Tình hình Ukraine: Nga 'chắc nịch' một điều, Kiev lập binh chủng mới, ngày phản công đã cận kề?
Cựu Ngoại trưởng Mỹ nhận định Nga-Ukraine có thể xúc tiến đàm phán cuối năm nay, trong khi Estonia bày tỏ quan ngại về tác động của xung đột tới nước nhỏ.
Ngày 23/5, phát biểu tại họp báo thường kỳ, đại diện Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố tàn dư của nhóm được cho là đã tấn công xuyên biên giới từ Ukraine vào tỉnh Belgorod của Nga hôm 22/5 đã bị đẩy lui. Trong đó, hơn 70 kẻ tấn công đã bị tiêu diệt.
Cùng ngày, phát biểu với phóng viên qua điện thoại, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh việc phương Tây cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu F-16 hiện đại đi kèm “rủi ro rõ ràng” và viện trợ quân sự sẽ không làm thay đổi tình hình xung đột.
Trong khi đó, RIA (Nga) dẫn lời Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev lưu ý, vũ khí mà Ukraine nhận được từ những nước ủng hộ phương Tây càng mạnh thì nguy cơ dẫn đến “ngày tận thế hạt nhân” càng cao. Ngoài ra, nhà lãnh đạo này cũng cho rằng việc Kiev phủ nhận dính líu đến cuộc tấn công vũ trang ở tỉnh biên giới Belgorod của Nga là “dối trá”.
* Về phía Ukraine, ngày 23/5, đăng tải trên Telegram sau khi thị sát các vị trí tiền tiêu của lực lượng nước này tại khu vực phía Đông Donetsk, Tổng thống Volodymyr Zelensky viết: “Hôm nay, tôi vinh dự thông báo một quyết định nhằm tăng cường đáng kể tiềm lực của Hải quân Ukraine. Đó là thành lập binh chủng Thủy quân Lục chiến”. Ông nhấn mạnh, Kiev sẽ nỗ lực tối đa để phát triển Thủy quân Lục chiến trở thành binh chủng quan trọng và vững mạnh của quân đội Ukraine, đồng thời cố gắng thành lập các lữ đoàn mới cho hải quân nước này.
* Cũng trong ngày 23/5, Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo quân đội Ukraine, Tướng Kirill Budanov – cho biết: “Chúng tôi đã có được số vũ khí tối thiểu cần thiết. Tôi chỉ có thể nói rằng chiến dịch phản công sẽ bắt đầu trong tương lai gần”. Theo cơ quan trên, VSU hiện có được số lượng vũ khí cần thiết tối thiểu cho chiến dịch này.
Trang mạng quân sự Nga cho rằng có thể cuộc tấn công vào Belgorod là nỗ lực nhằm đánh lạc hướng xứ bạch dương và làm suy yếu khả năng kiểm soát ở tiền tuyến.
Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định Kherson và Zaporizhzhia sẽ là các khu vực Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) có khả năng phát động phản công nhất. Tuy nhiên, họ không loại trừ khả năng VSU tận dụng sự rút lui của binh sĩ Wagner để tấn công Bakhmut cũng như các vùng lân cận theo hướng Donetsk. Cùng lúc, hoạt động cao độ của VSU gần đây đã diễn ra trên toàn bộ khu vực giao tranh, khiến việc đánh giá hướng tấn công trở nên khó khăn hơn.
* Trong một tin liên quan, trả lời CBS News (Mỹ) ngày 23/5, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger dự báo: “Khi Trung Quốc đã tham gia tiến trình đàm phán, tôi nghĩ mọi thứ sẽ đâu vào đó cuối năm nay. Chúng ta sẽ nói về quá trình đàm phán, thậm chí đàm phán thực sự”.
Ông Kissinger từng giải thích công khai rằng việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía Đông và cố gắng kết nạp Ukraine đã buộc lãnh đạo Nga hành động để bảo đảm an ninh cho đất nước.
Tuy vậy, trong cuộc phỏng vấn dài gần đây với tạp chí The Economist (Anh), cựu Ngoại trưởng Mỹ đã thay đổi lập trường. Theo ông, NATO cần kết nạp Ukraine bây giờ, bởi đây là cách duy nhất để kiểm soát quốc gia đang sử dụng vũ khí phương Tây này.
* Trong khi đó, phát biểu trước báo giới ngày 23/5, Ngoại trưởng Estonia Jonatan Vseviov cảnh báo cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ định hình trật tự quốc tế theo hướng tác động sâu sắc đến các quốc gia nhỏ: “Nếu chúng ta quay trở lại một thế giới mà trong đó sức mạnh sẽ tạo ra lẽ phải, thì tất cả chúng ta sẽ gặp rắc rối và các quốc gia nhỏ, chẳng hạn như Israel, sẽ cảm nhận được trước tiên”.
Cảnh báo của Ngoại trưởng Vsesiov được cho là tương đồng với quan điểm của ông Ron Dermer, Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược – người từng giữ chức Đại sứ Estonia tại Mỹ, cố vấn của Thủ tướng Kaja Kallas và nhân vật chủ chốt tham gia hoạch định chính sách đối ngoại và quốc phòng của Estonia. Ông Dermer từng là “kiến trúc sư” của thế trận phòng thủ được NATO, triển khai tại Đông Âu.
* Cùng ngày, phát biểu trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Liên minh châu Âu (EU), Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ngày 23/5 thông báo, nước này sẽ tiếp tục thực hiện chương trình huấn luyện dành cho binh sĩ VSU, Dự kiến, đến cuối năm 2023, huấn luyện viên quân sự của Berlin sẽ đào tạo thêm 9.000 binh sĩ cho chính quyền Kiev.
Hiện tại, một số chương trình huấn luyện quân sự dành cho các binh sĩ Ukraine đang được triển khai ở Đức, trong đó, chương trình có quy mô lớn nhất là Sứ mệnh huấn luyện của EU (EUMAM) từ tháng 11/2022.
Trong khuôn khổ này, các tân binh Ukraine phải trải qua khóa huấn luyện quân sự sơ bộ, thành thạo các kỹ năng cơ bản về sử dụng vũ khí, huấn luyện bắn súng, y tế và kỹ thuật.
Ngoài ra, các kíp lái xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép hạng nặng, kể cả xe tăng Leopard 2 và Leopard 1, cũng như kíp điều khiển các hệ thống phòng không do phương Tây sản xuất, đang được đào tạo tại cơ sở huấn luyện của quân đội Đức. Nếu Ba Lan đóng vai trò trung tâm hậu cần chủ chốt của Ukraine, Đức lại là trung tâm đào tạo chính dành cho VSU.