Tình hình Sudan: RSF nhất trí về lệnh ngừng bắn mới, các nước nói gì?
Ngay sau khi lệnh ngừng bắn được công bố, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Liên minh châu Âu (EU) đã lập tức có phản ứng.
Tối ngày 19/4, Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) tại Sudan đã nhất trí về một lệnh ngừng bắn mới bắt đầu từ 18h00 cùng ngày và kéo dài 24 giờ.
RSF cho biết: “Chúng tôi xác nhận cam kết đầy đủ với lệnh ngừng bắn toàn diện và chúng tôi hy vọng phía bên kia sẽ tuân thủ lệnh ngừng bắn theo thời gian đã thông báo”. Song hiện chưa rõ liệu quân đội Sudan có tuyên bố cam kết thực thi lệnh ngừng bắn hay không.
Trước đó, ngày 18/4, hai bên đều khẳng định sẽ thực thi lệnh ngừng bắn 24 giờ cùng ngày. Tuy nhiên, phóng viên Reuters tại Khartoum vẫn nghe thấy tiếng xe tăng khai hỏa sau khi lệnh ngừng bắn sắp có hiệu lực.
Bạo lực giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự RSF bùng phát ngày 15/4 đã khiến gần 300 người thiệt mạng và 3.000 người bị thương. Hai bên sử dụng máy bay chiến đấu, xe tăng, pháo binh và súng máy tấn công nhau tại những khu dân cư đông đúc ở thủ đô Khartoum cũng như các thành phố khác trên toàn Sudan.
Cũng trong ngày 19/4, Bộ trưởng Quốc phòng Chad, Tướng Daoud Yaya Brahim cho biết 320 binh sĩ Sudan đã chạy trốn sang sang nước láng giềng này để tránh cuộc giao tranh đang diễn ra ác liệt ở quê hương. Ông nói: “Họ đã đến lãnh thổ của chúng tôi, bị tước vũ khí và bị giam giữ hôm 16/4”.
Theo ông Yaya Brahim, các binh sĩ này nói rằng họ lo sợ bị RSF tiêu diệt trong các cuộc giao tranh giữa RSF và quân đội do Tướng Abdel Fattah al-Burhan đứng đầu.
Trước đó, ngày 15/4, Chad đã đóng cửa biên giới dài hơn 1.000 km với Sudan qua sa mạc lớn, nơi các nhóm phiến quân ở cả hai nước thường xuyên hoạt động.
Về phần mình, ngày 19/4, người phát ngôn của Các Lực lượng vũ trang Ai Cập Gharib Abdel-Hafez thông báo, Cairo đang phối hợp với các bên liên quan để đảm bảo quân nhân nước này đang mắc kẹt tại Sudan về nước an toàn.
Theo ông, các binh sĩ nước này, vốn tham gia huấn luyện chung với Các Lực lượng vũ trang Sudan, đã mắc kẹt tại sân bay Merowe từ ngày 15/4, thời điểm bùng phát giao tranh giữa quân đội Sudan và RSF tại thủ đô Khartoum cùng các khu vực lân cận.
Đáp lại thông tin này, RSF cho biết quân nhân Ai Cập đã được di chuyển tới thủ đô Khartoum của Sudan. Lực lượng này trấn an chính quyền Cairo và gia đình của các binh sĩ này rằng họ vẫn an toàn và đang nhận được sự chăm sóc cần thiết.
Trong khi đó, ngày 19/4, phát biểu trước báo giới tại vùng Manavgat, tỉnh Antalya, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nêu rõ: “Chúng tôi đang đàm phán với cả hai bên để ngăn chặn xung đột tại Sudan”. Theo ông, chính quyền Ankara hy vọng các bên tại Sudan sẽ sớm ngừng bắn vào ngày 20/4, thời điểm diễn ra lễ Eid al-Fitr, sự kiện quan trọng với người dân theo đạo Hồi tại nước này.
Nhà ngoại giao này cũng lưu ý rằng Ankara sẽ tổ chức sơ tán công dân Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi Sudan sau khi không phận Sudan mở cửa trở lại ngày 20/4.
Trong khi đó, theo Spiegel (Đức) sáng 19/4, lực lượng không quân nước này đã phái ba máy bay vận tải A400M để sơ tán công dân tại Sudan, song phải tạm dừng nhiệm vụ trên do đụng độ và không kích mới ở Khartoum ngày càng ác liệt.
Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ: “Chúng tôi đang thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết (để bảo vệ công dân) trong tình huống khó khăn hiện nay”.
Trong thông cáo cùng ngày 19/4, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Joseph Borrell nhấn mạnh, EU lấy làm tiếc về những thiệt hại và các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm luật nhân quyền quốc tế và luật nhân đạo quốc tế.
Khối này kêu gọi tất cả các bên tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và thực hiện chấm dứt chiến sự ngay lập tức. Theo ông Borrell, chiến sự bùng phát làm suy yếu các nỗ lực khôi phục quá trình chuyển đổi sang một chính phủ dân chủ, dân sự lãnh đạo và có nguy cơ gây mất ổn định khu vực.
EU kêu gọi tất cả các bên tham gia cho phép và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nhân đạo nhanh chóng và không bị cản trở, cũng như bảo vệ dân thường và đảm bảo an toàn cho nhân viên nhân đạo, cũng như tạo không gian cho đối thoại và hòa giải. Khối ủng hộ các nỗ lực chấm dứt lập tức các hành động thù địch, bước đầu tiên dẫn đến một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn sẽ được đàm phán khẩn cấp, đặc biệt trong bối cảnh lễ Eid-al-Fitr của người Hồi giáo cận kề.
EU khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác tích cực với các đối tác quan trọng để đảm bảo tất cả các bên ưu tiên ngừng bắn, chấm dứt bạo lực, giảm leo thang căng thẳng và giải quyết khác biệt chính trị thông qua đối thoại.