Tình hình Libya: Hai phe phái đối địch đạt dấu mốc quan trọng, Đức lạc quan thận trọng
Ngày 5/10, kênh truyền hình Al-Hadath đưa tin, phái đoàn đại diện hai phe đối địch tại Libya đã đạt được thỏa thuận phân bổ vị trí Thống đốc và Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Libya trong cuộc đàm phán diễn ra cùng ngày tại thành phố Bouznika của Morocco.
Theo nguồn tin trên, hai phe phái đối địch trong cuộc xung đột tại Libya đã đồng ý phân bổ vị trí Thống đốc Ngân hàng Trung ương Libya cho khu vực Barqah (Cyrenaica), trong khi vị trí Phó Thống đốc sẽ được trao cho khu vực Tripoli. Hai bên cũng thảo luận về các điều khoản và quy định quản lý đối với hai chức danh này.
Đây được coi là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình đàm phán đang diễn ra giữa phái đoàn Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) và chính quyền ở miền Đông Libya.
Hai bên đã tham gia các cuộc đàm phán được coi là "Đối thoại Libya" ở thành phố Bouznika kể từ tháng 9, một phần trong nỗ lực nhằm đạt được giải pháp chính trị toàn diện cho cuộc xung đột ở quốc gia này.
Một nguồn tin khác cho biết, hai phe cũng đang thảo luận về phân bổ các vị trí quản lý cho 3 khu vực lịch sử tại Libya, bao gồm Cyrenaica, Fezzan và Tripolitania.
Liên quan tình hình Libya, cùng ngày, tại phiên họp cấp cao về Libya do Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đồng chủ trì, ông Maas bày tỏ sự "lạc quan thận trọng" khi cho rằng, thời điểm này là cơ hội tốt nhất chưa từng có từ trước đến nay để tìm kiếm giải pháp hòa bình chấm dứt cuộc xung đột kéo dài tại quốc gia châu Phi.
Nhấn mạnh, các bên liên quan cần phải nắm bắt cơ hội này, tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức cũng đưa ra lý do cho sự lạc quan thận trọng của mình khi Berlin nhận thấy ngày càng có nhiều dấu hiệu của sự chuyển đổi từ chế độ quân phiệt sang hình thức chính trị.
Về phần mình, Tổng Thư ký LHQ Guterres đã kêu gọi cần gỡ bỏ vĩnh viễn lệnh phong tỏa sản xuất và xuất khẩu dầu lửa ở Libya, đồng thời thực hiện lệnh ngừng bắn tại đây ngay lập tức.
Ông Guterres cũng kêu gọi các nước hãy cung cấp thêm chỗ ở và chỗ sơ tán cho những người tị nạn hiện đang bị giam giữ và mắc kẹt ở Libya, đồng thời cần phải phá ngay các đường dây buôn người đang hoạt động trên khắp đất nước này.
Trong khi đó, cũng tại phiên họp, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry kêu gọi cộng đồng quốc tế thực thi các kết luận tại Hội nghị Berlin nhằm thúc đẩy các bên đối địch ở Libya tuân thủ cam kết, trong đó có lệnh ngừng bắn, lệnh cấm vận vũ khí, giải giáp lực lượng dân quân và đối phó với các tổ chức khủng bố.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Ai Cập khẳng định, Libya có cơ hội tuyệt vời để có thể đạt được một giải pháp chính trị đáp ứng tất cả các khía cạnh chính trị, an ninh, kinh tế và xã hội, có tính đến việc phân phối công bằng quyền lực và tài chính, đồng thời chấm dứt sự can thiệp của nước ngoài và mối đe dọa khủng bố, lính đánh thuê trên lãnh thổ Libya.
(theo Aljazeera, Sputnik, Ahram Online)