Tình hình Myanmar: Quân đội có động thái mới, Đặc phái viên của Liên hợp quốc tìm cách xoa dịu tình hình
Ngày 18/3, theo truyền thông nhà nước, quân đội Myanmar đã cáo buộc ông Mahn Win Khaing Than - quyền Phó Tổng thống Ủy ban Đại diện Quốc hội liên bang Myanmar (CRPH) - phạm tội phản quốc.
CRPH là một nhóm các nghị sĩ được bầu, phần lớn đang phải ẩn náu sau khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) bị lật đổ trong vụ chính biến quân sự ngày 1/2.
Trong khi đó, bà Aung San Suu Kyi - nhà lãnh đạo dân sự bị lật đổ - phải đối mặt với những cáo buộc tham nhũng mới từ quân đội.
Quân đội cũng cáo buộc CRPH phạm tội phản quốc và có thể bị trừng phạt bằng cách tử hình.
Trong khi đó, cũng theo truyền thông, một lệnh bắt giữ đã được đưa ra nhằm vào Đại sứ của chính quyền bị lật đổ Myanmar tại Liên hợp quốc (LHQ) Kyaw Moe Tun với cáo buộc phản quốc.
Đặc phái viên LHQ về Myanmar Christine Schraner Burgener không thể tới Myanmar trong bối cảnh hiện nay nhưng bà sẽ công du tới Đông Nam Á để phối hợp với các nước trong khu vực nhằm xoa dịu tình hình sau cuộc chính biến hồi đầu tháng 2 tại Myanmar.
Tại buổi họp báo trực tuyến ngày 18/3, người phát ngôn của LHQ, ông Stephane Dujarric cho biết, việc công du tại thời điểm này là không khả thi sau khi bà Burgener đã trao đổi với các bên liên quan chủ chốt.
Theo kế hoạch, Đặc phái viên Burgener sẽ đối thoại được càng nhiều càng tốt với các nước láng giềng của Myanmar, nhất là các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để có thể đặt ra mục tiêu cho từng gian đoạn giúp Myanmar đối thoại và sớm quay trở lại với dân chủ.
Ngày 18/3, LHQ cho biết số người biểu tình ôn hòa bị các lực lượng an ninh Myanmar sát hại kể từ khi diễn ra cuộc đảo chính ra hôm 1/2 lên tới khoảng 200 người.
(theo Kyodo, UN)