Tình hình Sudan: Xung đột lan rộng trên cả nước, lý do Mỹ đình chỉ các cuộc đàm phán

Cuộc chiến kéo dài 2 tháng qua giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đang lan rộng trên quy mô khắp cả nước.

Giao tranh nổ ra ở Sudan kể từ giữa tháng 4/2023 đến nay đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và 2,5 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, đồng thời châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn. (Nguồn: Reuters)

Giao tranh nổ ra ở Sudan kể từ giữa tháng 4/2023 đến nay đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và 2,5 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, đồng thời châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn. (Nguồn: Reuters)

Các cuộc không kích và nã tên lửa phòng không đã diễn ra trong đêm 23/6 tại Omdurman và Khartoum, 2 trong số 3 thành phố tạo nên thủ đô mở rộng của Sudan.

Ngoài ra, trong những ngày gần đây, các cuộc đụng độ giữa hai bên đã mở rộng ra các thành phố ở phía Tây thủ đô, tại khu vực Darfur và Kordofan.

Tại Al Fashir, thủ phủ của bang Bắc Darfur, một thỏa thuận ngừng bắn mong manh giữa hai phe phái Sudan đã đổ vỡ dẫn tới các cuộc đụng độ ở các khu dân cư.

Ở El Obeid, thủ phủ của Bắc Kordofan và là trung tâm kết nối giao thông giữa Khartoum và Darfur, nơi RSF duy trì sự hiện diện đáng kể, lực lượng bán quân sự này đã đụng độ với lực lượng cảnh sát dự bị được vũ trang.

Người dân và các nhà quan sát cho biết, giao tranh ác liệt đã xảy ra ở bang Tây Darfur, nơi các lực lượng dân quân được RSF hậu thuẫn đã san bằng các khu vực của thành phố và buộc người dân phải di tản hàng loạt.

Thành phố El Geneina ở Tây Darfur đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các cuộc tấn công lặp đi lặp lại của lực lượng dân quân.

Cùng ngày 23/6, Mỹ thông báo đã đình chỉ các cuộc đàm phán liên quan tới cuộc xung đột ở Sudan do định dạng hiện nay không đạt được thành công theo cách mà Washington mong muốn.

Giao tranh nổ ra ở Sudan kể từ giữa tháng 4/2023 đến nay đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và 2,5 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, đồng thời châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn.

Tình hình nhân đạo ở quốc gia châu Phi hiện rất nghiêm trọng, khi toàn bộ các quận ở thủ đô Khartroum đã không còn nước sạch, chỉ có điện vài giờ trong tuần. Các cơ sở cứu trợ cũng thường xuyên bị cướp bóc.

(theo: Reuters, Bloomberg)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-hinh-sudan-xung-dot-lan-rong-tren-ca-nuoc-ly-do-my-dinh-chi-cac-cuoc-dam-phan-232104.html