Tình hình sốt xuất huyết năm nay tại Hà Nội có thể diễn biến phức tạp
Tính từ đầu năm 2023 đến ngày 6-6, Hà Nội đã ghi nhận 357 trường hợp sốt xuất huyết tại 28/30 quận, huyện, thị xã (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022). Dự báo, tình hình sốt xuất huyết năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp.
Hướng dẫn người dân loại bỏ các vật dụng chứa nước có bọ gậy.
Sáng 12-6, UBND thành phố Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Hoài Đức tổ chức phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (15-6) năm 2023.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh sốt xuất huyết đang lưu hành ở hơn 100 quốc gia; trong đó các khu vực châu Mỹ, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đặc biệt khu vực châu Á chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật toàn cầu.
Tại Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành phổ biến tại nhiều tỉnh, thành phố. Riêng Hà Nội là thành phố trọng điểm về sốt xuất huyết của khu vực miền Bắc. Số mắc ghi nhận những năm gần đây có xu hướng tăng cao hơn những năm trước, lan rộng tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Các huyện hằng năm có số mắc cao và các ổ dịch diễn biến phức tạp như: Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thanh Oai…
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, năm 2022, toàn thành phố đã có hơn 19.000 trường hợp mắc bệnh, 25 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sốt xuất huyết. Trong năm 2023, tính từ đầu năm đến ngày 6-6 đã ghi nhận 357 trường hợp sốt xuất huyết tại 28/30 quận, huyện, thị xã (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, quá trình đô thị hóa, điều kiện sống tạm bợ, cộng với điều kiện khí hậu nắng và mưa nhiều tạo thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh là muỗi vằn sinh sôi, phát triển. Thêm vào đó, tình trạng xả rác thải bừa bãi, phế liệu chưa được thu gom, tích trữ nước mưa, nước sinh hoạt, trồng cây cảnh, hòn non bộ… đã tạo ra các vật dụng chứa nước là môi trường cho muỗi truyền bệnh đẻ trứng và bọ gậy phát triển.
“Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp phòng, chống hiện nay chủ yếu là vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, diệt muỗi vằn. Tuy nhiên, việc huy động cộng đồng, nhân lực cho các hoạt động diệt bọ gậy, phun hóa chất tại nhiều nơi còn nhiều khó khăn, dẫn đến việc xử lý ổ dịch chưa triệt để. Do đó, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài”, bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
Tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết.
Theo Sở Y tế Hà Nội, bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng tại các nước và tại nhiều tỉnh, thành phố của nước ta. Dự báo, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp; công tác phòng, chống còn nhiều khó khăn.
Do đó, theo bà Trần Thị Nhị Hà, các quận, huyện, thị xã cần chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết một cách đồng bộ; trong đó tập trung quyết liệt việc diệt muỗi, diệt bọ gậy; giám sát các khu vực nguy cơ cao như nơi có ổ dịch cũ, vệ sinh môi trường kém, thiếu nước sạch, có nhiều nhà cho thuê trọ, có công trường xây dựng...
Đặc biệt, tuyên truyền, vận động người dân duy trì hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy trong và xung quanh hộ gia đình, tại cơ quan, xí nghiệp, trường học… hằng tuần. Khi bị sốt cao liên tục trên 2 ngày, người dân cần đến cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám, điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.