Tình hình kinh tế sẽ tốt hơn trong nửa cuối năm
Nền kinh tế Việt Nam đã bước vào nửa cuối năm 2023 với những dấu hiệu khởi sắc, kỳ vọng về sự phục hồi tích cực hơn.
Dấu hiệu của sự khởi sắc
Sau 6 tháng đầu năm vật lộn trong khó khăn, kinh tế Việt Nam đã bắt đầu tháng đầu tiên của nửa cuối năm với những thông tin khá tích cực. Dễ thấy nhất là sản xuất công nghiệp. Đây là chỉ số rất đáng chú ý, bởi có thể phản ánh nhiều góc độ của nền kinh tế. “Sản xuất công nghiệp tháng 7 đã khởi sắc hơn tháng trước”, khi công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê đã bình luận như vậy.
Đúng là đã khởi sắc hơn so với tháng trước, khi Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 không chỉ tăng 3,9% so với tháng trước, mà còn tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, IIP tháng 7/2023 đã tăng trở lại ở một số địa phương. Bắc Ninh là ví dụ điển hình. IIP của tỉnh này trong tháng 7/2023 đã tăng 23,8% so với tháng trước, sau khi liên tục giảm sút trong những tháng đầu năm (đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Bắc Ninh tăng trưởng âm tới 12,59%, đứng cuối “bảng xếp hạng” về tăng trưởng GRDP trong nửa đầu năm).
Không chỉ là Bắc Ninh, nhiều trọng điểm sản xuất công nghiệp của cả nước cũng có IIP tăng tích cực trong tháng đầu tiên của quý III/2023, như Thái Nguyên tăng 9%; Vĩnh Phúc tăng 5,8%; Bình Dương tăng 2,3%; TP.HCM tăng 1,9%; Long An tăng 0,8%... Nếu tính chung trong 7 tháng, so với cùng kỳ năm trước, IIP đã tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Như vậy, so với con số của 6 tháng, đã thêm 1 địa phương có tăng dương và bớt 1 địa phương tăng âm về chỉ số IIP.
Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu tăng trở lại có lẽ cũng đồng nghĩa với xuất khẩu và tiêu dùng nội địa tích cực hơn. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 29,68 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng 6/2023. Trong khi đó, thu hút đầu tư nước ngoài lần đầu tiên trong năm tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 16,24 tỷ USD.
Điều này có lẽ cũng khá thống nhất với số liệu về Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam mà S&P Global vừa công bố. Theo đó, PMI của Việt Nam đã tăng lên 48,7 điểm trong tháng 7, cao hơn so với mức 46,2 điểm của tháng 6. Dù con số vẫn ở dưới 50 điểm, tức là vẫn cho thấy các điều kiện hoạt động sản xuất đã suy giảm tháng thứ 5 liên tiếp, song lần suy giảm này khá nhẹ và nhẹ nhất trong thời kỳ này.
Trong khi sự khởi sắc trong sản xuất công nghiệp, xuất khẩu khá “nhẹ”, thì có lẽ, một trong những động lực được quan tâm chính là khu vực dịch vụ, du lịch. Các số liệu thống kê cho thấy, tình hình ngày càng khả quan hơn.
Tháng 7/2023, có hơn 1 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 6,5% so với tháng trước và gấp 2,9 lần cùng kỳ năm trước đó. Còn nếu tính chung 7 tháng, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 6,6 triệu lượt người, gấp 6,9 lần cùng kỳ năm trước.
Cộng thêm hoạt động du lịch trong nước sôi động vào mùa cao điểm, nên doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm 2023 ước đạt 377.300 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Còn doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 18.600 tỷ đồng, chiếm 0,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 53,6% so với cùng kỳ năm trước.
Rất nhiều địa bàn du lịch lớn có doanh thu dịch vụ lữ hành 7 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như Đà Nẵng tăng 99,7%; Hà Nội tăng 89,7%; Quảng Ninh tăng 82,5%; Khánh Hòa tăng 75,1%...
Kỳ vọng sự phục hồi nửa cuối năm
Dù có các dấu hiệu khởi sắc, song một cách rất rõ ràng, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. 7 tháng, IIP vẫn giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu giảm 10,6%, ước đạt 194,73 tỷ USD; khách quốc tế đến Việt Nam mới đạt 67,5% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa có Covid-19…
Rất nhiều chỉ số khác có thể viện dẫn để cho thấy, kinh tế Việt Nam vẫn đang rất “chông chênh”. 7 tháng, có 113.300 doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường, tăng 19,8% so với cùng kỳ, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới chỉ là 131.900 doanh nghiệp, giảm 1,4% so với cùng kỳ. Thu ngân sách 7 tháng ước giảm 7,8%, trong khi chi ước tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Bình luận về Chỉ số PMI của Việt Nam, ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nói rằng, có những dấu hiệu cho thấy, nhu cầu có thể ổn định khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm chậm nhất trong 5 tháng qua. Tất nhiên, điều khiến ông Andrew Harker lo lắng là ngành sản xuất của Việt Nam “vẫn chịu áp lực” khi các công ty tiếp tục khó kiếm được đơn đặt hàng mới và đã phải giảm sản lượng tương ứng.
Ngay cả sức mua của nền kinh tế cũng chưa nhiều cải thiện, khi 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành chỉ tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá còn tăng 9,6%. Trong khi đó, năm ngoái, các mức tăng tương ứng là 15,7% và 11,7%...
Thêm vào đó, 7 tháng qua, Việt Nam xuất siêu tới 15,23 tỷ USD. Việc nền kinh tế tiếp tục xuất siêu lớn làm dấy lên nỗi lo sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong thời gian tới. Lý do là nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, nhưng nhập khẩu giảm chứng tỏ doanh nghiệp vẫn đang thiếu đơn hàng, nên chưa có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Chỉ số PMI tháng 7/2023 của Việt Nam vẫn dưới 50 điểm cũng cho thấy, tình hình chưa thể cải thiện trong một sớm một chiều.
Mặc dù vậy, trong các báo cáo gần đây, các tổ chức quốc tế đều có những nhận định tích cực hơn về nền kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm. Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023.
“Chúng tôi nhận thấy những dấu hiệu sớm của sự phục hồi kinh tế. Tăng trưởng GDP của Việt Nam nửa cuối năm dự báo đạt 7% so với cùng kỳ, từ mức 3,7% trong nửa đầu năm. Điều này cho thấy sự phục hồi rõ ràng hơn trong 6 tháng cuối năm”, bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhận định và cho rằng, triển vọng trong trung hạn, kinh tế Việt Nam vẫn hứa hẹn sự ổn định.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào cuối tháng 6/2023 nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi vào nửa cuối năm 2023 nhờ xuất khẩu phục hồi và các chính sách trong nước nới lỏng. Các báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, tình hình kinh tế sẽ tốt hơn trong nửa cuối năm.
Dù vậy, để nền kinh tế có thể thực sự vượt qua khó khăn và phục hồi, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, phải thực hiện quyết liệt và hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công, kích cầu tiêu dùng và đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu. Đây là những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tinh-hinh-kinh-te-se-tot-hon-trong-nua-cuoi-nam-d195405.html