biến động mạnh, giá sợi xuất khẩu giảm mạnh do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung Quốc… Đây là một bài toán khó cho cả doanh nghiệp lẫn đối tác tiếp quản Dự án PVTex.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tinh-hinh-kinh-doanh-cua-pvtex-d108198.html