Tình hình Nagorno-Karabakh: Liên hợp quốc và EU đồng loạt kêu gọi Azerbaijan làm một việc
Liên hợp quốc (LHQ) và Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới tình hình hiện nay tại khu vực Nagorno-Karabakh.
Chính phủ Armenia thông báo, tính đến 20h ngày 26/9, ít nhất 28.120 trong số 120.000 người sắc tộc Armenia ở Nagorno-Karabakh đã vượt biên sang Armenia.
Liên quan đến vụ nổ tại kho nhiên liệu ở Nagorno-Karabakh hôm 25/9, hãng tin Interfax (Nga) dẫn lời Bộ Y tế Armenia cho biết, số người thiệt mạng đã tăng lên 125 người.
Vụ việc xảy ra khi hàng nghìn người sắc tộc Armenia chạy trốn khỏi Nagorno-Karabakh sau khi các tay súng của họ bị Azerbaijan đánh bại trong một chiến dịch quân sự chớp nhoáng.
Trong khi đó, hiện Lực lượng biên phòng Azerbaijan đang tiến hành truy lùng những người vi phạm “tội ác chiến tranh” trong số những người tị nạn Armenia tràn ra khỏi khu vực Nagorno-Karabakh.
Trước tình hình đó, ngày 26/9, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh cần bảo vệ quyền lợi của người sắc tộc Armenia rời khỏi Nagorno-Karabakh sau khi Azerbaijan kiểm soát khu vực này.
Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ nêu rõ: “Tổng thư ký lo ngại về những người phải rời bỏ nơi ở để đến Armenia. Điều cần thiết là bảo vệ quyền lợi của những người này và họ cần nhận được hỗ trợ nhân đạo”.
Trong khi đó, EU kêu gọi Baku vạch ra kế hoạch bảo đảm quyền lợi của sắc tộc Armenia ở Nagorno-Karabakh.
Tuyên bố của EU khi tiếp đón các Cố vấn An ninh quốc gia Azerbaijan, Armenia, Pháp và Đức có đoạn: “EU nhấn mạnh sự cần thiết của sự minh bạch và khả năng tiếp cận của các tổ chức nhân đạo, nhân quyền quốc tế, cũng như việc biết thêm chi tiết về tầm nhìn của Baku đối với tương lai của người Armenia ở Karabakh”.
Liên minh cho biết, đàm phán “cho phép các bên tham gia trao đổi kỹ lưỡng về sự thích đáng của cuộc gặp có thể diễn ra ở cấp lãnh đạo” giữa Azerbaijan và Armenia bên lề Hội nghị thượng đỉnh châu Âu ở thành phố Granada của Tây Ban Nha ngày 5/10 tới.
Đồng thời, trong cuộc gặp trên, đại diện hai nước Armenia và Azerbajan đã thảo luận về “các bước cụ thể có thể thực hiện” nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình bao gồm việc phân định biên giới cũng như các vấn đề an ninh, kết nối và nhân đạo.
Tuyên bố của EU nêu rõ: “Cần có hành động cụ thể và các giải pháp thỏa hiệp mang tính quyết định trên mọi chặng đường của quá trình bình thường hóa”.